Nhân rộng mô hình bưởi da xanh

Thứ ba, ngày 24/12/2013
Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân (ND) xã Thường Tân, huyện Tân Uyên đã nhân rộng mô hình trồng bưởi da xanh và chọn đây là một trong những loại cây trồng lâu năm chủ lực bởi hiệu quả kinh tế cao.    

Bưởi da xanh đang được nhân rộng tại xã Thường Tân

Thường Tân lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ yếu. Trong những năm gần đây, bên cạnh các loại cây trồng lâu năm như cao su, điều, tràm thì cây bưởi da xanh đã được ND nơi đây chọn làm cây trồng lâu năm chủ lực vì cho bà con thu nhập cao, giúp kinh tế hộ gia đình phát triển, ổn định cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đỡ, Chủ tịch Hội ND xã Thường Tân, cho biết: “Hiện diện tích trồng bưởi da xanh của toàn xã là 30 ha, tăng 10,4 ha so với cùng kỳ. Trong đó có 5,6 ha là mô hình thí điểm của Trung ương Hội với 11 hộ tham gia. Năng suất bình quân đạt 12 tấn/ ha. Bình quân mỗi năm bà con trồng bưởi nơi đây thu được từ 80 đến trên 100 triệu đồng. Nhờ mô hình này, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống”.

Năm 2007, ông Nguyễn Văn Thành, ấp 5, tổ trưởng tổ tham gia mô hình thí điểm bưởi da xanh do Trung ương Hội hỗ trợ về giống và kỹ thuật, ông đã cải tạo 9 sào đất vườn tạp để chuyên canh cây bưởi. Ông Thành cho biết: “Sau 6 năm trồng thí điểm, mô hình bưởi da xanh đã cho thu hoạch được 2 năm, bình quân mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. Nhờ có mô hình này mà gia đình tôi đã ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu”.

Ông Lê Văn Châu (ấp 5) là người trồng bưởi lâu năm của xã cho biết, trước kia ông trồng bưởi lá cam, nhưng năng suất không cao. Sau khi trồng thử bưởi da xanh, cây cho trái rất ngon, ruột bưởi có màu hồng rất bắt mắt nên ông có ý định sẽ phát triển loại cây này. Cùng với ứng dụng khoa học kỹ thuật, trồng theo kỹ thuật Viet GAP, mô hình bưởi da xanh của ông đã cho năng suất và chất lượng sản phẩm đã đạt hiệu quả cao. Hiện nay, với diện tích hơn 1 sào bưởi da xanh, bình quân mỗi năm ông thu được gần 100 triệu đồng. Trong thời gian tới, ông dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng bưởi để phát triển kinh tế cũng như nhân rộng mô hình để bà con cùng tham gia.

Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa là một trong những hướng đi quan trọng của mỗi địa phương. Nhưng để mô hình đạt được hiệu quả cao, đòi hỏi phải áp dụng đúng kỹ thuật, qui trình sản xuất. Chia sẻ kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc bưởi da xanh, ông Nguyễn Văn Cơ (ấp 2) cho biết: “Năm vừa qua, vườn bưởi nhà tôi bị sâu đục trái gây hại khá nặng, nhưng nhờ sự tư vấn của ngành bảo vệ thực vật (BVTV) và Hội ND địa phương, tôi đã bao trái kết hợp phun thuốc trừ sâu định kỳ 20 ngày/lần. Để trái bưởi đạt chất lượng và bảo đảm mẫu mã đẹp, tôi bao trái khoảng 5 tháng đầu, sau đó mở ra để phun thuốc dưỡng trái. Từ khi bao trái, tôi đã hạn chế hơn 50% các chế phẩm BVTV”.

Hiện tại, diện tích bưởi da xanh ở xã Thường Tân đang dần được tăng lên, người dân từng bước ngăn chặn được hiện tượng sâu đục trái. Suốt 1 năm qua, bưởi da xanh luôn ổn định ở giá bán từ 20.000 -45.000 đồng/kg. Bình quân mỗi trái nặng từ 1,5 - 1,8kg. Cây bưởi da xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá hấp dẫn cho người trồng. Trước thực tế đó, lãnh đạo xã đã có biện pháp để khuyến kích người dân canh tác loại cây này. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhằm nhân rộng và phát triển hiệu quả, những năm qua, kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm BVTV huyện, chúng tôi triển khai cho bà con ND tập huấn kỹ thuật canh tác cây bưởi da xanh. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác vận động ND tham gia thành lập các tổ liên kết sản xuất để tạo tiền đề xây dựng các mô hình sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn Viet GAP”. Hy vọng với những hướng đi đúng đắn, cây bưởi da xanh sẽ mang lại sự ổn định trong phát triển kinh tế của ND Thường Tân.

• PHƯƠNG AN