Nhanh chóng khắc phục các đoạn đê bị vỡ và giúp dân, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân
Phường Vĩnh Phú: Nhiều nơi ngập nặng...
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Quân sự phường Vĩnh Phú (TX.Thuận An), do ảnh hưởng của triều cường nên hầu hết các khu phố đều ít nhiều bị ngập nước. Trước đó vào ngày 27-10, triều cường đã làm vỡ một đoạn đê bao dài khoảng 14m thuộc công trình kênh tiêu Phú Hội (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư) gây ngập trên diện rộng, từ tổ 7 đến tổ 14 với 300/1.200 hộ dân bị ngập. Sau khi bờ bao vỡ đã có hàng chục ha bị ngập, nơi ngập sâu nhất khoảng 1,4m làm cô lập nhiều khu vực.
Sáng 29-10, nhiều hộ dân ở các điểm ngập nặng như: khu phố Trung, Phú Hội, khu phố Đông, khu phố Tây... đã sơ tán đến nơi an toàn. Nhiều hộ đã kịp sơ tán cả cây kiểng, hoa lan và gia súc, gia cầm theo. Trên một tuyến đường gần UBND phường Vĩnh Phú, nhiều chòi tạm được người dân thuê và một số do lực lượng dân quân phường dựng lên để đón những hộ dân bị ngập đến ở tạm cũng như cất giữ tài sản. Gia đình ông Phạm Văn Ba, khu phố Tây, phường Vĩnh Phú, cho biết khi thấy nước lên nhanh, các thành viên trong gia đình ông đã nhanh chân “giải cứu” đàn bò sữa 8 con đến nơi khô ráo. Ông Ba cho biết mấy hôm nay cả gia đình ông phải gồng mình để chăm cho đàn bò. “Nếu không kịp thời chuyển đến nơi cao thì bò sẽ bị ngập nước, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sản lượng sữa...” - ông Ba nói.
Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng kịp thời cứu được tài sản như gia đình ông Ba. Nước lên nhanh trong đêm khiến người dân trở tay không kịp. Nhiều hộ đành ngậm ngùi nhìn triều cường “nuốt chửng” cả vườn mai hay hồ cá hàng ngàn con sắp đến ngày thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú cho biết, tính đến trưa 29-10, trên địa bàn phường có gần 2.000 hộ bị ảnh hưởng bởi triều cường; trong đó khu phố Trung và khu phố Tây có nhiều hộ bị ảnh hưởng nhất. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) phường Vĩnh Phú đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ; huy động nhiều lực lượng cùng tham gia giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Phường cũng đang tiếp tục hỗ trợ nước uống, mì tôm cho bà con và khẩn trương thống kê thiệt hại để có biện pháp giúp đỡ.
Ngay sau khi phát hiện vỡ đê bao kênh tiêu Phú Hội, Ban Chỉ huy PCLB phường Vĩnh Phú đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ; sử dụng 50 khối cát đóng bao, 500 cây cừ, 200m bạt để khắc phục. Sau đó, một xà lan xe cuốc đã được điều đến khắc phục sự cố. Bên cạnh việc khẩn trương đắp lại các đoạn đê bị vỡ, phường Vĩnh Phú đã huy động lực lượng dân quân xuống các khu phố Trung và Tây, những nơi bị ngập nặng để giúp dân kê kích vật dụng tài sản. Mặc dù đã kịp thời triển khai các phương án phòng chống nhưng do nước lên quá nhanh nên vẫn gây ngập nhiều nơi ở phường làm thiệt hại tài sản của người dân. 2 trường tiểu học và mầm non đành phải đóng cửa do ngập nước quá sâu. Nhiều đoạn trên quốc lộ 13 nước ngập gây nhiều khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Chị Nguyễn Thị Tuyết, khu phố Trung, than thở mấy hôm nay triều cường đã làm đảo lộn sinh hoạt trong gia đình. Con nhỏ không đến trường được, buôn bán ế ẩm, cả ngày chỉ lo quét, dội rửa nhà.
Tại phường Vĩnh Phú, lực lượng dân phòng và các chiến sĩ của Thị đội Thuận An luôn có mặt tại các điểm xung yếu để gia cố lại bờ bao, tiêu thoát nước để chống ngập cho các hộ dân trong khu vực.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các lực lượng nạo vét lòng kênh và tập trung mọi nguồn lực để phòng chống ngập lụt (ảnh: Thanh Liêm) Nhiều nhà dân bị ngập sâu Bà Bê thẫn thờ bên ao cá bị trôi Dù đã xây chặn các lối ra vào, nhưng nhà dân vẫn chìm sâu trong nướcNgười dân xã Tương Bình Hiệp (TX.TDM): Khổ vì triều cường!
