Nhạc sĩ Phan Hữu Lý: Mênh mang tình với Bình Dương

Thứ sáu, ngày 12/10/2018

(BDO) Để đánh dấu một chặng đường gắn bó với âm nhạc của NS Phan Hữu Lý, mới đây Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vừa tổ chức chương trình “Còn mãi xuân nồng” giới thiệu các ca khúc của ông. Đây cũng là niềm vui, hạnh phúc của nhạc sĩ nay đã gần 70 tuổi.

NS Phan Hữu Lý sinh năm 1949, tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Có thể nói ông là người yêu Bình Dương thiết tha, mênh mang. Tình yêu đó như dòng sông uốn quanh mảnh đất hiền hòa này để ông sáng tác những ca khúc trữ tình về quê hương. Ông từng công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP.Thủ Dầu Một từ ngày mới thành lập (năm 1986). NS Phan Hữu Lý nghỉ hưu từ năm 2009 nhưng nghệ sĩ thì “không có tuổi hưu!”. Tôi vẫn thấy ông làm giám khảo các cuộc thi văn nghệ, vẫn thấy ông vui vẻ đi họp định kỳ hàng tháng cùng anh chị em hội viên. NS Phan Hữu Lý là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Ông cũng là thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của Sông Bé nay là tỉnh Bình Dương. Hiện ông là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác ca khúc Bình Dương, phụ trách phần âm nhạc cho Tạp chí văn nghệ Bình Dương xuất bản hàng tháng.


NS Phan Hữu Lý
(thứ 3 từ trái sang) trong chương trình kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2018

NS Phạm Đắc Hiến, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết kế thừa năng khiếu âm nhạc của cha ông là một người thầy dạy nhạc, ngay từ nhỏ, Phan Hữu Lý đã sớm bộc lộ tài năng của mình. Cậu bé 7 tuổi khi đó đã có thể độc tấu guitare trong các chương trình văn nghệ thiếu nhi tại Trần Trung hý viện ngày xưa, sau đó đổi tên là rạp hát Thanh Bình, bây giờ là Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Ông là người may mắn khi gắn bó với nơi này trong mấy chục năm qua. Lớn lên, sẵn niềm đam mê âm nhạc, ông có nhiều cơ hội học hỏi từ các nhạc sĩ bậc thầy. Nhạc phẩm “Xuân về trong mắt biếc” ra đời năm 1966 là nhạc phẩm đầu tay của ông. Khi đó, NS Phan Hữu Lý đang còn học tại trường Trung học Trịnh Hoài Đức.

Sinh ra và lớn lên tại Bình Dương nên sự nghiệp sáng tác của NS Phan Hữu Lý cũng gắn liền với mảnh đất, con người nơi đây. Nhiều nhạc phẩm quen thuộc của ông có thể kể đến như: Yêu sao dáng sơn mài, Tuyệt vời gốm sứ Bình Dương, Yêu thành phố Bình Dương, Hành khúc lực lượng vũ trang Bình Dương...

Nói về sáng tác của mình, ông cho biết: “Mỗi ca khúc tôi viết đều có hoàn cảnh ra đời của nó, với cảm xúc chân thật ở thời điểm mình sáng tác, mỗi ca khúc cũng là một kỷ niệm yêu quý của tôi. Riêng ca khúc Ơi sông nước Bình Dương có một kỷ niệm khó quên. Đầu năm 2004, bạn của tôi từ nước ngoài về thăm quê hương. Qua trao đổi hàn huyên tâm sự, hát hò, tôi có những tứ nhạc mới xuất hiện trong đầu: Bình Dương mình có 4 dòng sông, con sông Sài Gòn đón dòng sông Thị Tính, sông Bé reo mừng ôm sóng nước Đồng Nai. 4 dòng sông ấy với vô vàn kỷ niệm mãi mãi vẫn đón đợi những người con Bình Dương dù có xa quê nhưng vẫn mang trong lòng nỗi niềm hoài hương nặng trĩu và mong có ngày gom góp những tinh hoa từ muôn hướng trở về dâng tặng đất Bình Dương. Thế là một ca khúc mới ra đời vào giữa năm 2005”. Ca khúc Ơi sông nước Bình Dương cũng đã mang lại cho NS Phan Hữu Lý nhiều giải thưởng lớn: Giải nhất ca khúc hay viết về Bình Dương do Đài PT-TH Bình Dương trao tặng; giải nhất sáng tác chủ đề “Bình Dương 30 năm xây dựng và phát triển” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; giải B giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ lần III. NS Phan Hữu Lý cũng được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng; Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Những đóng góp của NS Phan Hữu Lý có thể kể đến, như: Phụ trách Tổ văn nghệ quần chúng và trực tiếp tham gia tập dượt, dàn dựng một số chương trình của các câu lạc bộ từ thiếu nhi cho đến người lớn, từ cổ nhạc cho đến tân nhạc. Ông cũng tham gia sáng tác các ca khúc, kịch bản cho Đội thông tin lưu động phục vụ nhân dân trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ngoài ra, ông còn cộng tác với Đài PT-TH Bình Dương bằng nhiều ca khúc. Cứ mỗi mùa hè, nhạc của ông như là... thương hiệu cho hội diễn văn nghệ Hoa phượng đỏ trong hàng chục năm qua, đó là ca khúc “Chào tiếng hát hoa phượng đỏ”. “Thủ Dầu Một là sinh quán của tôi. Cuộc sống, đất nước, con người Bình Dương luôn là những đề tài vô tận trong những ca khúc của tôi từ trước cho đến mãi về sau”, NS Phan Hữu Lý chia sẻ.

QUỲNH NHƯ