Nhân vật đối lập nổi tiếng nhất trên chính trường Nga
(BDO) Cuối tuần qua, chính trường Nga một phen xôn xao khi tổ chức chống tham nhũng của Alexei Navalny (FBK) tung lên các mạng xã hội đoạn video cáo buộc đương kim Thủ tướng Medvedev sở hữu nhiều bất động sản nhờ vào mối quan hệ với các doanh nhân và các công ty thân cận với ông.
Bà Natalia Timakova, người phát ngôn của ông Medvedev, ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc với lời nhấn mạnh: điều tra của A. Navalny không đáng gây chú ý vì đây rõ ràng là sự tuyên truyền chống lại Thủ tướng Dmitry Peskov.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga cho biết, Điện Kremlin đã xem các clip của FBK và kết luận: “Đây không phải ví dụ đầu tiên về sự sáng tạo của một công dân nổi tiếng vì... bị kết án do gian lận vào năm 2014 và được hưởng án treo ba năm rưỡi!”.
Muốn mau chóng thu hút sự chú ý của công luận và lập nên một đội ngũ hùng hậu đứng sau hậu thuẫn cho mình, người tham gia chính trường, đặc biệt là chính trường xứ sở bạch dương, phải biết cách làm cho mình nổi trội càng nhanh càng tốt. Điều này hoàn toàn ứng với Alexei Navalny, từ khi xuất đầu lộ diện, ông ta luôn nỗ lực ghi dấu “chính trường này có tên tôi” .
Bị kết án 5 năm tù treo, liệu A. Navalny có thể ra tranh cử tổng thống Nga?.
Alexei Navalny sinh năm 1976, tốt nghiệp khoa Luật Trường Đại học Hữu nghị các dân tộc và khoa tài chính tín dụng Viện Hàn lâm Tài chính năm 2001. Khi mới 24 tuổi, A. Navalny tham gia chính trường bằng cách gia nhập đảng dân chủ "Yabloko" (Quả táo). Xông xáo và bạo mồm bạo miệng, nhân vật này dễ dàng được ban lãnh đạo đảng chú ý giao đảm trách các vị trí cao nhất của đảng.
Năm 2004, Navalny thành lập và là một trong những người lãnh đạo của "Ủy ban bảo vệ dân Moskva" với tiêu chí chống tham nhũng và những vi phạm quyền công dân. Năm 2005, Navalny cùng với vài người bạn khởi động phong trào thanh niên "DA" (tán thành), điều phối dự án "Cảnh sát với nhân dân" để chống sự lạm quyền của cảnh sát, sau đó triển khai dự án "Tranh luận chính trị" trên truyền hình rất thu hút công luận vào năm 2006.
Năm 2008, A.Navalny hợp tác với Phong trào chống nhập cư bất hợp pháp, đưa ra các biện pháp ôn hòa trong cách giải quyết các vấn đề chính trị. Nhiều chính khách theo đường lối dân tộc chủ nghĩa khi đó đã không muốn hợp tác với A. Navalny vì cho rằng đây là “người rất nguy hiểm”, trong khi bản thân A. Navalny luôn nói rằng anh ta theo đuổi chủ nghĩa dân tộc - dân chủ bình thường như bao người khác.
Năm 2007, A. Navalny bị khai trừ khỏi “Quả táo” vì liên tục gây mâu thuẫn trong nội bộ đảng. A. Navalny từng mở một cuộc điều tra dư luận trên blog cá nhân, với đề nghị trả lời câu hỏi “Đảng cầm quyền hiện tại có phải là đảng của những kẻ bịp bợm và trộm cắp không?”. Cuộc khảo sát thu hút gần 40.000 lượt xem và bình luận, và có hơn 95% tỏ ra đồng ý với câu hỏi này.
Với hành động này, A. Navalny đã thành công khi lôi kéo lực lượng đối nghịch Tổng thống Putin và chính phủ đương nhiệm về phe mình. Từ đó, A. Navalny trở thành một “blogger” nổi tiếng tại Nga. Cách đây 4 năm, Navalny còn đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Putin khá rầm rộ.
