Nhanh chóng đổi mới mô hình tòa án
Theo quy định hiện hành, Tòa Hành chính được lập ra để các thẩm phán nhân danh nhà nước đưa ra những phán quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước những hành vi hành chính và quyết định hành chính trái pháp luật của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Thế nhưng, từ vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy, rõ ràng có hiện tượng nể nang giữa cơ quan công tố và chính quyền, khiến quyền lợi người dân không được bảo vệ.
Từ một vụ việc cụ thể
Lật lại hồ sơ vụ việc, đầu thập niên 90, ông Đoàn Văn Vươn (59 tuổi) được giao 21ha đất bãi bồi ven biển thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng để nuôi trồng thủy sản trong vòng 14 năm. Sau đó, ông Vươn lấn chiếm thêm 19,3ha đất bãi bồi ven biển và có tờ trình xin hợp pháp hóa phần diện tích tăng thêm này. Khi gần hết thời hạn giao đất, ông Vươn có đơn gửi cơ quan chức năng xin được tiếp tục giữ lại đất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đã ra thông báo yêu cầu dừng đầu tư sản xuất, nuôi trồng trên diện tích 21ha được giao để Nhà nước quản lý và không được bồi thường. Tiếp đó, cơ quan này "đòi" 19,3ha đất ông Vươn lấn chiếm.
Mô hình Tòa án cần được đổi mới mạnh mẽ.Nhờ tư vấn của luật sư, năm 2009, ông Vươn đã khởi kiện chính quyền huyện Tiên Lãng ra TAND huyện để yêu cầu tòa án bảo vệ mình, với lý do 19,3ha đất nêu trên là thuộc đất nông nghiệp đã được UBND TP Hải Phòng phê duyệt quy hoạch; đất bị thu hồi chưa hết hạn sử dụng và nếu hết thời hạn thì tiếp tục được giao hoặc cho thuê... Thế nhưng, bất chấp pháp luật, tòa án cấp sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của ông Vươn. Đến phiên xử phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã lặp lại những sai lầm tương tự.
Chỉ đến khi công luận lên tiếng, TAND tối cao mới nắm được vụ việc và rút hồ sơ để kiểm tra. Chiều 15-2, Tòa Hành chính TAND tối cao đã tuyên hủy án, xem xét lại từ đầu vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Vươn do hai cấp xét xử đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng.
Thẩm phán Nguyễn Châu Hoan, Thẩm phán TAND tối cao, chủ tọa phiên tòa cho biết, TAND tối cao đang hoàn tất các thủ tục để chuyển hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm. Trong vụ kiện hành chính của ông Đoàn Văn Vươn, rõ ràng, nếu TAND huyện Tiên Lãng và TAND TP Hải Phòng xét xử khách quan, công tâm đã không xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến Trưởng CA huyện Tiên Lãng cùng 5 sĩ quan, chiến sĩ CA và quân đội bị bắn trọng thương, 5 người bị khởi tố và bắt giam.
Đến những bất cập trong cơ chế "dân kiện quan"
Theo TAND tối cao, chưa có địa phương nào thống kê trong các vụ án hành chính đưa ra xét xử, phần thắng thuộc về người dân chiếm số lượng bao nhiêu. Nhưng trao đổi với nhiều luật sư, kiểm sát viên và ngay cả một số thẩm phán cho thấy, số vụ người dân thắng kiện chỉ là rất nhỏ so với hành trình kiện tụng nhọc nhằn. Vụ án nêu trên là ví dụ điển hình.
Năm 2011, tuy án hành chính tăng so với năm 2010 là 392 vụ, nhưng TAND cả nước mới xét xử được 77% vụ việc. Tỷ lệ xét xử vụ án hành chính thấp nhất trong các loại án, trong khi đó số vụ việc phải hủy, sửa bản án chiếm đến 13%. Nhiều thẩm phán cho biết, những vụ kiện hành chính mà nguyên đơn là người dân, bên bị kiện là chính quyền thì họ phải chịu không ít áp lực.
Ông Võ Văn Thêm, Kiểm sát viên cao cấp của Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm nhìn nhận, sở dĩ có tình trạng này là do tòa án cấp sơ thẩm bị lệ thuộc về quản lý hành chính nên bất hợp tác từ phía bị kiện là cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương với Tòa Hành chính là hiện tượng thường xuyên xảy ra. Đã từng có trường hợp, thay vì triệu tập đại diện UBND đến tòa làm việc, thì thẩm phán lại phải xách cặp qua đi họp theo triệu tập của UBND. Còn chuyện tòa mời nhưng đại diện UBND không đến là phổ biến, nhưng ít ai dám có ý kiến.
Nguyên nhân tình trạng trên là do chính Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND là người duyệt cơ sở vật chất cho tòa và chấp nhận thẩm phán có đủ điều kiện bổ nhiệm, tái bổ nhiệm hay không. Thế nên khi thẩm phán cấp huyện xét xử một quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện hay thẩm phán cấp tỉnh xét xử hành vi hành chính của một Chủ tịch UBND tỉnh rất dễ dẫn đến thiếu khách quan.
Để giải quyết tình trạng này, cần nhanh chóng thành lập tòa án khu vực theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo mô hình này, hệ thống tòa án ở nước ta sẽ có sự thay đổi cơ bản về tổ chức, thực hành theo ba cấp, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Trong đó, tòa sơ thẩm khu vực xử sơ thẩm tất cả các loại án hình sự, dân sự, hành chính. Quản hạt tư pháp của tòa này có thể chỉ trong phạm vi vài huyện một tỉnh nhưng cũng có thể là khu vực chồng lấn của hai tỉnh liền kề. Tòa phúc thẩm chỉ xử phúc thẩm những vụ án mà tòa sơ thẩm khu vực thuộc quản hạt mình đã xử sơ thẩm nhưng đương sự không đồng tình với kết quả. Còn Tòa Tối cao tinh gọn với đội ngũ thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, tập trung vào tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và phá án.
Mặt khác, cũng cần xem xét sửa luật Tố tụng Hành chính. Theo đó, người ban hành các quyết định là Chủ tịch UBND phải hầu tòa, không được ủy quyền. Chính việc này sẽ làm cho người ký quyết định phải dè dặt, cẩn trọng, có trách nhiệm hơn với chữ ký của mình.
Theo Hà Nội Mới