Nhân rộng mô hình nuôi con bằng sữa mẹ

Thứ bảy, ngày 06/08/2016

(BDO) Đó là ý kiến của bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh khi nói về việc xây dựng cabin vắt, trữ sữa cho các nữ công nhân (CN) đang nuôi con bằng sữa mẹ trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản. Đây cũng là một trong những hoạt động chăm lo đời sống CN, con em CN để họ yên tâm lao động sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp triển khai

Hưởng ứng Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ từ 1 đến 7-8, chúng tôi tìm hiểu cabin vắt sữa tại các doanh nghiệp (DN) hỗ trợ nữ CN tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau khi đi làm trở lại. Tại Công ty Shyang Hung Cheng (TX. Thuận An), công ty đã xây dựng cabin vắt sữa từ tháng 11-2014 với diện tích 12m2. Trong cabin có đầy đủ phương tiện, như tủ lạnh, máy vắt sữa, khăn, bồn rửa tay, dụng cụ tiệt trùng...


 Cabin vắt sữa của Công ty Shyang Hung Cheng được xây dựng rộng, sạch sẽ phục vụ nữ CN vắt trữ sữa. Ảnh: T.LÝ

Việc lắp đặt cabin vắt sữa tại nơi làm việc đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của nữ CN. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Shyang Hung Cheng cho biết, trung bình mỗi ngày có hàng chục chị em sử dụng cabin này. Đây là một việc làm rất tốt, có ý nghĩa vì tiết kiệm được kinh phí. Khi em bé bú sữa ngoài thì kinh phí cao hơn nhiều, còn khi sử dụng cabin này, các nữ CN sẽ giảm được chi phí mua sữa cho con. Ở công ty họ vắt sữa cho con và chiều đem về hâm lại cho con uống.

Không riêng gì Shyang Hung Cheng, các đơn vị khác ở Bình Dương cũng đang học hỏi mô hình này để áp dụng tại DN mình. Cụ thể, Công ty TNHH Điện tử Foster (TP.Thủ Dầu Một) đã xây dựng trong năm 2015; Công đoàn Công ty TNHH Diamond VN (TX.Bến Cát) đang lấy ý kiến của Ban Giám đốc để xây dựng cabin vắt sữa cho CN. Công ty Far Eastern (TX. Thuận An) đang bố trí nơi thích hợp để xây dựng cabin. Việc xây dựng cabin vắt sữa, ngoài việc tăng thêm tiện ích dành cho nữ CN, ý nghĩa lớn nhất mà cabin vắt trữ sữa mang lại chính là tạo điều kiện cho nữ CN nuôi con bằng sữa mẹ, con CN được bú sữa mẹ với thời gian dài hơn.

Chị Nguyễn Thị Huyền, CN Công ty Far Eastern hiện có con nhỏ được 7 tháng. Chị tâm sự, trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản, một số chị em đang nuôi con nhỏ rất vất vả vì nhiều sữa phải vắt bỏ đi, như thế rất phí nguồn sữa, gây khó chịu. Khi nghe công ty xây phòng vắt sữa, mọi người rất vui. Giờ đây, trong thời gian làm việc chị em vẫn có thể vắt trữ sữa cho con, hoặc người nhà đến lấy sữa về cho con uống. Được uống sữa mẹ thường xuyên, con có sức đề kháng tốt nên sẽ không ốm vặt, vừa tiết kiệm tiền mua sữa, vừa giảm chi phí, khám chữa bệnh cho con.

Khó nhưng sẽ quyết tâm nhân rộng mô hình

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến 24 tháng để bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. 4 năm trở lại đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện chương trình “Phòng vắt trữ sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc”, mang lại những hiệu quả thiết thực đối với các bà mẹ nuôi con nhỏ. Riêng đối với Bình Dương, khi được triển khai, LĐLĐ tỉnh đã tuyên truyền, khuyến khích các DN xây dựng cabin vắt trữ sữa tại nơi làm việc nhưng số lượng còn khá ít.

Đại diện công đoàn các công ty cho biết, hiện nay người lao động được nghỉ thai sản 6 tháng, khi trở lại làm việc, họ nghĩ đã cho con bú đủ nên cai sữa. Ít bạn CN có suy nghĩ sẽ nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài. Bên cạnh đó, nhiều CN sợ vắt, trữ sữa sẽ không bảo đảm an toàn khi cho con uống nên không thực hiện. Bởi vậy, ngoài xây dựng cabin thì việc tuyên truyền để CN hiểu, sử dụng cabin là điều rất cần thiết. Khi CN có nhu cầu, DN sẽ xem xét xây dựng cabin.

Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, phòng vắt trữ sữa được lắp đặt ở các DN, đơn vị cho CN nữ tuy chưa nhiều so với hàng ngàn DN trên địa bàn tỉnh nhưng bước đầu giúp lao động nữ ở các DN có không gian, thời gian để vắt và trữ sữa, duy trì nuôi con bằng sữa mẹ ngay cả khi quay trở lại làm việc.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình cabin vắt trữ sữa tại nơi làm việc, sắp tới LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục vận động các DN xây dựng cabin. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cho người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ hơn về lợi ích, về tính nhân văn của việc tạo điều kiện cho nữ CN được nuôi con bằng sữa mẹ. Từ đó, giúp CN nữ yên tâm lao động sản xuất, tiết kiệm chi phí nuôi con. Con em CN được uống sữa mẹ sẽ phát triển tốt.

THIÊN LÝ