Nhập siêu giảm: Vẫn chưa hết lo
Nhập siêu giảm cũng có nghĩa là quan hệ kinh tế vĩ mô tổng hợp nhất là giữa sản xuất GDP và sử dụng GDP (gồm tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng) giảm được sự mất cân đối lớn, tạo tiền đề cho việc thực hiện sớm mục tiêu cân bằng xuất nhập khẩu được đề ra đến năm 2020.
Số liệu nhập siêu từ năm 2006 đến nay như sau:
Đơn vị tính USD. Nguồn số liệu Tổng cục Thống kê
Như vậy, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam ở vị thế nhập siêu. Một mặt do nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của một nền kinh tế đang phát triển; mặt khác do hiệu quả, sức cạnh tranh còn yếu, cơ cấu sản xuất, tiêu dùng chuyển biến còn chậm; mặt khác nữa do cam kết trong quá trình mở cửa, hội nhập. Quy mô nhập siêu sau khi đạt đỉnh điểm vào năm 2008, đã giảm liên tục trong những năm sau đó.
Năm 2012, chỉ tiêu nhập siêu ban đầu được đề ra là chiếm 11- 12% kim ngạch xuất khẩu (khoảng 12- 13 tỷ USD). Chính phủ đề ra mức phấn đấu dưới 10% xuất khẩu (khoảng dưới 11 tỷ USD). Tại hội nghị ngành mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mức 6 tỷ USD. Nhưng trong 7 tháng qua, bên cạnh những tháng nhập siêu đã có một số tháng xuất siêu, trong đó có 2 tháng gần đây. Tính chung 7 tháng, nhập siêu chỉ ở mức 58 triệu USD, thấp xa so với cùng kỳ năm trước, cả về kim ngạch tuyệt đối (58 triệu USD so với 5410 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (0,1% so với 10,3%).
Với “tiến độ” thấp như trên, nhập siêu cả năm 2012 sẽ không những thấp xa so với 5 năm trước, thậm chí còn thấp nhất tính từ năm 2002 đến nay (thấp nhất trong 10 năm trước là năm 2002 ở mức 3040 triệu USD), thấp xa so với chỉ tiêu kế hoạch. Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu của năm nay có thể là mức thấp nhất trong vài chục năm qua.
Từ nhận xét như vậy nhìn một cách tổng quát, kinh tế Việt Nam đã chuyển từ vị thế nhập siêu lớn sang vị thế nhập siêu thấp, thậm chí đã có tháng xuất siêu. Nhập siêu giảm cũng có nghĩa là quan hệ kinh tế vĩ mô tổng hợp nhất là giữa sản xuất GDP và sử dụng GDP (gồm tích luỹ và tiêu dùng cuối cùng) đỡ mất cân đối lớn như trước, tạo tiền đề cho việc thực hiện sớm mục tiêu cân bằng xuất nhập khẩu được đề ra (đến năm 2020).
Nhập khẩu tăng thấp, nhập siêu giảm cũng là một thời cơ để soát xét lại cơ cấu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng, nhất là khắc phục tính gia công, phát triển công nghiệp phụ trợ, hạn chế tâm lý “chuộng hàng ngoại” của một bộ phận dân cư…
Nhập siêu giảm đã góp phần làm cho cán cân thanh toán đạt thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng khá. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng nhà nước đã mua được hàng chục tỷ USD, đưa dự trữ ngoại hối lên tương đương với 10 tuần nhập khẩu; khả năng đến cuối năm sẽ đạt 12 tuần nhập khẩu- đạt được ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế.
Nhập siêu giảm do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng hàng đầu là do kim ngạch xuất khẩu tăng cao - lên đến 19,8%. Đây là một trong những lĩnh vực đạt được tốc độ tăng cao nhất trong các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm (GDP tăng 4,38%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5%, vốn đầu tư toàn xã hội tính theo giá thực tế tăng 10,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tăng 6,5%, tổng thu ngân sách giảm 1,7%, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 13,9%...).
Một nguyên nhân quan trọng là tốc độ tăng của nhập khẩu chỉ bằng một nửa của xuất khẩu (8,8% so với 19,8%). So với cùng kỳ năm trước, trong 50 mặt hàng chủ yếu có 26 mặt hàng có kim ngạch tăng, còn 23 mặt hàng có kim ngạch giảm (hạt điều, dầu mỡ động thực vật, thức ăn gia súc, dầu thô, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, phân bón, thuốc trừ sâu nguyên liệu, sản phẩm từ giấy, bông các loại, xơ sợi dệt các loại, vải các loại, sắt thép các loại, ô tô nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng xe máy…).
Tuy nhiên, dù nhập siêu giảm nhưng vẫn còn có nỗi lo. Đó là trong các nguyên nhân góp phần quan trọng do đầu tư, sản xuất, tiêu dùng co lại, làm cho nhu cầu nhập khẩu bị giảm theo. Khi nhập khẩu tăng thấp, nhập siêu giảm sẽ có tác động tiêu cực đến sản xuất ở trong nước, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo Chinhphu.vn