Nhà việc Phú Cường ngày 30-4-1975 - Bài 1

Thứ sáu, ngày 26/04/2019

(BDO)  Nhân dịp kỷ niệm 44 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2019), tác giả Danh Lam (Nguyễn Minh Giao, nguyên Ủy viên Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) gửi đến Tòa soạn Báo Bình Dương bài viết “Nhà việc Phú Cường ngày 30-4-1975”, trích trong hồi ký “Tuổi thơ không yên bình” của ông. Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

 (trích hồi ký Tuổi thơ không yên bình)

 Bài 1: Kế hoạch trước giờ G (*)

 …Theo lịch đã hẹn, chiều ngày 26-4-1975, tôi về xóm Lò Lu để tối đó anh em du kích xã Tương Bình Hiệp đưa qua sông về căn cứ lõm Rạch Móc làm việc. Vẫn cảnh cũ rừng biền xưa, chiếc xuồng ba lá nhỏ lướt sóng nhẹ nhàng, nhanh lẹ nhưng lần này mái chèo và mấy cây dầm khua nước bì bõm nghe như một điệu nhạc vui chứ không quá căng thẳng như các lần sang sông trước đây.

 Khu vực Nhà việc Phú Cường hôm nay. Ảnh: TRÍ DŨNG

 Khi về tới căn cứ, tôi thấy các bộ phận trong căn cứ đã được sắp xếp gọn gàng trong tư thế sẵn sàng xuất kích đánh trận cuối cùng để giải phóng quê hương. Rút kinh nghiệm lần trước khi ra khỏi căn cứ, anh chị em không đập bỏ bếp núc, nồi niêu xoong chảo như hồi chiến dịch Tổng công kích, tổng khởi nghĩa mùa xuân 1968 khi xưa.

Cả ngày 27-4-1975, tôi làm việc với anh Tư Hoàng với tinh thần hết sức khẩn trương để ngay chiều tối hôm đó trở về bắt tay vào công việc cho kịp đà tiến công chung của toàn mặt trận. Nội dung làm việc có nhiều thứ tôi không còn nhớ hết chỉ nhớ mang máng trong một giờ đầu anh Tư sinh hoạt một số điểm trong chính sách của Mặt trận khi quân ta vào đánh chiếm giải phóng, tiếp quản mục tiêu đã được phân công. Ngay lúc đó, tôi chưa nhận thức được tại sao phải nắm các điều trong chính sách mười điều ấy để làm gì, mãi sau này hồi tưởng lại mới lờ mờ nhận ra rằng: À thì ra mình cũng là chỉ huy của một cánh quân vào giải phóng thị xã! Mà đã làm chỉ huy thì phải nắm được chính sách để lãnh đạo lực lượng xử lý đúng mực khi vào tiếp quản chứ!

Qua nội dung cuộc làm việc lần này, tôi mới biết mục tiêu chính của chúng tôi là trụ sở Ty Thanh niên (ngay ngã tư đường Ngô Quyền, có hồ bơi Piscine) bởi vì quân chúng tôi là của Tỉnh đoàn, nhưng trước khi tiến chiếm mục tiêu chính phải tuân thủ kế hoạch chung của thị xã là tiếp ứng cùng các cánh quân tiến chiếm, giải phóng thị xã mà hợp điểm cuối cùng là Nhà việc Phú Cường.

Theo kế hoạch chung, khi lực lượng lộ bên ngoài vào, lực lượng mật bên trong nổi dậy tiếp ứng, cùng mục tiêu giải phóng giành chánh quyền về tay nhân dân nhưng đâu có ai biết ai đâu nên để nhận ra nhau phải có mật hiệu, mật khẩu liên lạc. Mật khẩu chỉ phổ biến đến các cấp chỉ huy và các liên lạc viên, còn mật hiệu thì phổ biến đến tất cả các thành viên tham gia nổi dậy tiếp ứng với bên ngoài vào. Mật hiệu của cánh quân chúng tôi là miếng băng vải hai màu xanh, đỏ cột trên khuỷu tay của cánh tay trái, vũ khí thì tự trang bị bằng cách lấy của lực lượng nhân dân tự vệ là những cơ sở cách mạng đã được giác ngộ, cài cắm từ trước hoặc lấy của mấy tay lính ngụy đào, rã ngũ. Hiệu lệnh chung là khi nào nghe tiếng nổ của pháo binh quân giải phóng bắn vào dinh Tỉnh trưởng thì đồng loạt nổi dậy, hành động ngay.

