Nhân rộng mô hình, giải pháp hay hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt
(BDO) Hưởng ứng cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, các địa phương đã nhân rộng nhiều mô hình, giải pháp hay, đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền hàng Việt, giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu, đồng hành sử dụng.
Hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng thật hàng giả tại buổi tập huấn vừa tổ chức tại TP.Thuận An
Hiệu quả vận động
Là địa bàn tập trung khá nhiều khu công nghiệp, đông dân cư và nhiều khu nhà trọ, việc phổ biến các thông tin, nhất là làm thay đổi nhận thức, tâm lý của nhân dân trong việc tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn luôn được chính quyền TP.Thuận An quan tâm. MTTQ các cấp của thành phố đã lồng ghép tuyên truyền mục đích, ý nghĩa CVĐ đến cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân thông qua các cuộc họp, hội thi bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú… Trong đó, nổi bật là công tác tập huấn, phổ biến hàng gian, hàng giả nhận được sự đồng tình ủng hộ và tham gia của đông đảo người dân.
Tham gia hội nghị tuyên truyền CVĐ và chương trình giám sát vật tư nông nghiệp năm 2023 do Hội Nông dân TP.Thuận An tổ chức mới đây, chị Huỳnh Thị Thuận, khu phố Long Thới, phường Lái Thiêu, nhận xét: “Đối với những sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng ngày càng hiện diện nhiều, cùng lúc đó những mặt hàng này đang bị làm giả, nhái khá phổ biến trên thị trường. Làm cách nào để không mua nhầm hàng nhái, hàng kém chất lượng không phải ai cũng biết. Khi tham gia hội nghị, tôi đã thu nhận được nhiều kiến thức, kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả thật hữu ích. Từ đó, chú ý hơn trong mua sắm hàng hóa ”.
Tương tự, để các nội dung liên quan đến CVĐ đến gần và hấp dẫn hơn với người dân, cuối tháng 8 vừa qua, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức hội thi với chủ đề “Tôi yêu hàng Việt”. Hình thức thi trắc nghiệm với phần thi là những cụm từ đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, hội thi đã thu hút hơn 200 người đến từ 12 đơn vị dự thi của 6 khu phố, 5 trường học, Công đoàn phường và cổ động viên.
Ông Nguyễn Ngọc Quân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tương Bình Hiệp, cho biết hoạt động nói trên giúp nhân dân hiểu sâu hơn về CVĐ, nắm rõ hơn các quy định về quyền lợi của người tiêu dùng, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện CVĐ nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt.
Cần tuyên truyền sâu rộng hơn
Theo Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bình Dương, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều hình thức, chương trình truyền thông phong phú, nội dung hấp dẫn, cách làm sáng tạo. Các hoạt động thông tin, truyền thông đã tập trung giới thiệu, tôn vinh những sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, các giải pháp tăng sức cạnh tranh của hàng Việt, đồng thời giới thiệu các mô hình, cách làm hay; đấu tranh, phê phán các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Từ đó, đã có tác động lan tỏa ảnh hưởng tích cực CVĐ đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện CVĐ tại nhiều địa phương vẫn còn những hạn chế. Trước thực tế này, bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết xác định công tác thông tin, truyền thông là một trong những điểm mấu chốt của quá trình triển khai CVĐ. Vì vậy, thời gian tới Ban Chỉ đạo tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động các DN Việt nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia CVĐ. Có trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vận động, nâng cao nhận thức và xây dựng nếp sống văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong nhân dân. Mục tiêu thực hiện đến năm 2025 sẽ có 100% DN biết đến CVĐ này.
THANH HỒNG