Nhạc sỹ Văn Cao - người nghệ sỹ đặc biệt đa tài của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam
(BDO) Nhạc sỹ Văn Cao (1923 - 1995) - tác giả của Quốc ca Việt Nam là một nghệ sỹ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật: âm nhạc, thơ ca, hội họa.
Nhạc sĩ Văn Cao được coi là "Cây cổ thụ" của nền nghệ thuật Việt Nam. Những bài hát của ông đã đi cùng những năm tháng quan trọng nhất của đất nước khi trải dài từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc cho đến những bản tình ca ra đời trong khói lửa chiến tranh và cả những năm tháng hoà bình
Ở lĩnh vực nào, ông cũng đạt đỉnh cao, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (15/11/1023 - 15/11/2023), những người yêu mến Văn Cao lại có dịp tưởng nhớ tới một nghệ sỹ đặc biệt đa tài, cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Người nghệ sỹ đa tài
Nhạc sỹ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng, trong một gia đình công chức. Khi còn nhỏ, Văn Cao học tại Trường Tiểu học Bonnal, sau lên học Trung học tại Trường Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học nhạc.
Nói về Nhạc sỹ Văn Cao, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, khẳng định: Văn Cao là một nhạc sỹ lớn, một nghệ sỹ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật: âm nhạc, thơ ca, hội họa...
Ở lĩnh vực âm nhạc, Văn Cao là một nhạc sỹ tài hoa, là cây đại thụ của nền âm nhạc chuyên nghiệp nước ta. Bài hát đầu tiên “Buồn tàn thu” được ông sáng tác năm 1939, khi mới 16 tuổi. Từ năm 1941 - 1943, ông lần lượt cho ra đời các ca khúc trữ tình, lãng mạn như “Thiên Thai”, “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”, “Suối mơ”, “Trương Chi”…
Từ những năm đầu thập kỷ 40, nhất là khi ông rời Hải Phòng lên Hà Nội, trong Văn Cao đã xuất hiện một giọng điệu âm nhạc mới, khỏe khoắn, cứng cỏi, hướng về lịch sử dân tộc, như: Gò Đống Đa (1940), Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941)… có thể coi đây là những ca khúc bước chuyển để chuẩn bị cho một thể loại mới trong âm nhạc Văn Cao - thể loại hành khúc.
Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý - một cán bộ cách mạng và được thuyết phục tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc, Văn Cao đã viết những khuôn nhạc hành khúc đầu tiên trong những ngày sống tại căn gác số 171 phố Mongrant và đặt tên cho tác phẩm là “Tiến quân ca”. Bài hát được in trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập tháng 11/1944. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhạc sỹ Văn Cao trở thành tác giả của Quốc ca Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc, một trong những nhạc sỹ xuất sắc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam thời kỳ này.
Sau “Tiến quân ca”, Nhạc sỹ Văn Cao còn sáng tác nhiều hành khúc cách mạng như “Chiến sỹ Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Thăng Long hành khúc ca”, “Bắc Sơn”, “Tiến về Hà Nội”... Trong thời kỳ này, ông còn viết những ca khúc trữ tình với tinh thần lạc quan, thấm đượm tình yêu nước, yêu đời như “Làng tôi” (1947), “Ngày mùa” (1948). Ông còn sáng tác trường ca, với tác phẩm đỉnh cao là “Trường ca Sông Lô”.
Ngoài ca khúc, sau này, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như “Sông Tuyến”, “Biển đêm”, “Hàng dừa xa”..; sáng tác nhạc phim cho phim truyện "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim tài liệu “Anh Bộ đội cụ Hồ” của Xưởng phim Quân đội Nhân dân...
Mùa Xuân năm 1975, sau chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Nhạc sỹ Văn Cao đã sáng tác ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên”. Theo lời tâm sự của Nhạc sỹ Văn Cao lúc sinh thời, nếu như “Tiến quân ca” là bản nhạc đưa những người lính ra trận, “Mùa Xuân đầu tiên” là bản nhạc đón những người lính trở về trong một khát vọng sum họp và đoàn tụ.
Theo Giáo sư Phong Lê, bên cạnh tư cách một nhạc sỹ lớn, nói đến Văn Cao còn là nói đến một nhà thơ lớn - bởi ông là tác giả của không ít bài thơ “làm tổ” được trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Một số bài thơ của ông được người đọc nhớ và thuộc trước 1945 như “Quê lòng”, “Đêm mưa”, “Ai về Kinh Bắc”, “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”… Đặc biệt, trong bài “Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc” được ông viết đúng thời điểm tháng Tám năm 1945, ghi nhận rất kịp thời thảm cảnh hai triệu người dân Việt chết đói.
