Nhận diện lợi thế cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số để tìm hướng đi thích hợp (*)
(BDO) (Bài phát biểu của Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV)
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dường như đã đặt các quốc gia vào cùng vạch xuất phát trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng mới, mở ra cho đất nước những cơ hội để rút ngắn khoảng cách lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình... Tuy nhiên, tâm thế và nội lực của chúng ta đã sẵn sàng đến mức nào cho cuộc cách mạng lần này?
Có thể thấy toàn cảnh bức tranh kinh tế 2018 và giữa nhiệm kỳ từ báo cáo Chính phủ có khá nhiều điểm sáng, tuy nhiên từ góc nhìn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại chỉ ra một thực trạng đáng lưu ý, đó là mặc dù nợ công đã giảm, nhưng nợ nước ngoài và nợ Chính phủ có xu hướng tăng qua các năm. Điều đó cho thấy dù đã rất nỗ lực nhưng chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua chủ yếu vẫn dựa vào vốn, lao động, kể cả các khoản vay nợ. Theo lộ trình, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giảm cả về số lượng và quy mô vốn khi thoái vốn cổ phần và một khi các FTA có hiệu lực sẽ có tác động rất lớn đến ngân sách. Doanh nghiệp tư nhân chưa đủ lực để gánh vác nền kinh tế và làm hài hòa tỷ lệ hơn 70% xuất khẩu đang nằm trong tay khối FDI và được dự báo tiếp tục hưởng lợi lớn từ tăng trưởng xuất khẩu do FTA mang lại... Những bất cập này của nền kinh tế sẽ được cơ cấu lại thế nào vẫn còn là câu hỏi lớn.
Thật may mắn là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dường như đã đặt các quốc gia vào cùng vạch xuất phát trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng mới, mở ra cho đất nước những cơ hội để rút ngắn khoảng cách lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình... Tuy nhiên, tâm thế và nội lực của chúng ta đã sẵn sàng đến mức nào cho cuộc cách mạng lần này?
Sự rục rịch hồi hương của doanh nghiệp FDI bởi hậu thuẫn của kỷ nguyên robot, người máy, chủ nghĩa bảo hộ làm cho lao động giá rẻ không còn là lợi thế thu hút đầu tư trong thời gian tới. Ảnh: P.V
Một lực cản đáng kể trên con đường đi đến quốc gia khoa học, công nghệ là một bộ phận dường như còn “dị ứng” với đổi mới, sáng tạo. Khi cuộc chiến giữa Vinasun và Grab chưa đi đến hồi kết, thì mới đây Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép cho Facebook phát sóng giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Hay khoản đầu tư 500 tỷ để phát triển khoa học công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ dù rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vẫn không tháo gỡ được đã cho thấy tâm thế đó vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc dấn thân lần này. Mức độ xã hội đón nhận sáng tạo công nghệ, nhân tố quyết định tiến bộ là một trong những bài học mà cách mạng công nghiệp lần thứ nhất để lại vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, bài học hơn 200 năm đó không phải ai cũng có thể thẩm thấu.
Về nội lực, trái với lạc quan ban đầu về khả năng và vị trí của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0, báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia yếu kém dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai. Về các yếu tố phát triển nhân lực và đổi mới sáng tạo, tính trong 100 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 70 về nguồn nhân lực; thứ 81 chỉ số về lao động chuyên môn cao; thứ 75 về chất lượng đào tạo đại học; thứ 90 về đổi mới công nghệ và sáng tạo; thứ 92 vềcông nghệnền; thứ 77 về năng lực sáng tạo, trong khi các chỉ số này chính là hợp phần không thể thay thế cho phản ứng 4.0.
Mới đây nhất, báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới về cạnh tranh toàn cầu 2018 đã xếp chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam thứ 95/140 quốc gia, trên Lào một bậc và kém Campuchia 3 bậc, trong khi chỉ số này được đánh giá là nguồn năng lượng của mỗi nền kinh tế số.
Theo kết quả tổng điều tra kinh tế 2017 của Tổng cục Thống kê, chỉ có 36% các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp sử dụng máy tính và Internet để điều hành tác nghiệp. 1,2% tổng số cơ sở cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Điều đó cho thấy mặc dù người đứng đầu Chính phủ nóng lòng hối thúc, tốc độ thực hiện Chính phủ điện tử, một trong những nền tảng cho cách mạng lần này vẫn còn rất chậm thì làm thế nào để vượt lên chính mình và không bị bỏ lại phía sau?
