Nhanh chóng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất sau bão số 10
Các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng ứng cứu người bệnh vùng bão lũ, Khắc phục xong sự cố đường dây 500 kV, 200 kV Hà Tĩnh - Ðà Nẵng
Bộ đội cùng nhân dân tập trung xử lý, khắc phục điểm sạt lở bờ biển
tại xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế)
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư: bão số 10 sau khi đổ bộ vào nước ta đã đi thẳng sang phía Trung Lào và suy yếu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão hôm nay (2-10) các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị vẫn có mưa, nhiều nơi mưa rất to, có khả năng gây ngập úng trên diện rộng.Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, tính đến sáng 1-10, bão số 10 đã làm ba người chết, hai người mất tích và 50 người bị thương; gần 200 nghìn căn nhà bị tốc mái, ngập và sập đổ; nhiều trường học, bệnh viện, trạm y tế... bị hư hại; hàng chục nghìn ha cây trồng bị thiệt hại; hàng trăm cột điện hạ thế và cao thế bị nghiêng, đổ, đường dây điện bị đứt; nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở; nhiều tàu, thuyền neo đậu tại bến cũng bị chìm và hư hỏng.
Ngày 1-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại bão số 10 tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương nhanh chóng thống kê thiệt hại để có hướng chỉ đạo sát đúng; thăm hỏi động viên những gia đình bị nạn, những khu vực bị thiệt hại nặng, bố trí chỗ ở cho những gia đình không có chỗ ở, bảo đảm người dân không bị đói, rét sau bão; khẩn trương sửa chữa ở các trạm xá, trường học để kịp thời chăm sóc sức khỏe nhân dân và con em sớm đến trường.
Ðến 16 giờ ngày 1-10, tỉnh Quảng Bình ước tính thiệt hại hơn 4.600 tỷ đồng; số nhà bị tốc mái là hơn 156.500 nhà, 345 nhà bị sập, 3.581 nhà ngập lũ, 460 trường học tốc mái, 98 trạm y tế tốc mái; 113 tàu, thuyền bị hư hỏng; 11.297 ha cao-su bị gãy đổ; ba người chết, hai người mất tích; cơ sở hạ tầng giao thông bị sạt lở và cuốn trôi đất đá 215.200 m3; diện tích nuôi thủy sản thiệt hại 289 ha. Hệ thống giao thông cơ bản thông suốt. Người dân trong tỉnh tập trung thu dọn cây xanh bị gãy đổ, lợp lại nhà cửa. Chính quyền các địa phương huy động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ đến các gia đình chính sách, gia đình neo đơn giúp sửa sang lại nhà cửa.
Tại tỉnh Thanh Hóa, hơn 1.000 hộ dân ở năm xã phía nam huyện Tĩnh Gia bị ngập từ 1 đến 1,5 m, có 1.000 ha lúa, 900 ha lạc vụ đông, 600 ha rau màu, 15 ha đồng muối bị ngập. Tại huyện Nông Cống có hai cháu học sinh ở xã Công Bình bị lũ cuốn trên đường đi học về. Hội Chữ thập đỏ tỉnh chỉ đạo tổ chức hội cơ sở xuống thăm hỏi, chia buồn, động viên và trợ giúp 2,5 triệu đồng cho thân nhân mỗi nạn nhân. Tỉnh Thanh Hóa đã điều động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ vũ trang mang theo 73 xuồng cùng 450 thùng mì tôm, 100 thùng nước khoáng, các nhu yếu phẩm cần thiết trợ giúp nhân dân vùng ngập nước. Lực lượng cứu hộ tập trung trợ giúp 120 hộ dân xã Tân Trường di chuyển đến nơi an toàn. Lực lượng vũ trang cùng các ngành tiếp tục bám địa bàn hỗ trợ người dân, thực hiện cứu trợ kịp thời bảo đảm không có hộ đói, khát, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; khắc phục kịp thời những đoạn, tuyến giao thông, công trình thủy lợi, đê điều bị sạt lở. Nước rút đến đâu chỉ đạo ra quân làm vệ sinh môi trường đến đó, bảo đảm phòng chống dịch, bệnh đồng thời sớm ổn định đời sống nhân dân, tổ chức sản xuất nhằm khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Theo Ban chỉ huy PCLB và TKCN Nghệ An, bão số 10 đã làm hai ngôi nhà bị sập đổ, 19 nhà bị tốc mái, hơn 4.800 nhà, phần lớn ở thị xã Hoàng Mai và Quỳnh Lưu bị ngập; 1.061 ha lúa, hơn 2.500 ha ngô và rau màu, gần 340 ha cây công nghiệp và cây ăn quả hàng năm bị ngập; hơn 4.600 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, 524 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Các ngành chức năng tỉnh đang khẩn trương giúp dân sơ tán đồng thời cố gắng bảo vệ tài sản, chuẩn bị lương thực, thuốc men, kịp thời xử lý môi trường khi nước rút.
