Nhãn hiệu tập thể gỗ Bình Dương: Quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, vươn tầm thế giới
(BDO) Nhằm phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh Bình Dương” do Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Dương quản lý dự án và Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip chủ trì thực hiện.
Lợi thế phát triển
Bình Dương có sự thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường đầu tư thuận lợi đã thú hút nhiều các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương với các DN trong nước, DN đầu tư nước ngoài.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương phối hợp với Chi nhánh Công ty cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip tổ chức hội thảo góp ý, thống nhất hoàn thiện các văn bản quản lý việc sử dụng nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Gỗ Bình Dương” và tập huấn công tác quản lý, phổ biến các quy định về sử dụng NHTT “Gỗ Bình Dương”.
Những năm qua, tăng trưởng về sản xuất, trong đó có ngành gỗ luôn là một trong những điểm sáng của Bình Dương. Nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) nói chung và ngành gỗ nói riêng.
Bình Dương hiện có hơn 1.000 DN chế biến gỗ, trong đó có khoảng 300 DN chế biến gỗ xuất khẩu. Riêng ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của các DN trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 6,1 tỷ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 17,6% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, châu Âu, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản. Từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các biến động phức tạp của tình hình chính trị thế giới, dẫn đến khó khăn và gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, giảm đơn hàng, nhiều DN phải giảm quy mô sản xuất, giảm hoạt động.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành gỗ trong nước, thời gian qua UBND tỉnh đã tổ chức nhiều phiên đối thoại đối với các Hiệp hội, DN để nắm bắt thông tin, kịp thời đề ra các giải pháp. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm phát triển các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của tỉnh nói chung và ngành chế biến gỗ xuất khẩu nói riêng.
Song song đó, Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đã thực hiện tốt vai trò kết nối; cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ đã góp phần vạch ra định hướng phát triển ngành; từ việc tập trung phát triển vùng trồng nguyên liệu với các cây giống cho sản lượng, chất lượng tốt; góp phần nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Song song đó Hiệp hội đã tiến hành xây dựng mã định danh để phát triển thương hiệu gỗ Bình Dương thành nhãn hiệu quốc gia nhằm quảng bá sản phẩm với đông đảo người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội BIFA, cho biết: “Hiệp hội thường xuyên tìm hiểu nguyện vọng của hội viên để đề xuất với chính quyền với những chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất của ngành gỗ; giúp đỡ hội viên phát huy tiềm năng nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh doanh; cung cấp các thông tin về xúc tiến thương mại, quản lý kinh tế thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có liên quan đến hỗ trợ hội viên trong quá trình hội nhập. Hiệp hội sẽ đánh giá các tiêu chí cụ thể và hướng dẫn các DN thực hiện theo đúng quy trình quy định để cấp nhãn hiệu cho từng cá nhân DN, từ đó giúp DN có được quyền lợi kinh doanh và xuất khẩu”.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu
Tuy nhiên, hiện nay ngành gỗ xuất khẩu Bình Dương vẫn đang gặp những khó khăn, hạn chế như: đa số các DN chưa phát triển kỹ năng thiết kế; phát triển mẫu mã sản phẩm và đặc biệt xây dựng thương hiệu, bao gồm cả việc đăng ký và phát triển thương hiệu ở trong và ngoài nước. Vì vậy, khả năng đáp ứng sự thay đổi thị hiếu của thị trường còn rất chậm và bị động trong việc tiếp cận trực tiếp nhu cầu của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, hiện các DN ở tỉnh Bình Dương vẫn chưa có sự liên kết một cách hiệu quả. Ngành gỗ Bình Dương cần xây dựng một thương hiệu chung cho các DN trong khu vực tỉnh Bình Dương để có sự gắn bó chặt chẽ về tên gọi, xuất xứ hàng hóa dưới cùng một thương hiệu.
