Nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp sáng tạo
(BDO) Đẩy mạnh phát triển phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thời gian qua Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động tạo sự lan tỏa, nhân rộng mô hình khởi nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) đến đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hiện đang trực tiếp tham gia sản xuất tại các mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, là một trong những tiền đề quan trọng để góp phần xây dựng thành phố thông minh.
Đặng Trung Đạt (giữa), phường Hưng Định, TP.Thuận An chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc vườn cây với đoàn viên thanh niên địa phương
Phát triển mô hình “Vườn ươm thanh niên”
Thực hiện phong trào “Tuổi trẻ Bình Dương chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, phát huy vai trò, sức trẻ của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều mô hình “Vườn ươm thanh niên” được các cơ sở Đoàn triển khai một cách sáng tạo, mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ.
Năm 2017, với số vốn ít ỏi 500 triệu đồng nhưng với niềm đam mê, phát triển kinh doanh các loại cây kiểng, anh Đặng Trung Đạt, phường Hưng Định, TP.Thuận An đã mua các loại cây kiểng được khai thác từ rừng về trồng. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, vườn cây của anh bị sâu bệnh nhiều. Tuy nhiên, với tinh thần không bỏ cuộc, anh đã khắc phục được những khó khăn, mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích. Đến nay, tổng diện tích vườn cây của anh là 30.000m2, trồng các loại cây như sống đời (15.000 cây), vạn thọ (2.000 cây), hướng dương (5.000 cây), mào gà (2.000 cây), mai vàng (1.000 cây), sen đá (2.000 cây), xương rồng (1.000 cây)… Ngoài ra, anh còn hướng dẫn cho đoàn viên trong chi đoàn và các khác cùng nhân rộng mô hình trồng và kinh doanh. Hiện nay, mỗi năm anh thu nhập trên 1 tỷ đồng từ vườn cây.
Mô hình vườn ươm thanh niên, vườn cây sinh kế là cách làm sáng tạo. Từ những thành công bước đầu, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, góp phần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế địa phương.
Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
Nhằm tạo môi trường thuận lợi, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của cán bộ, ĐVTN trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất và đời sống; bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở KH&CN triển khai các hoạt động, chương trình trải nghiệm sáng tạo, sân chơi công nghệ và hỗ trợ đào tạo, ươm tạo, tư vấn, kết nối đầu tư cho thanh niên.
Nhiều chương trình được triển khai như hỗ trợ thanh, thiếu nhi tìm hiểu, khám phá KH&CN, thông qua đó định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực KH&CN. Tổ chức các sự kiện, hoạt động KH&CN cho thanh thiếu nhi. Hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ KHKT cho thanh niên. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong thanh niên...
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức lớp tập huấn học tập kinh nghiệm, tham quan các mô hình thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo cho hơn 100 cán bộ, ĐVTN trực tiếp tham gia sản xuất tại các cơ sở, trang trại, câu lạc bộ, hợp tác xã, chủ các mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Đến với lớp tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm, các bạn ĐVTN đã được nghe các chủ mô hình là ĐVTN mạnh dạn sáng tạo khởi nghiệp, giới thiệu về ý tưởng khởi nghiệp, khởi nguồn đam mê, kỹ năng, kinh nghiệm và hiệu quả của mô hình phát triển kinh tế.
Năm 2016, bạn Nguyễn Thị Ngọc Lan, ĐVTN xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng đã khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi gà lấy giống, lấy thịt, kết hợp nuôi heo rừng và vịt xiêm. Thời gian đầu, Lan đã gặp không ít khó khăn do ít kinh nghiệm, chăn nuôi theo lối truyền thống, nên đàn gà bị nhiễm bệnh và chết một nửa. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đam mê khởi nghiệp, Lan đã tìm hiểu các kiến thức, ứng dụng KHKT trong chăn nuôi và đã thành công.
Đoàn viên Nguyễn Thị Ngọc Lan, chia sẻ: “Ban đầu, do tôi chăn nuôi theo lối truyền thống nên đã không thành công. Sau khi tìm hiểu các mô hình, tham gia các buổi tập huấn chuyển giao KHKT ứng dụng trong chăn nuôi, mô hình của tôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình của tôi có khoảng 3.000 con gà đang lấy thịt và 1.500 con gà từ 1 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi. Không chỉ vậy, tôi đã nhân rộng mô hình nuôi thêm 200 con vịt xiêm và 50 con heo rừng lai, nhân rộng quy mô lên 7 trại gà, 1 trại heo và 1 trại vịt xiêm với tổng thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm”.
Các hoạt động trên đã có ý nghĩa khuyến khích, cổ vũ, hỗ trợ thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐVTN. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
PHƯƠNG LÊ - KHOA CÔNG