Nhận bằng Nghệ nhân dân gian ở tuồi 104
Ở tuổi 104, cụ Nguyễn Châu (phường Hòa Phát, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là nghệ nhân hiếm hoi còn sống để trực tiếp dự lễ vinh danh mình sau gần trọn cuộc đời biểu diễn và truyền dạy nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Cụ là nghệ nhân đầu tiên ở Đà Nẵng được trao danh hiệu cao quý này.
Ở tuổi ngoại bách niên, lão nghệ nhân Tư Châu (Nguyễn Châu) vẫn có thể biểu diễn từng loại nhạc cụ từ đàn nguyệt, sáo, đàn bầu đến trống, kèn, nhị… Tuổi già khiến cụ không còn nghe rõ nhưng các bài đều được thể hiện chuẩn mực.
Nghệ nhân Tư Châu ở tuổi 104 vẫn có thể biểu diễn được nhiều loại
nhạc cụ dân tộc .
Đến với nhạc cụ cổ truyền từ thủa lên mười, hồi đó xuân kỳ thu tế thường niên, đình làng Nghi An đều mở hội, các đội nhạc lễ về biểu diễn khiến cậu bé Nguyễn Châu đam mê rồi quyết tâm học hỏi.
Không chỉ tìm đến các bậc thầy âm nhạc trong làng, có dịp Nguyễn Châu lại sang tầm sư học nhạc các bậc nghệ nhân giỏi nhất ở vùng lân cận như nghệ nhân Tám Hùng, Tư Nhiên... và nhiều danh cầm ở Huế.
Sáng 10-6, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng tổ chức lễ trao danh hiệu Nghệ nhân dân gian và kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam cho nghệ nhân Nguyễn Châu.
Theo cụ Châu, khó nhất là các nhạc cụ trống, kèn, nhị. Để chơi thành thạo các nhạc cụ này phải dày công luyện tập ít nhất cũng vài ba năm.
Hội làng trên xóm dưới nếu không có ban nhạc của cụ Tư Châu sẽ giảm phần long trọng. Tiếng tăm mỗi lúc vang xa, cụ nhiều lần kinh lý từ Bắc chí Nam để tham gia biểu diễn.
NSƯT Nguyễn Linh, con trai cụ Châu, kể: Giao thừa hàng năm, cả gia đình lại cùng hòa tấu bài “Lễ cáo tổ nhạc minh niên”. Ông cụ chơi được tất cả các nhạc cụ, nhưng tài trống của cụ lão luyện và ấn tượng hơn cả.
Năm 1954, cụ Châu cùng các bậc thầy lão luyện nhạc cụ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), đồng sáng lập Hội cổ nhạc Đà Nẵng và giữ vị trí chủ chốt của Hội cổ nhạc ngoại ô. Không chỉ tham gia biểu diễn, tập hợp gần 20 người vào đội do cụ dẫn dắt, nghệ nhân Nguyễn Châu miệt mài truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho gia đình, người dân quanh vùng. Học trò cụ nhiều người đã thành danh.
Thời khó khăn, hoạt động âm nhạc dân gian sa sút. Để “lấy ngắn nuôi dài”, cụ Châu cùng vợ và các con tranh thủ nuôi thả gà vịt. Số lượng đàn vịt nhà cụ lên đến hàng nghìn con. Mỗi lúc vào vụ cấy, gia đình dựng lán ở tận Quảng Nam, Quảng Ngãi lùa vịt tránh vụ mùa, đến khi thu hoạch mới quay về.
“Khó khăn nhưng tôi vẫn luôn nhắc nhở con cháu phải làm sao lưu giữ cho được cái hồn, cái tinh hoa của từng làn điệu, đừng để nó mai một”- Cụ Châu móm mém tâm sự.
Đại gia đình nghệ thuật
Con cháu cụ Châu hầu hết đều làm nghệ thuật cổ truyền. Tiêu biểu như NSƯT Nguyễn Linh hiện đang là Phó trưởng đoàn biểu diễn, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), các thành viên còn lại phần lớn tham gia công tác văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn.
“Hơn 50 năm nay, gia đình trở thành một ban nhạc nghệ thuật cổ truyền. Ai cũng chơi được hầu hết các nhạc cụ dân tộc nên khi “hòa tấu” rất đặc sắc, sinh động. Làng trên xóm dưới thậm chí các địa phương khác có dịp lễ hội, gửi lời mời cả gia đình lại lên đường đi biểu diễn”, ông Nguyễn Thọ, con trai cụ Châu kể.
Nhớ nhất vẫn là dịp năm 1992, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đăng cai tổ chức Hội diễn nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ I, NSƯT Nguyễn Linh tham gia thi và đoạt giải nhất về đàn nhị.
Trong dịp này, địa phương tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng để chào mừng, đội nghệ thuật đại gia đình cụ Châu tham gia và giật giải Huy chương Bạc. Thấy sự kiện trùng hợp khá đặc biệt, một nghệ nhân người Huế qua theo dõi trên đài đã gửi tặng hai câu đối để chúc mừng việc cha con cùng đoạt giải trong hội diễn lớn “Tỉnh tuyển bát âm, phụ chiếm ngân chương độc tấu/ Chế khoa cổ nhạc, tử thừa kim bảng khôi nguyên”.
(THEO TIỀN PHONG)