Việc tham gia nhãn hiệu tập thể gỗ Bình Dương góp phần quảng bá thương hiệu,mở rộng thị trường, vươn tầm thế giới
Nhằm giúp các DN chế biến gỗ mở được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt quảng bá thương hiệu vươn tầm thế giới, ngày 03/10/2019 UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 2872/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tỉnh Bình Dương. Căn cứ các cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý nêu trên, và Thông báo số 48/SKHCN-QLKH ngày 25/1/2021 về việc mời tham dự tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tỉnh Bình Dương năm 2019. Chi nhánh Công ty cổ phần Sở hữu công nghiệp INVESTIP đăng ký chủ trì thực hiện dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển NHTT cho sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh Bình Dương”. Việc lựa chọn đăng ký NHTT cho sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh Bình Dương được coi là giải pháp tốt giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao danh tiếng, quảng bá phát triển sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và DN theo hướng phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Anh Ngọc - Đại diện Chi nhánh Công ty CP Sở hữu công nghiệp INVESTIP (TP. Hà Nội), cho biết việc xây dựng NHTT “Gỗ Bình Dương” sẽ mang lại những lợi ích như: Giúp người tiêu dùng nhận biết và phân biệt được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thông qua chỉ dẫn về nguồn gốc Bình Dương, tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng về sự khác biệt, ưu việt, an tâm, thoải mái tin tưởng. Bên cạnh đó, lợi ích về kinh tế và quảng bá qua việc huy động sức mạnh tập thể của các DN và giúp tiết kiệm chi phí đăng ký và quảng bá nhãn hiệu ở thị trường trong nước và nước ngoài, đảm bảo chất lượng ổn định cho các sản phẩm của ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương. Từ những lý do trên, NHTT được coi là là công cụ mạnh để Hiệp hội, sử dụng bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm của mình.
Ông Ngọc cho biết thêm, trên thực tế, chi phí đăng ký và duy trì, bảo vệ nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài là rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của phần lớn các DN của Việt Nam. Việc được sử dụng chung một NHTT sau khi nhãn hiệu này đã được đăng ký ở thị trường trong và ngoài nước sẽ giúp các DN tiết kiệm một khoản tiền đáng kể cho công việc đăng ký và quảng bá nhãn hiệu nói trên.
Về hiệu quả kinh tế, việc xây dựng thành công NHTT giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế bền vững cho người sản xuất. Dự án đặt mục tiêu lợi nhuận của các tổ chức, cá nhân trong ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương tăng lên từ 10 - 15% so với trước khi thực hiện dự án.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, khi công ty có được NHTT “Gỗ Bình Dương” sẽ đoàn kết, được chia sẻ cơ hội và những khó khăn giữa các DN với nhau. Chúng tôi mong muốn rằng, Hiệp hội BIFA và Sở Khoa học và Công nghệ có những hỗ trợ để DN và hiệp hội được nhanh chóng đăng ký NHTT “Gỗ Bình Dương” để các DN được hưởng lợi thế nhiều hơn”.
hành công của dự án sẽ kéo theo việc phát triển các ngành nghề trong các lĩnh vực khác như: công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ ….Từ đó góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và hiện đại hoá tại Bình Dương cũng như trên cả nước. Các DN và người dân được tiếp cận với những kiến thức về khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần hạn chế việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng gây tổn hại đến uy tín địa phương và tổn hại sức khoẻ cho người sử dụng.
► Ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội chế biến Gỗ Bình Dương: Việc xây dựng NHTT cho sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh Bình Dương, nhằm giúp cho các DN mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt quảng bá thương hiệu vươn tầm thế giới. ► Ông Nguyễn Mộng Giang, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương: Dự án nhằm nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho cộng đồng, xác lập quyền đối với NHTT “Gỗ Bình Dương”, xác định được các đặc điểm, yêu cầu chất lượng của sản phẩm mang NHTT; NHTT được bảo hộ, sử dụng, quản lý và phát triển trên thực tế, xác định các giải pháp hữu hiệu để làm gia tăng giá trị cho sản phẩm mang NHTT và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà sản xuất sản phẩm mang NHTT. |
PV