Bên cạnh những bài lẻ, Văn Cao còn có cả một tập thơ có tên “Lá” viết âm thầm trong những năm khó khăn do sự kiện nhân văn - giai phẩm mà ông vướng phải, kéo dài từ năm 1956 đến 1986. Sau thơ, còn là văn - là văn xuôi, với các truyện ngắn mà một số đã được đăng trên “Tiểu thuyết thứ Bảy” - năm 1943, như “Dọn nhà”, “Siêu nước nóng”... góp một sắc màu riêng vào trào lưu văn học hiện thực cuối mùa bên Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Kim Lân, Nguyễn Đình Lạp...
Văn Cao còn một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa. Năm 19 tuổi, ông dự học không liên tục Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 20 tuổi, ông đã có các bức tranh gây chú ý như “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”, “Lớn lên trong kháng chiến”, “Thái Hà ấp đêm mưa”. Đặc biệt, tác phẩm “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Sau này, ông còn có một số tác phẩm nổi tiếng, như: “Chân dung bà Băng”, “Cổng làng”, “Phố Nguyễn Du”, “Cây đàn đỏ”, “Cô gái và đàn dương cầm”...
Theo Giáo sư Phong Lê, chính tư chất họa sỹ tài hoa đã “cứu” Văn Cao trong suốt những năm khó khăn. Ông đã kiếm sống bằng các tranh minh họa cho báo, sách và làm bìa cho sách. “Vào những năm ấy, tác giả nào được Văn Cao vẽ bìa đều rất vui sướng và hãnh diện, vì sự sáng tạo và nét tài hoa qua một chữ Văn trên một góc nhỏ của trang bìa”, Giáo sư Phong Lê nhớ lại.
Hiện tượng hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt
Theo Nhà báo, Nhà lý luận phê bình âm nhạc Trần Lệ Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, hành trình sáng tạo nghệ thuật của Văn Cao gắn liền với lịch sử dân tộc, đồng hành cùng dân tộc. Mỗi tác phẩm của ông ghi lại những dấu ấn quan trọng có giá trị về tư tưởng, phong cách và nghệ thuật riêng biệt, không trộn lẫn. Những tác phẩm ấy đã vượt thời gian, trao truyền, lan tỏa đến nhiều thế hệ nghệ sỹ, công chúng trong và ngoài nước, khắc tên mình một cách chói sáng trong nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.
“Cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao đã trải qua biết bao thăng trầm với quá nhiều những trúc trắc, trăn trở của cuộc sống. Những sáng tác ở cả ba lĩnh vực: âm nhạc - hội họa - thi ca đều đã được kiểm chứng và sàng lọc bởi thời gian, những tác phẩm ấy vẫn trường tồn cùng năm tháng, bởi đó là những giá trị nghệ thuật đích thực - nghệ thuật vị nhân sinh”, Nhà lý luận phê bình âm nhạc Trần Lệ Chiến chia sẻ.
Nói về Văn Cao, Nhà văn Tạ Duy Anh nhấn mạnh: Lịch sử Việt Nam đã dành cho Nhạc sỹ, Nghệ sỹ Văn Cao một vị trí vô cùng đặc biệt và độc đáo. Đặc biệt, vì ông không chỉ là nhân vật có sức ảnh hưởng lâu dài về mặt văn hóa, còn là một nhân vật luôn có khả năng làm sống lại trong ký ức hàng triệu người một thời đại bi hùng, đầy biến động của đất nước. Độc đáo, bởi không nhạc sỹ cùng thời nào với ông có một số phận đầy kỳ lạ và hấp dẫn như ông. Độc đáo, vì cả khi không còn trên cõi đời, ông vẫn đồng hành cùng với chúng ta trong mọi niềm vui, nỗi buồn. Nhưng trên hết, ông là một người yêu nước, yêu con người, yêu quê hương, yêu tiếng Việt, yêu tâm hồn Việt và yêu cái đẹp…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, Nhạc sỹ, Họa sỹ, Nhà thơ Văn Cao là người nghệ sỹ đặc biệt đa tài, cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sỹ có tên tuổi đều có chung nhận định, Văn Cao là nghệ sỹ lớn, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm trong lòng công chúng. Ông có những đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà. Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một “hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có” trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại.
Nhận định về sự nghiệp văn nghệ quý giá của Văn Cao, nhiều người ca ngợi ông là nghệ sỹ đa tài, thích “lãng du” qua những “miền” nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục, dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba “miền” ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá - mở lối cho mình và cho những người đến sau. Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc, thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Cụ thể, hiển nhiên nhất là thể loại tình ca, hùng ca, trường ca trong âm nhạc và trường ca trong thơ Việt Nam hiện đại.
Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ 20 nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, nhưng vượt lên tất cả, người nghệ sỹ đặc biệt đa tài Văn Cao luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ. Ông đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn nghệ nước nhà ở cả ba lĩnh vực: âm nhạc - thơ - hội họa. Ông được Nhà nước ta trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng…
Theo TTXVN