Nhà văn Sơn Nam: Gắn bó cùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương

Thứ sáu, ngày 13/08/2010

Ai cũng biết Sơn Nam là nhà văn Nam bộ tài năng, danh tiếng, được nhiều người mến mộ, ông lại gắn bó gần trọn cuộc đời viết văn của mình ở đất Sài Gòn - TP.HCM, ông còn là hội viên gạo cội của Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố cũng như Hội Văn học Nghệ thuật cả nước. Thế mà, chẳng hiểu vì lẽ gì nhà văn lại chọn (hoặc được chọn) vùng đất Bình Dương làm nơi an nghỉ cuối cùng (nghĩa trang này cách TP.HCM hơn 50km)?

Ngày 13-8-2010 là ngày giỗ lần thứ hai của nhà văn, nhưng câu hỏi nêu trên không phải ai cũng đã có được câu trả lời thật rõ ràng tường tận.

Sinh thời Sơn Nam ít làm thơ, nhưng ông lại có một bài thơ rất hay (không đề) dùng làm đề tài cho tập truyện nổi tiếng “Hương rừng Cà Mau” (NXB 1962) của mình:

“Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”

Hai câu thơ trên không chỉ hay mà còn diễn đạt thật đầy đủ phong cách sống dày dạn phong trần và ưa thích sự xê dịch, rong ruỗi đó đây nhưng lòng nhà văn vẫn luôn hướng về quê hương cố thổ. Vậy mà, lạ thay khi ông đã dừng bước “phong sương”, “hạt bụi không nghiêng mình nhớ đất quê mà du cư về Bến Cát”.

Phải chăng ở đây như có một mối liên hệ vô hình: giữa hồn đất với tình người, giữa tình đất với lòng người...

Bình Dương là vùng đất kế cận Sài Gòn lại giàu truyền thống văn hóa lịch sử, ngành nghề thủ công, mỹ nghệ, hẳn là nơi nhà văn thường lui tới thăm viếng tìm hiểu và ở đây đã trở thành là nơi khá quen thuộc với nhà văn. Qua nhiều bài viết, công trình nhà văn đã để lại nhiều dấu ấn cho vùng đất này, cũng như con người và vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương đã hiện ra khá rõ nét trong một số bài viết, tác phẩm của Sơn Nam.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, nhà văn Sơn Nam đã trực tiếp tham gia vào ban biên soạn địa chí tỉnh Sông Bé (xuất bản 1991). Ông đảm nhận viết phần “Truyền thống văn hóa” của địa phương này (dày gần 70 trang sách) với nội dung, sử liệu khá phong phú. Trong một chuyên luận, ông đã viết: “Bình Dương với trung tâm là Lái Thiêu có lẽ đứng đầu phía Nam về số lượng đồ gốm (...) Nghề mộc một thời khiến cho Bình Dương nổi danh cả phía Nam (...) và sơn mài là thế mạnh có truyền thống của Bình Dương... một thời đã có uy tín lớn, xuất khẩu sang châu Âu”. Ông cũng đề nghị nên thành lập tại Bình Dương “một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc gỗ”, vì nơi đây còn khá nhiều di sản quý của bộ môn nghệ thuật này (được lưu giữ ở nhiều ngôi nhà cổ và đình, chùa). Phải là người hết lòng yêu mến vùng đất này mới dày công tìm hiểu và đã hiểu biết một cách cặn kẽ như thế.

Qua giao tiếp tìm hiểu về nét sinh hoạt văn hóa, ngành nghề tại vùng này, Sơn Nam đã đưa ra một số nhận xét khái quát về người Bình Dương: “Lướt qua các ngành nghề xưa đã cho thấy người Bình Dương rất năng động (...) lanh lẹ, bặt thiệp (...) Khó phân biệt được người tỉnh lẻ với người đô thị” (Sài Gòn).

Ngôi mộ nhà văn Sơn Nam (tại ấp 1B xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương) tọa lạc ở một vị trí đắt địa hàng đầu khu trung tâm nghĩa trang, nghe đâu toàn bộ chi phí lên đến hàng tỷ bạc VNĐ. Về thiết kế, ngôi mộ được xây dựng một cách đơn giản mỹ thuật và khá độc đáo hợp với tính cách nhà văn. Toàn bộ đá xây dựng được mua từ Bình Định về và được xử lý một cách công phu. Trên phần bia, bên cạnh chữ “Sơn Nam 1926-2008” khuôn mặt nhà văn được khắc nổi theo hình mẫu in trên một tờ báo chụp khi nhà văn đang đi thực thế, vai còn mang chiếc ba lô. Bên ngoài phần mộ có ghi hai câu thơ trích từ bài thơ không đề nổi tiếng đã nói trên. Bên trái ghi câu “Phong sương mấy độ qua đường phố”. Bên phải câu: “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

Và, với người Bình Dương, vào lúc này nếu nhà văn còn sống và có thể nói thêm một điều gì... thì chắc rằng ông sẽ vui vẻ nghĩ rằng: “Người Bình Dương sống nhiều tình nghĩa và đất Bình Dương luôn mến mộ tài năng”. Nhất là tài năng của một nhà văn Nam bộ xuất sắc bình dị và rất gần gũi như nhà văn, nhà văn hóa Sơn Nam của chúng ta.

NGUYỄN HIẾU HỌC