Với những dự báo diễn ra trước năm 2025 như 10% dân số mặc quần áo kết nối với Internet; chiếc xe ô tô đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ in 3D; điện thoại di động cấy ghép trên cơ thể người; 30% kiểm toán doanh nghiệp do trí tuệ nhân tạo thực hiện; cỗ máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên có mặt trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp, từ tâm thế và nội lực như đã nêu trên thì liệu những thành tựu nào hay ít nhất một phần của thành tựu nào trong số đó sẽ đóng mác “sản xuất tại Việt Nam”? Chúng ta không nên bi quan nhưng cũng thật khó để có thể lạc quan tích cực.
Thế giới không đứng yên để riêng chúng ta vận động, tiến lên cho bằng vai phải lứa mà tất cả đều đang chuyển động với một gia tốc chưa từng có trong lịch sử. Thời cơ, thuận lợi trong kỷ nguyên số chia đều cho hầu hết các quốc gia, thậm chí trên đường đua đó họ đã chuẩn bị từ khi buổi bình minh của cuộc cách mạng lần thứ tư vẫn chưa ló dạng. Trong khi Đại học FPT đã và đang xây dựng 4 tổ hợp đại học - công viên phần mềm thì từ năm 1960 Ấn Độ đã có 7 Viện Công nghệ thông tin và cho đến nay là 20 viện ở hầu hết các bang. Chúng ta có đuổi kịp họ không và liệu câu trả lời có nằm trong dự luật giáo dục đại học lần này?
Một trong nhiều vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay là phải xác định lại năng lực cạnh tranh quốc gia so với thời kỳ trước. Giàu có tài nguyên thiên nhiên không có ý nghĩa gì nhiều trong nền kinh tế số bởi cách mạng công nghiệp lần này được xây dựng trên nền tảng nguồn nhân lực, lao động chuyên môn cao, trình độ khoa học, công nghệ... Chúng ta đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, trong khi tác động tiêu cực của già hóa dân số lên tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ nhiều hơn so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Sự rục rịch hồi hương của FDI bởi hậu thuẫn của kỷ nguyên robot, người máy, chủ nghĩa bảo hộ làm cho lao động giá rẻ không còn ý nghĩa. Từ đó, những chính sách thu hút đầu tư dù hấp dẫn thế nào cũng không phát huy nhiều tác dụng.
Để đi tắt, đón đầu và vượt lên trên tất nhiên phải hiểu rõ địa hình, địa thế mà địa hình, địa thế của kỷ nguyên số chính là xu hướng công nghệ, mô hình quản trị và mô hình kinh doanh. Qua Diễn đàn kinh tế thế giới về Asean và đặc biệt là những thông tin mà các diễn giả đã đưa tại phiên họp thứ 11 của Đại hội đồng Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới mà Bình Dương đăng cai rất thành công vừa qua đã cảnh báo không chỉ về xu thế phát triển của thế giới công nghệ thông minh, thành phố khoa học mà trên hết là những cảnh báo của xu thế phát triển và những nền tảng cho các mô hình sản xuất, tăng trưởng và quan hệ xã hội trong tương lai… Dù có thừa quyết tâm, nhưng phải tỉnh táo, biết người biết ta, để không chỉ bước đi vững chắc cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ này mà trên hết phải xây dựng môi trường thể chế để khoa học, công nghệ trở thành người dẫn đường mở lối đi đến thịnh vượng; nhận diện cho được lợi thế cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số, tìm hướng đi thích hợp để lựa chọn mô hình tăng trưởng cho đất nước một cách thực chất hơn.
Một trong nhiều vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay là phải xác định lại năng lực cạnh tranh quốc gia so với thời kỳ trước. Giàu có tài nguyên thiên nhiên không có ý nghĩa gì nhiều trong nền kinh tế số bởi cách mạng công nghiệp lần này được xây dựng trên nền tảng nguồn nhân lực, lao động chuyên môn cao, trình độ khoa học, công nghệ...
(*) Tựa bài do Tòa soạn đặt