Tháng 4-2013, A. Navalny bị tòa án thành phố Kirov khép vào tội biển thủ công quỹ gần 400.000 euro từ hồi năm 2009, trong một dự án khai thác rừng tại Kirovles, khi ông ta còn là cố vấn cho thủ hiến vùng này. Ngày 30-12-2014, Tòa án quận Lenin, tỉnh Kirov kết tội hai anh em Alexei và Oleg Navalny liên quan đến hành vi lừa đảo Công ty mỹ phẩm Yves Roches phương Đông.
Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến năm 2013, hai anh em Navalny đã lừa đảo của công ty này trên 26,7 triệu rúp và 4,4 triệu rúp của một công ty chế biến đa ngành của Nga. Tòa tuyên phạt hai anh em nhà Navalny phải bồi thường thiệt hại 4 triệu rúp cho mỗi công ty bị thiệt hại, nộp phạt 500.000 rúp mỗi người cùng mức án 3 năm rưỡi tù giam dành cho Oleg Navalny, còn Alexei nhận 3 năm rưỡi tù cho hưởng án treo.
Vì bản án này mà A.Navalny đã bị cấm tham gia bầu cử hoặc giữ một chức vụ dân cử tới năm 2033 trong khi trước đó 2 tháng, A. Navalny tuyên bố sẽ ra tranh cử ghế Thị trưởng Moskva.
Nhiều nhân vật đối lập đã đến Kirov dự phiên xử và để ủng hộ A. Navalny. Boris Nemtsov, cựu Phó Thủ tướng dưới thời Boris Eltsine tố cáo đây là vụ án được “tạo dựng từ đầu tới cuối”. Lần lượt các nước như Anh, Pháp qua phát ngôn viên ngoại giao đều đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về bản án nặng nề đối với A. Navalny và hy vọng chính quyền Nga sẽ xem xét lại bản án.
Đại sứ Mỹ tại Moskva McFaul viết trên Twitter: “Chúng tôi vô cùng thất vọng về bản án đối Navalny và động cơ có vẻ như mang tính chính trị của phiên tòa”. Sau nhiều lần kháng cáo bất thành ở Nga, A. Navalny, đã quay sang Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Vào tháng 2-2015, tòa án này ra phán quyết cho rằng Nga vi phạm quyền được xét xử công bằng của ông Navalny, yêu cầu Chính phủ Nga phải thanh toán chi phí pháp lý và bồi thường thiệt hại cho ông này.
Theo công tố viên Bogdanov, tội của các bị cáo đã được chứng minh rõ ràng. Ông Navalny cố tình hành động vì những mục đích tư lợi, thông đồng phạm tội. Ngoài ra, ông Bogdanov cũng cho rằng, chính quyền Nga không cần phải lưu ý đến phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu, trong đó cáo buộc Nga vi phạm quyền được xét xử công bằng của A. Navalny.
Tháng 11-2016, Tòa án Tối cao Nga đã hủy bản án dành cho A. Navalny, cho phép ông này tự do. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao không hoàn toàn chấm dứt vụ việc mà chuyển hồ sơ cho tòa án cấp thấp hơn để tái thẩm, các thủ tục pháp lý xét xử đã bắt đầu, và có thể ông Navalny sẽ lại bị cấm hoạt động trong các cơ quan nhà nước một lần nữa. Thư ký Ủy ban bầu cử Trung ương Nga Maya Grishina cho biết việc ông A. Navalny có đủ điều kiện tranh cử hay không còn "phụ thuộc vào quyết định của tòa án".
Các phương tiện truyền thông quốc tế mới đây đã tiếp cận được các tài liệu của Sergey Sokolov, cựu giám đốc cơ quan bảo vệ cho chính trị gia Boris Berezovsky cho thấy cựu cố vấn thủ hiến vùng Kirov từng làm việc cho người sáng lập Quỹ Hermitage Capital Wiliam Brauder, nhân viên của Cơ quan Tình báo Anh MI-6.
Hai anh em Aleksei và Oleg Navalny tại phiên tòa tháng 12-2014. Ảnh: BBC.
“Chúng tôi đã chuyển đi gần 60 máy chủ lưu trữ lượng lớn các tài liệu và các đoạn ghi hình. Trong số này có rất nhiều tài liệu chứng minh sự liên kết giữa Navalny và Wiliam Brauder” - Sokolov tiết lộ.
Trong số các tài liệu trên, Wiliam Brauder được nhắc đến với bí danh Solomon.
