Nhân Vụ án cá độ dàn xếp tỉ số của các cầu thủ V.Ninh Bình: Cần mạnh tay làm trong sạch nền bóng đá

Thứ ba, ngày 15/04/2014

Vụ án bán độ của các cầu thủ CLB V.Ninh Bình (V.NB) khi tham gia thi đấu tại đấu trường châu lục - AFC Cup 2014 đang là tâm điểm chú ý của dư luận và người hâm mộ. Một lần nữa, bóng đá Việt Nam lại phải đối diện với sự tàn phá của cơn bão tiêu cực, cá độ, dàn xếp tỉ số với những hệ lụy khó lường. Tuy nhiên, đây đồng thời sẽ là cơ hội để những người có trách nhiệm bóc tận rễ của tiêu cực đang ngăn chặn sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua.

 

Các cầu thủ V.NB trong trận đấu với CLB Kelantan hôm 18-3 Ảnh: L.VĨNH

Cho đến thời điểm này, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã xác định có ít nhất 10 cầu thủ V.NB tham gia cá độ, dàn xếp tỉ số trong trận thắng 3-2 trước CLB Kelantan của Malaysia tại vòng bảng AFC Cup 2014, vào ngày 18-3-2014 trên sân khách. Theo đó, Trần Mạnh Dũng, nguyên đội phó U23 Việt Nam, đội trưởng CLB V.NB là kẻ cầm đầu đã tổ chức, bàn bạc cùng 8 cầu thủ khác để thực hiện hành vi dàn xếp tỉ số trận gặp CLB Kelantan với kèo là “tài ba hòa” (3 bàn thì hòa, có từ 4 bàn thắng trở lên thì bên đặt cược sẽ thắng độ) với một “đại lý” cá cược (người nhận cá độ) là Đào Đức Lợi (SN 1978, trú tại Hải Phòng) với giá trị giao dịch là 1,2 tỷ đồng. Kết quả, CLB V.NB thắng 3-2, nhóm cầu thủ do Trần Mạnh Dũng cầm đầu đã thắng số tiền cược là 800 triệu đồng và đã tiến hành phân chia theo công sức đóng góp của từng cá nhân. Cầu thủ nhận nhiều nhất là 85 triệu đồng (4 cầu thủ), 5 cầu thủ nhận 75 triệu đồng, 1 cầu thủ nhận 20 triệu đồng bồi dưỡng; 1 cầu thủ nhận 50 triều đồng để im lặng không báo cáo BHL và lãnh đạo CLB; riêng Đào Đức Lợi nhận 15 triệu đồng tiền “phế cá độ”. Tổng số tiền mà các đối tượng đã giao nộp lại cơ quan điều tra là 800 triệu đồng.

Điều đáng chú ý, trong số hơn 10 cầu thủ V.NB liên quan đến vụ cá độ, dàn xếp tỉ số, có đến 6 cầu thủ đã từng khoác áo đội tuyển U23 và ĐTVN, gồm: Chu Ngọc Anh, Lê Văn Thắng, Hoàng Danh Ngọc, Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Gia Từ, Nguyễn Mạnh Dũng. Trong số 6 cầu thủ trên, Trần Mạnh Dũng được xem là một trong những niềm hy vọng lớn của bóng đá Việt Nam. Dù thể hình không cao lớn, nhưng Trần Mạnh Dũng là mẫu cầu thủ thi đấu lắt léo, kỹ thuật cá nhân rất tốt, có khả năng dẫn dắt thế trận. Năm 17 tuổi, Mạnh Dũng đã được gọi vào đội tuyển U20 Việt Nam (năm 2007) và 2 năm sau gia nhập đội tuyển U23 Việt Nam. Năm 2011, Mạnh Dũng trở thành cầu thủ trẻ đắt giá nhất Việt Nam khi V.NB phải bỏ ra 12 tỷ đồng cho CLB Thanh Hóa để sở hữu cầu thủ gốc Nam Định này.

 Trong diễn biến mới nhất, theo tin từ phía cơ quan điều tra, sáng 13-4, bộ 3 cầu thủ của V.Ninh Bình là Trần Mạnh Dũng, Lê Văn Duyệt và Lê Quang Hùng đã lên Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình để xin thay đổi lời khai. Theo đó, người chủ mưu trong vụ cá độ không phải tiền vệ Trần Mạnh Dũng mà là thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng - “người gác đền” sinh năm 1981 đầu quân cho V.Ninh Bình từ Thanh Hóa với số tiền lót tay lên đến 12 tỷ đồng năm 2011. Chiều 13-4, thủ môn có biệt danh Dũng “ngố” cũng đã được cơ quan điều tra triệu tập để lấy lại lời khai. Tuy nhiên, thủ môn này đã phủ nhận cáo buộc của các đồng đội. Ngoài ra, có ít nhất 2 trận đấu của V.Ninh Bình tại đấu trường V-League đang được điều tra làm rõ.

Theo nhận định của giới chuyên môn, vụ việc cá độ và dàn xếp tỉ số tại AFC Cup của các cầu thủ CLB V.NB chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm trong đời sống bóng đá Việt Nam. Điều người hâm mộ, giới chuyên môn quan tâm là ngoài việc cá độ, dàn xếp tỉ số tại AFC Cup 2014 thì nhóm cầu thủ này có bao nhiêu lần tham gia cá độ, dàn xếp tỉ số tại V-League, Cúp Quốc gia trong những năm qua? Nên nhớ, cũng trong thời gian xảy ra việc bán độ vào ngày 18-3-2014 ở đấu trường AFC Cup, lãnh đạo CLB V.NB đã quyết định kỷ luật nội bộ bằng cách treo giò cựu trung vệ ĐTVN Lê Phước Tứ về những biểu hiện đầy nghi vấn của cầu thủ này trong quá trình thi đấu ở đấu trường V-League cũng như AFC.

Rất mong, nhân vụ việc này, cơ quan điều tra của Công an Ninh Bình phối hợp với Bộ Công an sẽ lần ra, bóc gỡ tận gốc rễ của các đường dây tiêu cực của bóng đá Việt Nam tưởng chừng đã chấm dứt tung hoành kể từ vụ án bán độ ở các cầu thủ U23 Việt Nam khi tham gia thi đấu tại Bacolod, Philippines, SEA Games 2005 được đưa ra xét xử. Thà chịu đau một lần, đại phẫu cả nền bóng đá, loại vĩnh viễn những cá nhân và tập thể nào dính líu đến hành vi tiêu cực, như Malaysia đã từng làm triệt để trong những năm giữa thập niên 1990 để trả lại môi trường trong sạch cho bóng đá, còn hơn là cứ mãi chìm ngập trong tình trạng thật - giả khó phân định như hiện nay trong đời sống bóng đá nước nhà. Sau đại phẫu, bóng đá Malaysia đã vô địch SEA Games và AFF Cup, tuyển Italia đã vô địch World Cup 2006 sau khi vụ tiêu cực Calciopoli được phanh phui. Gầy dựng lại sau khi đã “làm sạch” mang lại sức sống mãnh liệt hơn cho nền bóng đá và mong là bóng đá Việt Nam cũng sẽ như thế!

 

 NAM PHƯƠNG