Trước tình hình diễn biến phức tạp của triều cường, từ ngày 27-10 đến nay, xã Tương Bình Hiệp (TX.TDM) có trên 40 hộ bị ngập chìm trong nước. Đời sống sinh hoạt, kinh tế của người dân bị ảnh hưởng nặng, rất mong phía chính quyền các cấp hỗ trợ để sớm có biện pháp khắc phục.
Đa phần những hộ dân bị ngập đang sinh sống sát mép sông Sài Gòn, trải đều qua các ấp 1, 2, 3 và 4. Đến 9 giờ sáng 30-10, triều cường trên các ấp 1, 3 và 4 đã có phần rút xuống; riêng hơn 10 hộ dân ở ấp 2 hiện đang ngập nặng, trải đều bán kính trên 10 ha. Người dân ở đây cho biết, mực nước ở khu vực này đã rút xuống trên 30cm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nơi đây vẫn còn chìm trong bể nước, có nơi ngập sâu hơn 1m. Nguồn nước này không chỉ nhấn chìm các vườn cây, ao cá, mà còn ngập sâu các nền nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều người trong vùng đã đem con trẻ đến gửi ở nhà ông bà (nơi nước không ngập) để tiện sinh hoạt. Tìm hiểu thêm mới biết, mấy ngày qua, những hộ dân này hầu như không có nước để sinh hoạt, nấu nướng. Hơn nữa, khi nước dâng cao, kéo theo rất nhiều đỉa từ ruộng vào. Có người cho biết, đã ăn mì tôm, cơm hộp trong nhiều ngày liền.
Để đưa chúng tôi vào sâu chỗ ở của các hộ dân, anh Nguyễn Văn Minh, người dân nơi đó phải mò mẫm từng bước làm người dẫn đường cho chúng tôi. Nhìn những tủ, bàn của nhà mình chìm trong nước, anh Minh lắc đầu than thở: “Vậy là hư hết rồi, ván ép mà ngập nước là nở ra hư chân đế hết. Nói thật với mấy chú, chúng tôi tích cóp lâu lắm mới sắm sửa được một chút, bây giờ coi như mất. Chiều 27 do nước lên nhanh mà cả hai vợ chồng tôi đi làm tối mịt mới về nên không trở tay kịp”.
Cách nhà anh Minh chừng 200m, bà Nguyễn Thị Bê xắn quần lên quá gối chống gậy đi quanh ao cá thở dài: “Mất hết rồi, cá của tôi đi hết rồi. Mấy ngày qua, tụi nhỏ chạy mua lưới về vây nhưng chẳng thể nào canh được đêm hôm. Không biết nước từ đâu về lên nhanh quá”. Ao cá của bà Bê rộng khoảng 800m2 nuôi đủ thứ cá như tra, trê phi, trấm. Ao cá này bà đã thả hàng ngàn cá giống hơn một năm nay, hiện cá đang bước vào vụ thu hoạch, có con đã đạt gần 5kg. Bà Bê nhẩm tính hiện tại, cá trong ao còn chưa đến 1/3. Bà Bê đã già, nguồn sống bao năm chỉ nhờ vào ao cá, bây giờ coi như mất trắng.
Men theo con đê nhỏ, chúng tôi tiếp tục tiến sâu ra sát mép sông, đời sống bà con nơi đây cũng bị ảnh hưởng khá nặng. Những cây trái lâu năm của bà con như măng cụt, bòn bon, sầu riêng... đang chìm sâu trong nước. Người dân cho biết, nếu nước ngập nặng khoảng một tuần, các cây trái này sẽ ảnh hưởng rất nặng trong vụ tới, thậm chí bị chết do thối rễ nếu tiếp tục bị ngập lâu hơn.
Bà Nguyễn Thị Chiệc, một người lớn tuổi trong vùng cho biết thêm, hầu như ở khu vực này năm nào nước cũng ngập, nhưng việc bị ngập sâu như năm nay là rất hiếm thấy. Mấy ngày trước đó, dự đoán triều cường dâng cao, bà đã kêu mấy người con chạy mua gạch về xây kín các cửa ra vào trong nhà (xây cao hơn 40cm), vậy mà vẫn không chịu nổi trước từng đợt nước dâng. Để ngăn nước tràn vào, khi dùng bơm hút nước ra ngoài, thì những khe hở của gạch từ bên dưới, nước bắn lên từng vòi đẩy trôi đồ đạc lênh láng... Bà Chiệc nói, việc thiếu nước sinh hoạt cùng với việc phải chống chọi với đỉa, vắt từ ngoài ruộng, vườn tràn vào rất vất vả, nên rất mong chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ và ứng phó...
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi mực nước triều cường có phần rút xuống, chính quyền xã Tương Bình Hiệp đã cho đổ nhiều đống cát, huy động lực lượng địa phương chuẩn bị bao để ngăn đê nhằm khống chế nguồn nước dâng cao trong những ngày tới.
Q.Tám - T.Dũng