Nhân rộng mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới
Bắt đầu thực hiện từ năm 2012 ở xã An Sơn (TX.Thuận An), đến năm 2015, mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới đã được nhân rộng ra đến các phường An Thạnh, Bình Chuẩn. Mô hình trồng rau trong nhà lưới ở TX.Thuận An đã giúp cho một số hộ trồng rau làm ăn có hiệu quả, tăng được vòng quay của thời vụ trồng rau.
(BDO)
Trồng rau trong nhà lưới nếu làm đầy đủ đúng quy trình thì hiệu quả đạt được sẽ rất cao. Nhưng ngược lại, nếu áp dụng không đúng và đầy đủ quy trình thì sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Tuy nhiên, để đầu tư theo đúng chuẩn và thực hiện quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap thì phải bỏ ra một số vốn không nhỏ.
Kiểu mẫu nhà lưới ở vùng trồng rau trong khu dân cư phát triển đồng thời cả hai loại: Nhà lưới kín và nhà lưới hở. Chính vì vậy, đầu tư nhà lưới cần số tiền khá lớn, từ 100.000 - 200.000 đồng/m2. Chi phí này phụ thuộc vào vật liệu người đầu tư sử dụng. Nếu là khung sắt, lợp bằng lưới nylon chuyên dụng hoặc nhập khẩu thì giá thành cao hơn so với nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, nguyên liệu nhập khẩu bền hơn, từ 7 - 10 năm mới phải thay 1 lần. Đồng thời cần phải nghiên cứu và hướng dẫn nông dân thay đổi thói quen dùng phân vô cơ hóa hoặc chuyển dần sang sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh có phối trộn một số chế phẩm có khả năng hạn chế bệnh trên rau khi trồng trong nhà lưới thường gặp như thối nhũn, thối cổ rễ, xoắn lá… Bên cạnh đó, nông dân cũng mong muốn được áp dụng các biện pháp điều khiển từ xa hoặc hỗ chợ sức người như máy phun sương mù, máy đo độ ẩm, máy đo nồng độ pH trong nước...
Nắm bắt được khó khăn này, Trạm Bảo vệ thực vật, Phòng Kinh tế TX.Thuận An đã hỗ trợ thực hiện mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Việt Gap cho 3 hộ nông dân ở phường An Thạnh và xã An Sơn. Mỗi hộ tham gia vào mô hình được nhận hỗ trợ 100% cây giống, 30% vật tư xây dựng nhà lưới với số tiền từ 15 - 20 triệu đồng.
P.V