“Ngày 23-12-2007, cuộc nói chuyện theo kênh đã được mã hóa giữa các nhân viên của MI-6 và Solomon. Solomon nhận được sự cho phép tiến hành hợp tác với A. Navalny. Người này cần đến sự hỗ trợ tài chính để thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ chiến dịch đặc biệt “Droz” nhằm phá hoại thể chế hiến pháp hiện nay ở Nga. A. Navalny được đặt cho bí danh là Freed” - tài liệu rò rỉ nêu rõ.
Theo giới truyền thông, Navalny được giao nhiệm vụ thay đổi hệ thống chính trị và hệ thống hiến pháp của các quốc gia, kiểm soát các dòng tài chính và nguồn cổ phiếu chi phối nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, tiến hành các hoạt động chung dưới tên gọi “Droz”.
Các tài liệu bì rò rỉ cũng cho thấy Brauder đã cung cấp cho A.Navalny thông tin về các công ty lớn của Nga (như Ngân hàng VTB, Gazprom, Rosneft, Sberbank...). Brauder cũng thực hiện việc cung cấp tài chính cho A. Navalny thông qua nhân viên ngân hàng Vladimir Ashurkov.
Để thực hiện giai đoạn đầu của kế hoạch, “điệp viên” Freed đã được cung cấp 100 triệu rúp. 7 triệu rúp đầu tiên trong số này sẽ được cấp từ nhân vật tin cậy của Nhóm Helsiki-Moscow trước ngày 26-1”- thông tin từ tài liệu bị rò rỉ nhấn mạnh. Ngoài ra, Brauder cũng đã đề nghị A. Navalny trợ giúp sau khi luật sư của Hermitage là Sergeo Magnhitsky bị bắt giữ.
Theo chỉ thị của Brauder, Navalny đã thiết lập quỹ “Liên minh các nhà đầu tư”. Quỹ này thường xuyên kích động việc kiện cáo các công ty, tập đoàn lớn nhất của Nga và thường xuyên đưa ra cáo buộc các nhà quản lý của các công ty này tội lạm dụng chức vụ. Tuy nhiên, Navalny không được giao các nhiệm vụ chống đối về chính trị.
“Chúng ta có những nhiệm vụ riêng của mình. Ông phải cẩn thận. Chúng tôi không mong muốn ông tham gia vào tiến trình bầu cử vì đó không phải là nhiệm vụ của ông. Quan sát và thông tin thì được, còn chống đối thì không” - thông báo cho Navalny từ Brauder nêu rõ.
Thế mà ngày 13-12-2016, A. Navalny - nhân vật đối lập giờ đây đã được biết đến nhiều nhất trên chính trường Nga - chính thức tuyên bố ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga dự kiến diễn ra tháng 3-2018. Trong một đoạn ghi hình đăng trên trang thông tin chiến dịch mới, A. Navalny hùng hồn tuyên bố: "Tôi sẽ tham gia cuộc đấu giành vị trí Tổng thống Nga".
Từ đó, A. Navalny không ngừng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức trong chính quyền của ông Putin tham nhũng. Củng cố cho luận cứ của mình, A. Navalny cũng đã nhắc lại vụ việc Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev bị bắt giữ vì nghi nhận 2 triệu USD tiền hối lộ.
Đầu tháng 2 vừa qua, A. Navalny đã bị kết tội tham ô và phải chịu mức án 5 năm tù treo. Tuy nhiên, như hãng BBC đưa tin, ông A. Navalny đã phủ nhận mọi cáo buộc và tuyên bố vẫn sẽ tham gia vào cuộc tranh cử Tổng thống. Tính hợp pháp của việc ông A. Navalny ra tranh cử là điều đang đặt ra câu hỏi lớn bởi theo luật pháp Nga, bất kỳ ai bị tuyên án phạm tội nghiệm trọng sẽ bị cấm tham gia vào các cơ quan công quyền trong vòng 10 năm.
Ngoài ra, Hiến pháp Nga cũng cấm một người không được tranh cử khi đang thụ án tù, cho dù đó là án treo. Xem ra “nhân tố Alexei Navalny” đang tạo nên một “cung bậc” mới trên chính trường xứ sở Bạch dương.
Theo CAND