Nhạc sĩ Phạm Minh Thuận: Âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại
Phạm Minh Thuận (ảnh) vừa là nhà giáo, vừa là nhạc sĩ (NS) đầy tâm huyết, trách nhiệm với đời, với nghề. Những năm qua, anh đã cống hiến hết mình cho quê hương Bình Dương. Anh bắt đầu sáng tác vào những năm 1990 và là một trong những NS trong Hội NS Việt Nam của tỉnh. Ngoài những ca khúc về quê hương Bình Dương thân yêu và rất đỗi tự hào, tên tuổi của NS Phạm Minh Thuận còn được khán giả biết đến với những sáng tác về Bác vô cùng truyền cảm, sâu lắng.
Trò chuyện cùng NS Phạm Minh Thuận, chúng tôi thấy ở anh một sự nghiêm túc với nghề theo nguyên tắc của riêng mình. Mỗi ngày, anh dành ít nhất 2 giờ để nghiên cứu sách báo liên quan đến âm nhạc. Anh cũng có thói quen phân chia công việc rất cụ thể, khoa học, góp phần đưa anh đến với thành công. Tập tành sáng tác từ những năm 1990, NS Phạm Minh Thuận đã dành trọn tình yêu của mình cho quê hương Bình Dương. 3 ca khúc về Bình Dương rất nổi tiếng đã đưa anh đến gần với công chúng yêu âm nhạc như: “Đưa em về chợ Thủ”, “Bình Dương một khúc tình ca” hay “Bình Dương một khúc tâm tình”.
NS Phạm Minh Thuận đã cho chúng tôi một nhận định riêng của bản thân khá thú vị về âm nhạc. Anh nói rằng: “Chỉ cần 7 nốt nhạc nối tiếp nhau và khi âm thanh được vang lên, đã có rất nhiều những bài hát vượt không gian và thời gian và nó mang con người xích lại gần nhau hơn”. Theo anh, âm nhạc cần phải qua 4 “cửa” để một tác phẩm trường tồn với thời gian: Đó là người sáng tác, người hòa âm phối khí, ca sĩ và cuối cùng là cảm nhận của công chúng. Do vậy, người NS muốn có những sáng tác được công chúng đón nhận thì chính họ phải là người có thật nhiều vốn sống, nhiều trải nghiệm nhằm thực hiện trọng trách lớn lao, đưa âm nhạc trở thành ngôn ngữ chung, phục vụ món ăn tinh thần cho công chúng.
NS Phạm Minh Thuận chứng minh một tình yêu rất lớn với âm nhạc, bằng sự lao động nghệ thuật không mệt mỏi. Đến nay, anh đã có trong tay 500 ca khúc, trong đó có gần 100 ca khúc anh dành cho thiếu nhi. Ở đề tài viết về Bác Hồ kính yêu, đã có rất nhiều những ca khúc rất nổi tiếng, do vậy ít NS sau này sáng tác, tác phẩm về Bác. Song với lòng trân trọng và kính yêu dành cho “vị cha già của dân tộc”, NS Phạm Minh Thuận đã nuôi dưỡng cảm xúc của mình đủ lớn để cho ra đời 6 tác phẩm về Bác như: Ơn Người Hồ Chí Minh, Người đi tìm hình của nước, Thế kỷ tên Người Hồ Chí Minh, Chiếc áo khoác Người chưa cài cúc...
Với đề tài này, liên tục 3 năm từ 2013 đến 2015, anh đã được UBND tỉnh tặng bằng khen. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương và Bình Phước trao tặng giải thưởng VHNT “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Có thể nói, Phạm Minh Thuận là một người làm nghệ thuật luôn canh cánh niềm tri ân đối với những người đã không tiếc máu xương cống hiến cuộc đời cho quê hương, đất nước. Sau ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh đã cho ra đời những ca khúc đầy cảm động kính dâng lên Đại tướng như: Cây đại thụ trong lòng dân, Ngọn núi lửa phủ tuyết, Một con người bình dị đã ra đi… Đặc biệt, khán giả VTV còn biết đến NS Phạm Minh Thuận qua bài hát đã được làm nhạc hiệu chính thức của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (Không còn những cuộc chia ly - ca sĩ Hà Anh Tuấn trình bày); hay chương trình Trở về từ ký ức (Tiếng gọi từ trái tim, do ca sĩ Mỹ Dung thể hiện).
Với một sự nghiệp sáng tác thành công, NS Phạm Minh Thuận đã gặt hái khá nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh. Song, anh vẫn khiêm tốn khi nói đến thành quả của chính mình. Anh đã mượn câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nhắc nhở bản thân tiếp tục làm việc: “Tôi chỉ là một con chim ngứa cổ bay nhảy trên cánh đồng hót chơi…”.
Vào cuối tháng 6 này, NS Phạm Minh Thuận cùng người bạn đồng môn, NS Võ Đông Điền đại diện cho Bình Dương tham dự Đại hội Hội NS Việt Nam khóa IX (2015-2020) tại thủ đô Hà Nội. Đây vừa là vinh dự, vừa là dịp để anh trang bị thêm hành trang cho quá trình sáng tác không ngừng nghỉ của mình nhằm cống hiến cho công chúng những sáng tác mới thành công hơn nữa.
SONG ANH