Nhạc sĩ Nguyễn Long: Nặng lòng với Bình Dương

Thứ hai, ngày 26/04/2010

Sinh ra và lớn lên tại Bình Long (Bình Phước), chàng thư sinh nghèo với năng khiếu sáng tác thơ văn từ năm 15 tuổi không hề biết là sau này mình sẽ trở thành nhạc sĩ.

Nguyễn Long cho biết: “Sáng tác xong tôi thường đem giấu vì sợ người khác đọc sẽ chê cười, cứ thế cho đến một ngày có người vô tình đọc được thơ của tôi. Cô ấy đã phổ nhạc và đem đàn ghi-ta đến hát cho tôi nghe. Từ đó tôi mới có ý nghĩ sao mình không tự sáng tác và phổ nhạc”. Tìm hiểu các nốt nhạc qua những ngón đàn ghi-ta của một người bạn, Nguyễn Long đã dần dần phổ nhạc cho những bài thơ của mình và cho ra đời ca khúc đầu tay mang tên Hát trong sinh nhật em (1981).

Đến năm 1992, với giải nhất ca khúc Lời ru phía hoàng hôn do Cung Văn hóa Lao động phối hợp với Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức và giải nhất ca khúc Hạ ơi do tuyển tập Áo trắng và NXB Trẻ tổ chức, tên tuổi của Nguyễn Long dần dần được nhiều người biết đến. Và người yêu nhạc Bình Dương biết nhiều đến tên tuổi của Nguyễn Long qua các ca khúc: Mùa trái chín, Bình Dương khúc hát mùa xuân, Bình Dương lãng mạn phố xuân... Bình Dương khúc hát mùa xuân và Bình Dương lãng mạn phố xuân là hai ca khúc được phát suốt chặng đường dài 1.168km từ Quảng Trị về đến Bình Dương cùng đoàn đua xe đạp cúp truyền hình Bình Dương vừa qua.

Hiện Nguyễn Long đang là cộng tác viên văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương (PT-TH BD). Ngoài ra, nhạc sĩ còn thực hiện kịch bản một số chương trình khác cho đài như: Tiếng thơ, Đọc truyện đêm khuya, Tác giả tác phẩm, ca nhạc và ca cổ chủ đề, các ca khúc vượt thời gian... Tuy sống ở quận Thủ Đức (TP.HCM) nhưng do công việc nên nhạc sĩ thường xuyên ở lại Bình Dương. Chính vì thế mà cảm xúc dành cho Bình Dương cũng thật và dạt dào biết bao. Tính đến nay, nhạc sĩ đã viết trên 20 ca khúc về Bình Dương. Không chạy theo dòng nhạc thị trường, nhạc của Nguyễn Long là những ca khúc mang tính truyền thống, trữ tình nghệ thuật và đậm chất dân ca Nam bộ...

Kể về những kỷ niệm sáng tác, nhạc sĩ luôn mỉm cười với một niềm hạnh phúc miên man. Hầu như là các địa danh ở Bình Dương nhạc sĩ đều có sáng tác ca khúc kỷ niệm. Một Lái Thiêu với những hương thơm mùa trái chín làm nhung nhớ lòng ai trong bài Mùa trái chín, một Bình Dương với bao công trình cùng những cô công nhân tươi duyên trong bài Bình Dương khúc hát mùa xuân, một đài phát thanh - truyền hình với 30 năm xây dựng và phát triển trong bài Cánh sóng yêu thương...

Nhạc sĩ Nguyễn Long cho biết: “Sinh ra và lớn lên ở Bình Phước nên tôi xem Bình Dương như là nhà mình bởi Bình Dương và Bình Phước là anh em có chung một mẹ Sông Bé. Đến Bình Dương làm việc, được mọi người thương mến... nên cảm xúc lúc nào cũng nhiều và được thể hiện những tình cảm thật đó là một niềm hạnh phúc kỳ diệu”.

Ngoài âm nhạc, Nguyễn Long còn sáng tác thơ với bút danh Chinh Ngữ, biên tập thơ cho tuyển tập thơ văn Hoa Niên - NXB Đồng Nai từ năm 1995 đến 1998. Truyện ngắn và thơ của Nguyễn Long được đăng nhiều trên các báo, tạp chí... Tác giả Chinh Ngữ còn là một trong số các nhà thơ được vinh danh trong Ngàn năm tứ tuyệt.

Đánh giá về Nguyễn Long, nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương cho biết: “Các sáng tác của Nguyễn Long rất là chất lượng và anh còn là nhạc sĩ có rất nhiều bài hát viết về Bình Dương. Tôi đặc biệt ấn tượng với Nguyễn Long trong ca khúc Bình Dương khúc hát mùa xuân. Ca từ trong bài hát rất là trẻ trung, vui tươi và sôi nổi về một mùa xuân của Bình Dương”. Nhạc sĩ Nguyễn Long luôn ước mong rằng mình sẽ có nhiều sức khỏe để có khả năng thể hiện tốt cảm xúc qua các ca khúc. Mong được tạo điều kiện cho mình có thể đưa sản phẩm - những đứa con tinh thần của mình tiếp cận với người nghe nhiều hơn nữa.

MINH HIẾU