Nhà vườn kỳ vọng “được mùa được luôn cả giá”…

Thứ ba, ngày 20/12/2022

(BDO)  Đến hẹn lại lên, dịp gần tết nông dân trồng cây ăn trái lại tất bật chăm sóc vườn để đưa ra thị trường những loại trái cây đẹp, ngon. Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nỗi lo lắng về dịch bệnh, giao thương trở ngại đã tạm lắng, người nông dân chỉ mong đợi “được mùa được luôn cả giá”.

 Nhiều nhà vườn đã sẵn sàng phục vụ thị trường tết. Trong ảnh: Sản phẩm bưởi đường lá cam của gia đình anh Nguyễn Văn Dậu cho sản lượng 5 tấn dịp tết

 Huyện Bắc Tân Uyên đang phát triển mạnh cây ăn trái có múi theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó là các mô hình hợp tác xã, kinh tế hộ cũng tận dụng lợi thế thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên để trồng cây ăn trái. Thời điểm này, bên cạnh những nhà vườn lựa chọn cho ra trái vào tháng 3, tháng 4, nhiều nhà vườn tập trung sản xuất cung ứng thị trường tết.

Len lỏi vào vườn bưởi đường lá cam sai trái của gia đình anh Nguyễn Văn Dậu, xã Lạc An, điều làm chúng tôi ấn tượng chính là hình dáng bắt mắt của những trái bưởi xanh mơn mởn đang chờ vụ thu hoạch. Trước đây, trên mảnh vườn rộng 4.000m2 gia đình anh Dậu sử dụng để trồng cây tràm, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy thuận tiện nguồn nước tưới tiêu, thổ nhưỡng phù hợp, năm 2019 gia đình anh chuyển đổi sang trồng bưởi đường lá cam. Anh Dậu cho biết giống bưởi này có nguồn gốc từ Tân Triều, tỉnh Đồng Nai, có vị đậm đà và tương đối dễ trồng. Hiện tại trái to nhất từ 1,2kg - 1,4kg, từ nay đến tết dự trù thu hoạch khoảng 5 tấn. Ưu điểm của bưởi đường lá cam là 1 cây cho thu hoạch trên 20 năm.

“Ngoài bưởi đường lá cam, gia đình còn trồng bưởi da xanh và cam mỗi vụ thu hoạch khoảng 10 tấn. Dịp tết này gia đình tập trung chăm sóc vườn bưởi đường lá cam, hy vọng sẽ được giá để ổn định thu nhập, có cái tết đủ đầy, no ấm. Để cho ra được những sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng là nỗi vất vả của người nông dân”, anh Dậu tâm sự.

Tương tự thời điểm này gia đình chị Phan Ngọc Lan, xã Hiếu Liêm cũng đang khấp khởi mong chờ vụ tết. Với 1.800 gốc cam trên diện tích 5ha đất, mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 100 tấn cam. “Năm ngoái do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường cam của gia đình bị ảnh hưởng, giá thấp. Năm nay dự tính dịp tết sẽ cung ứng khoảng trên 60 tấn. Giờ chỉ mong giá cao để bù lại những tổn thất của năm qua”, chị Lan nói.

Không chỉ những vườn có quy mô nhỏ háo hức mong chờ vụ tết, nhiều hợp tác xã chuyên về cây ăn trái cũng đã sẵn sàng cho ra thị trường số lượng lớn trái cây dịp tết. Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Thuận Phát, ấp 2, xã Thường Tân, cho biết: “Hợp tác xã có gần khoảng 200ha, trung bình 1ha cung ứng khoảng 30 tấn. Như vậy sản lượng cung ứng ra thị trường sẽ rất lớn. Nguồn cung không lo thiếu, nông dân chỉ mong chờ được giá để có một cái tết ấm no” .

Có thể thấy, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng phần nào đến giá cả nông sản trên thị trường. Đặc biệt đối với những mô hình sản xuất nhỏ lẻ chưa có thị trường tiêu thụ ổn định chủ yếu trông chờ vào thương lái thì nỗi lo về giá cả “bấp bênh” vẫn thường trực.

 Với những nhà vườn có quy mô nhỏ, đất đai tự có thì yếu tố rủi ro không cao. Đối với nhà vườn sản xuất có quy mô lớn phải luôn bám sát thực tế, theo dõi thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Song, dù sản xuất với quy mô nhỏ hay lớn vẫn mong thị trường luôn được mùa được giá để bảo đảm ổn định và phát triển bền vững.

 TIẾN HẠNH