Nhà vệ sinh công cộng: Chưa đáp ứng nhu cầu
Từ 1-2-2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 155) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Trong nghị định mới, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt nhiều lần đối với hàng loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Các hành vi đại tiện, tiểu tiện, vứt rác thải nơi công cộng có mức phạt tăng gấp 10 lần so với trước. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số xã, phường trong tỉnh, để thực thi nghị định một cách nghiêm túc thì trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, bên cạnh đó cần đáp ứng được nhu cầu nhà vệ sinh công cộng.
(BDO) Sát nhà vệ sinh công cộng ở chợ Đình, phường Phú Hòa là quán ăn trên vỉa hè. Nhà vệ sinh này không được gắn bảng tên nên không mấy ai biết đây là nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh còn thiếu
Chưa nói đến các huyện, thị, mà ngay cả địa bàn TP.Thủ Dầu Một cũng chưa đáp ứng được nhà vệ sinh công cộng cho người dân. Mới đây, khi trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ân, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, cho biết: “Trên địa bàn phường có 2 khu chợ, đó là chợ hàng bông Phú Hòa và chợ Bình Điềm. Cả hai khu chợ này có nhà vệ sinh công cộng nhưng được xây dựng khá lâu, chủ yếu phục vụ bà con tiểu thương, chứ chưa phải để phục vụ người đi chợ”. Không nói thì ai cũng biết, nhà vệ sinh ở những khu chợ này có bảo đảm vệ sinh không, mấy ai đủ can đảm để vào đây!
Theo Nghị định 155, các hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 50.000 - 100.000 đồng). Hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 200.000 - 300.000 đồng). Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 100.000 - 200.000 đồng). Các hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 300.000 - 400.000 đồng). |
Đảo một vòng quanh các phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, gần như chúng tôi không thể biết được nhà vệ sinh công cộng được đặt ở đâu. Chỉ thấy một cái duy nhất ở góc công viên Phú Cường và một cái ở chợ Thủ Dầu Một nằm sát mép sông Sài Gòn. Đến chợ Đình (phường Phú Lợi), chúng tôi hỏi bảo vệ đến mấy lần thì mới tìm được một nhà vệ sinh công cộng. Nhà vệ sinh này được xây dựng gần đường giao thông, khá thông thoáng, nhưng không được gắn bảng tên để cho người dân biết đây là nhà vệ sinh! Gần như nhà vệ sinh này xây dựng là để phục vụ các tiểu thương gần đó.
Có một thực trạng là phường nào có những khu chợ lớn thì ở đó mới có một nhà vệ sinh công cộng, nhưng chủ yếu là để phục vụ cho tiểu thương. Phường nào không có chợ, hay chợ nhỏ thì gần như không có nhà vệ sinh công cộng!
Là phường trung tâm và phát triển mạnh về loại hình dịch vụ như phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, vậy hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở đây như thế nào? Bà Văn Nguyệt Ánh, Chủ tịch UBND phường khẳng định nhà vệ sinh công cộng ở phường còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bà Ánh cho biết ở chợ Thủ Dầu Một có tổng cộng 3 nhà vệ sinh. Một cái ở khu chợ đồng hồ và một cái ở gần đường Nguyễn Thái Học. Hai nhà vệ sinh này đã có từ rất lâu, quy mô nhỏ, nằm khuất trong chợ, nên chủ yếu phục vụ tiểu thương là chính. Cách đây vài năm, UBND TP.Thủ Dầu Một đã cho giải tỏa khu vực gần bờ sông để làm bãi giữ xe, xây dựng ở đó một nhà vệ sinh. Ngoài ra, trên địa bàn phường còn có một nhà vệ sinh ở công viên Phú Cường và một cái ở khu vực sát miếu Bà Thiên Hậu. Chất lượng của các nhà vệ sinh này chưa tốt, cần được cải thiện nhiều trong thời gian tới…
Trao đổi với P.V, nhiều lãnh đạo cấp phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đều có chung nhận định nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một còn thiếu và yếu, chưa được quan tâm đầu tư một cách bài bản. Cái khó hiện nay là không còn quỹ đất để xây dựng. Bà Văn Nguyệt Ánh cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần đến TP.Hồ Chí Minh để tham quan một vài mô hình xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Có nhiều nhà vệ sinh được đầu tư tiền tỷ, bên trong được gắn máy lạnh, có nhạc và nước hoa thơm phức. Đi vệ sinh như thế thì có trả tiền cao một chút, ai cũng hài lòng và họ không ngần ngại để vào. Chúng tôi sẽ đề xuất lên các cấp về việc này trong thời gian tới, để làm sao trên địa bàn có những khu nhà vệ sinh công cộng thực sự đáp ứng được nhu cầu người dân”.
Đẩy mạnh tuyên truyền trước khi xử phạt
Ông Nguyễn Văn Ân, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, cho rằng: “Hiện nay không nhiều người dân biết đến những quy định, hình thức xử phạt theo Nghị định 155. Hướng đến một đô thị văn minh, sạch đẹp thì cần áp dụng những quy định theo nghị định này càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, các cấp cần nghiên cứu xây dựng, bố trí các nhà vệ sinh một cách hợp lý. Sau đó là đẩy mạnh tuyên truyền, rồi mới mạnh tay xử lý những trường hợp cố tình vi phạm” .
Theo bà Văn Nguyệt Ánh, hình ảnh những tài xế xe tải, xe ôm tè bậy ở ngã ba, ngã tư đường đã không còn xa lạ gì. Có nhiều nguyên nhân khiến họ tè bậy một cách lộ liễu, thiếu văn minh. Đó là, những khu vực này không có nhà vệ sinh công cộng. Thứ hai, ý thức quá kém. Họ đã quen với việc này và xem thường người khác. “Tôi nghĩ nếu khi đến một khu vực nào mà không có nhà vệ sinh công cộng, chúng ta có thể vào một quán nước ven đường để đi nhờ chứ không phải đứng đâu cũng tè. Vì thế, ý thức là quan trọng nhất, nên việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cần được chú trọng, qua những lần họp dân ở khu phố, tổ dân phố về việc giữ vệ sinh chung cũng như những quy định, xử phạt theo Nghị định 155 là hết sức cần thiết. Khi xử phạt một người tiểu bậy, vứt rác ra khu vực công cộng, người thi hành phải bắt quả tang, nếu không, phải có hình ảnh để chứng minh. Việc này tuy hơi khó, nhưng không phải là không có cách. Hiện tại trên địa bàn phường Phú Cường đã gắn được 9 điểm camera ở các nơi công cộng nhằm thuận tiện theo dõi. Qua những hình ảnh camera lưu lại, chúng ta có thể xử phạt. Bên cạnh đó việc dựa vào người dân để phát hiện cũng rất hay. Bây giờ ai mà chẳng có điện thoại cầm tay, khi phát hiện tiểu bậy, họ quay lại rồi gửi cho cơ quan chức năng. Việc làm này sẽ được trích thưởng như một vài địa phương trong tỉnh đã làm trong việc quản lý rác thải…”, bà Ánh cho biết.
Những cơ quan, lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:
Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng. Trạm trưởng, đội trưởng Công an nhân dân có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1.500.000 đồng. Trưởng công an cấp xã, Trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 2.500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2.500.000 đồng. Trưởng công an cấp huyện; Trưởng phòng công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát môi trường và Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25.000.000 đồng...
QUANG TÁM