Kế hoạch hành động chung là như thế nhưng diễn biến trên thực tế của buổi sáng ngày 30-4 năm ấy có quá nhiều sự kiện xảy ra, tôi không nhớ hết mà chỉ nhớ lại một vài chi tiết trong sự kiện long trời lở đất đó xin nêu ra để cho bản thân mình tự gợi nhớ lại những ký ức, hồi hộp, hào hùng năm xưa vậy!

Ngày 28-4, sau khi từ căn cứ lõm Rạch Móc trở về tôi khẩn trương sinh hoạt, phổ biến các công việc cho các đầu mối cơ sở mật để chuẩn bị sẵn sàng hành động cho công cuộc trọng đại sắp diễn ra. Buổi chiều hôm ấy tôi đang di chuyển, làm việc thì đột nhiên thấy có năm chiếc chiến đấu cơ A37 từ hướng sân bay Biên Hòa bay ngang bầu trời hướng về sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi hết sức ngạc nhiên và đứa này hỏi đứa kia: “Ủa sao lạ quá, máy bay ném bom của ngụy sao lại bay về Sài Gòn chi vậy ta?”. Không ngờ vài giây sau, từng chiếc một bổ nhào cắt bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, lúc ấy mới vỡ òa ra mừng vui phấn khởi cho rằng lực lượng không quân ngụy đã phản chiến bằng phi cơ ném bom vào hang ổ cuối cùng của địch thì ngày tàn của chúng đã tới rồi đây. Lúc đó ai cũng nghĩ vậy chứ đâu có biết đó là quân giải phóng đánh một đòn hiểm, quá tuyệt vời do trung úy phi công là người của ta Nguyễn Thành Trung chỉ huy đánh trận này.

Ngày hôm sau, ngày 29-4, vào lúc hơn 9 giờ sáng cũng đang trong lúc bận rộn liên lạc, truyền đạt cho lực lượng mật trong nội ô các công việc, các điều kiện để nổi dậy khởi nghĩa thì tôi nghe trên Đài Phát thanh Sài Gòn vang lên bài kêu gọi thương lượng, đình chiến, hòa hợp, hòa giải gì đó của anh Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Hội Sinh viên, học sinh Sài Gòn nhưng lại tự xưng là lực lượng thứ ba nào đó. Lúc nghe vậy thì trong anh em chúng tôi có vài người phân vân vì chúng tôi cũng là học sinh, sinh viên trong thị thành vậy có phải lực lượng thứ ba gì đó không! Tôi vội vàng trấn tỉnh anh em ngay: “Không có thứ hai, thứ ba gì hết, chỉ tập trung vào một thứ, đó là tham gia nổi dậy giải phóng Thủ Dầu Một mà thôi!”. (còn tiếp)

 “...Theo kế hoạch chung, khi lực lượng lộ bên ngoài vào, lực lượng mật bên trong nổi dậy tiếp ứng, cùng mục tiêu giải phóng giành chánh quyền về tay nhân dân nhưng đâu có ai biết ai đâu nên để nhận ra nhau phải có mật hiệu, mật khẩu liên lạc. Mật khẩu chỉ phổ biến đến các cấp chỉ huy và các liên lạc viên, còn mật hiệu thì phổ biến đến tất cả các thành viên tham gia nổi dậy tiếp ứng với bên ngoài vào....

Kế hoạch hành động chung là như thế nhưng diễn biến trên thực tế của buổi sáng ngày 30-4 năm ấy có quá nhiều sự kiện xảy ra, tôi không nhớ hết mà chỉ nhớ lại một vài chi tiết trong sự kiện long trời lở đất đó xin nêu ra để cho bản thân mình tự gợi nhớ lại những ký ức, hồi hộp, hào hùng năm xưa vậy!”

(*): Tựa phụ do toàn soạn đặt

 DANH LAM