Tỉnh Hà Tĩnh đang tổ chức lực lượng giúp người dân dựng, lợp lại nhà cửa, ổn định cuộc sống sau cơn bão số 10. Tại huyện Kỳ Anh - nơi chịu thiệt hại nặng do cơn bão số 10 gây ra, chính quyền địa phương các cấp đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã đến động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị thương. Tại các xã Kỳ Trinh, Kỳ Thư, Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, chính quyền địa phương huy động lực lượng cùng người dân lợp lại hàng trăm ngôi nhà, công trình phụ, trại chăn nuôi bị tốc mái.
Huyện Thạch Hà đã huy động gần 400 người dân địa phương, đồng thời cung ứng 25 m3 đá hộc, 50 m2 lưới thép B40, 70 cọc tre, 1.500 bao tải và hơn 400 tấm phên tre gia cố đoạn kênh tiêu bị sạt lở, xung yếu trên địa bàn xã Thạch Bàn; đồng thời tổ chức huy động lực lượng quân sự huyện và dân quân xã Thạch Tượng ứng cứu chống tràn cho tuyến đê Hữu Phủ tại vị trí cống Ðò Bang bảo đảm an toàn cho tuyến đê.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung xử lý giải tỏa cây và rác với khối lượng khoảng 5.000 m3 chắn trên thân đập của công trình hồ chứa nước Tả Trạch. Các xã Hải Dương (thị xã Hương Trà); xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) đồng thời huy động lực lượng xử lý khẩn cấp hơn 1.000m bờ biển bị xâm thực sát vào nhà ở của dân; xử lý khẩn cấp việc hàn khẩu đoạn đê sông Hương bị sạt lở trên tổng chiều dài 9m, sâu 3m qua địa bàn xã Phú Thạnh (huyện Phú Vang). Tỉnh có công văn chính thức đề nghị Chính phủ hỗ trợ 25 tỷ đồng giúp địa phương khắc phục các khó khăn trước mắt như sửa chữa nhà cửa bị sập, tốc mái, ổn định đời sống.
Ðến 10 giờ sáng ngày 1-10, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã lưu thông trở lại. Ngành điện lực đã huy động 250 công nhân chia làm nhiều mũi về các điểm xung yếu kiểm tra để có biện pháp khôi phục như dựng lại trụ điện bị nghiêng, đổ, thay mới trụ điện bị gãy, nối lại đường dây điện bị đứt, phấn đấu trong tuần này khôi phục xong tất cả các điểm có sự cố do bão, khẩn trương cấp điện trở lại phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân. Tỉnh Quảng Trị quyết định trích ngân sách hỗ trợ người bị thương 1,5 triệu đồng, gia đình có nhà bị sập sáu triệu đồng, nhà bị tốc mái một triệu đồng.
Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) tối 1-10 cho biết, đến nay, toàn bộ sự cố lưới điện 500kV, 220kV đã khắc phục xong. Lưới điện 110kV tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị đã khôi phục lại hoàn toàn. Hiện tại còn trạm biến áp (TBA) 110kV E15.17 Hoàng Mai (Nghệ An) cung cấp điện cho chín xã với 13.500 khách hàng thuộc huyện Quỳnh Lưu vẫn chưa khôi phục được do nước đang lên cao trong phòng điều khiển trung tâm.
Ðối với lưới điện phân phối, tỉnh Quảng Bình dự kiến trong chiều nay sẽ khôi phục cấp điện cho trụ sở UBND tỉnh, Tỉnh ủy, Bệnh viện Việt Nam - Cu-ba, Nhà máy nước Bàu Tró, Ðài Phát thanh Truyền hình, Tỉnh đội, Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh. Tỉnh Quảng Trị đã khôi phục cấp điện trở lại cho 75% phụ tải. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã khôi phục cho 94% phụ tải, chỉ còn 10MW (khoảng 6%) chưa thể khôi phục cấp điện do bị đổ cột, đứt dây, ngập nước. Tại Nghệ An, hiện tại còn 14 lộ đường dây trung thế bị sự cố. Ðã đóng điện được 225/485 TBA phân phối, còn hơn 185.210 hộ khách hàng đang bị mất điện. Tại Hà Tĩnh, đã đóng điện được 29/45 đường dây trung áp, còn lại 94/228 xã, phường với 110 nghìn/270 nghìn khách hàng bị mất điện. Tại Thanh Hóa, Ðiện lực Tĩnh Gia phải ngừng cấp điện cho 73 TBA phân phối do ngập nước khiến 4.642 khách hàng bị mất điện.
EVN đang tiếp tục chỉ đạo Tổng Công ty Ðiện lực miền Bắc và Tổng Công ty Ðiện lực miền Trung khẩn trương huy động lực lượng khắc phục hoàn toàn các sự cố lưới điện do mưa bão gây ra, khôi phục điện cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị.
Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, VNPT Quảng Bình là đơn vị bị thiệt hại nặng nhất với 14 tuyến cáp quang bị đứt, hầu hết là các tuyến nhánh, sáu máy phát điện bị sự cố; 31 cột ăng-ten/BTS mạng Vinaphone và 10 cột ăng-ten/BTS mạng Mobifone bị đổ, đến nay đã khôi phục được hai tuyến cáp quang. Tại Quảng Trị, có bảy tuyến cáp quang bị đứt, đã khôi phục được bốn tuyến, hai cột ăng-ten/BTS mạng Vinaphone và một cột ăng-ten/BTS mạng Mobifone bị đổ. Ðêm 1-10, Thường trực PCLB Tập đoàn VNPT đã chỉ đạo VNPT Nghệ An điều động xe thông tin chuyên dụng vệ tinh INMARSAT đi Quảng Bình để phục vụ đoàn công tác của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo khắc phục thiệt hại bão tại Quảng Bình. Mặc dù bị cắt điện kéo dài và gió bão lớn, nhưng VNPT đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức các đội ứng cứu tại Quảng Bình, hỗ trợ 21 máy nổ cho VNPT Quảng Bình. Công ty Vinaphone và Công ty VMS, mỗi đơn vị đã triển khai sáu đội ứng cứu khắc phục thông tin tại Quảng Bình. Công ty VTN đã cử các đội kỹ thuật và thiết bị vật tư dự phòng ứng cứu cho VNPT Quảng Bình. Do kịp thời tổ chức triển khai các phương án dự phòng, ứng phó cơn bão số 10 nên hiện nay, nhìn chung mạng lưới thông tin của VNPT vẫn được bảo đảm và phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo của trung ương và địa phương.
Ngày 1-10, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai hỗ trợ những người dân đang bị ảnh hưởng cơn bão số 10 ở hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Theo đó, BIDV Quảng Bình và BIDV Quảng Trị đã trao 10 tấn mì tôm tặng tỉnh Quảng Bình và 5 tấn mì tôm tặng tỉnh Quảng Trị.
Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư nhận định trong tháng 10, có khả năng xuất hiện một đến hai cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Ðông, ảnh hưởng đến nước ta.
Do mưa lũ kéo dài trong những ngày qua, hiện lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên. Ðến tối 2-10, mực nước trên sông Cả tại Nam Ðàn lên mức: 6,0m, trên báo động 1: 0,6m, sau đó tiếp tục lên chậm. Thượng nguồn sông La lên mức báo động 1- báo động 2, hạ lưu sông La và các sông ở Thanh Hóa còn dưới mức báo động 1. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ lên lại. Các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 1, có nơi trên báo động 1, riêng các sông ở Quảng Nam còn dưới mức báo động 1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh trên.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngày 6 và 7-10, vùng đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt đỉnh lũ cao nhất năm. Ðỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,4m (xấp xỉ báo động 3); sông Hậu tại Châu Ðốc ở mức 3,8m (dưới báo động 3: 0,2m); tại các trạm chính hạ nguồn sông Cửu Long, vùng Ðồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên lên mức báo động 3, có nơi trên báo động 3.
Ðể phòng, chống lũ, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư có Công điện số 73 gửi Ban chỉ đạo PCLB các tỉnh, thành phố: An Giang, Ðồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long; cùng các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, NN và PTNT. Theo đó, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng bảo vệ các khu dân cư và sản xuất; chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ diện tích lúa hè thu muộn, lúa thu đông, hoa màu và cây ăn trái; chỉ đạo khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, hoa màu và thủy sản đã đến kỳ thu hoạch. Kiểm tra, rà soát lại các khu vực hiện vẫn còn các hộ dân đang sinh sống trong các vùng trũng, thấp, ngoài đê bao, bờ bao có nguy cơ bị ngập lũ để có phương án chủ động phòng, tránh nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ tính mạng trẻ em trong mùa lũ. Triển khai các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các vị trí xung yếu, các khu vực nước lũ chảy xiết để kiểm soát hướng dẫn giao thông sẵn sàng ứng cứu người và tài sản. Tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung trong vùng lũ; có kế hoạch bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trong mùa lũ. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ để chủ động ứng phó trong mọi tình huống và báo cáo kịp thời tình hình về Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư.
Người dân xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) mua phi-brô xi-măng về lợp lại nhà
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn biên phòng Nhật Lệ giúp đỡ các trường học
tại TP Ðồng Hới (Quảng Bình) thu dọn cây gãy, đổ sau bão.
Công nhân Ðiện lực Quảng Bình tập trung khắc phục,
sửa chữa hệ thống lưới điện TP Ðồng Hới.
Theo nhandan.com.vn