Nhà trẻ trong các doanh nghiệp: Nhu cầu bức thiết

Thứ năm, ngày 09/12/2010

Để đối phó với tình trạng quá tải tại các trường công lập thì việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng chăm lo cho giáo dục (GD) và việc mở rộng hệ thống các trường ngoài công lập là vấn đề hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với hình thức xã hội hóa GD này, nhất là ở bậc học mầm non (MN) đang dần bộc lộ rất nhiều bất cập. Trong xu hướng tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất như hiện nay, thiết nghĩ việc các công ty, xí nghiệp chủ động đầu tư phát triển các nhóm giữ trẻ, trường MN ngay tại đơn vị là một hướng đi tốt và cần thiết để hỗ trợ cho công nhân (CN) an tâm làm việc và như một chính sách phúc lợi cho người lao động.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, mỗi năm trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 5.000 trẻ MN, mẫu giáo. Với số lượng trẻ tăng đến chóng mặt như thế thì trường công lập không thể đáp ứng được nhu cầu giữ trẻ, mà chỉ ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi. Hiện tại, toàn tỉnh có 265 cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập được cấp phép; ngoài ra còn có 157 cơ sở ngoài công lập chưa được cấp phép, trong đó có cả nhóm trẻ gia đình. Song trên thực tế số cơ sở chưa được cấp phép còn khá nhiều mà các địa phương chưa nắm rõ, vì những cơ sở giữ trẻ dạng gia đình nằm len lỏi khắp nơi, thậm chí những người ở trọ cũng nhận giữ trẻ. Với một lực lượng lao động nhập cư đông đúc, thu nhập không cao, trong khi các trường MN công lập lại ngày càng quá tải thì việc họ phải chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con, ngay cả việc phải gửi con vào các trường hoặc các nhóm trẻ gia đình hoạt động “chui” cũng là điều tất yếu.

 

Các cháu trường Mầm non Hướng Dương (Bến Cát) được học tập, vui chơi trong ngôi trường đã đạt chuẩn quốc gia

Theo quy định, các nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo, MN tư thục do các trường mẫu giáo, MN công lập ở địa phương trực tiếp chỉ đạo, quản lý chuyên môn, cũng như theo dõi, kiểm tra nắm tình hình, báo cáo và tham mưu biện pháp xử lý đối với cấp lãnh đạo địa phương. Quy định là vậy, nhưng thực tế thời gian qua, công tác kiểm tra quản lý chưa được thực hiện chặt chẽ. Những cơ sở vi phạm, bị nhắc nhở nhiều lần, nhưng địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý. Chính vì lý do đó mà các cơ sở GDMN dù chưa có giấy phép vẫn cứ ngang nhiên hoạt động. Vụ bé Hồ Thị Thúy Ngân bị bảo mẫu Trần Thị Phụng tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An hành hạ, đánh đập trong suốt một thời gian dài vừa qua khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ. Đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh trước những nhóm trẻ hoạt động không phép. Rất may là sau những vụ việc như vậy, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tuy nhiên, xã hội không thể không đặt câu hỏi còn có bao nhiêu trẻ em bị bạo hành trong các nhà trẻ tư như vậy nữa? Tại Bình Dương, trong khi các KCN, các nhà máy, công xưởng mọc lên ngày càng nhiều thì nhà trẻ cho con em CN lại không được đầu tư và quan tâm thích đáng. Trên thực tế, nhà trẻ cho con em CN tại KCN đã được đưa ra bàn nhiều. Nhưng tình trạng thiếu nhà trẻ cho các KCN vẫn cứ đang diễn ra. Các gia đình CN trẻ với đồng lương eo hẹp vẫn phải nơm nớp gửi con em mình vào những nhà trẻ tư nhân mà không biết có an toàn hay không? Thêm một nghịch lý là phụ nữ chỉ được nghỉ hộ sản 4 tháng, trong khi không có cơ sở giữ trẻ ở độ tuổi này. Bình Dương có tỷ lệ CN, đặc biệt là CN nữ rất đông và số chị em lập gia đình mỗi năm tăng, nên tình trạng thiếu cơ sở giữ trẻ cho con CN ngày càng trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, luật không có quy định buộc doanh nghiệp tại địa phương phải lo đầu tư cơ sở GD cho con em CN. Thêm vào đó, phần lớn các doanh nghiệp cũng không chú trọng việc đầu tư cơ sở GD cho con em CN của họ.

Quan tâm chăm lo cho người lao động về mọi mặt, tháng 6 vừa qua, Công ty Yazaki EDS Việt Nam đầu tư một nhà trẻ ở Mỹ Phước (Bến Cát) để phục vụ nhu cầu gửi con của CN. Nhà trẻ có diện tích 1.687,7m2, trong đó diện tích xây dựng là 806m2, gồm có 3 phòng học và một số phòng chức năng khác. Nhà trẻ có khả năng nhận 200 cháu từ 4 tháng tuổi trở lên, chia làm 2 ca theo ca làm việc ở nhà máy Mỹ Phước. Hiện nhà trẻ đã thu nhận được 175 cháu. Việc đưa vào hoạt động nhà trẻ Mỹ Phước tạo điều kiện cho công nhân an tâm công tác, giúp công ty bình ổn lao động, đồng thời góp phần đa dạng hóa mô hình “xã hội - giáo dục trong KCN”. Đây là một cách làm tốt của Công ty Yazaki, nhằm hỗ trợ cho CN an tâm làm việc và như một chính sách phúc lợi cho người lao động. Thế nhưng, số công ty đầu tư xây dựng nhà trẻ cho con em CN như Công ty Yazaki không nhiều. Trong xu hướng ngày càng có nhiều KCN, khu chế xuất tập trung trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ việc đầu tư phát triển mới các nhà trẻ, trường MN thông qua kênh xã hội hóa là một hướng đi tốt và cần thiết. Mỗi khu chế xuất, KCN nên có các nhà trẻ, lớp MN cho con em công nhân. Với mặt bằng có sẵn, người trông trẻ không thiếu khi có một lực lượng lớn CN nữ. Và với quy mô đầu tư không lớn lắm và cách tổ chức bài bản với sự hỗ trợ về nghiệp vụ của ngành GD, chắc chắn việc nuôi dạy các cháu tại đây sẽ ngày càng tốt hơn góp phần vào sự phát triển bền vững chung của doanh nghiệp và của cả tỉnh.

H.THÁI - N.THANH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Tỉnh đồng tình chủ trương xây dựng nhà trẻ trong KCN

Do tăng lao động cơ học quá nhanh, nên hệ thống GD công lập trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của con em người lao động, nhất là ở MN. Vì vậy hệ thống tư thục phát triển để đáp ứng nhu cầu này. Nhưng bất cập là việc tổ chức hoạt động không bài bản, không căn cơ về quy định, nên đã xảy ra trường hợp trẻ bị bạo hành đáng tiếc như vừa qua. Trước tình hình đó, tỉnh tập trung chỉ đạo, giao chính quyền địa phương kiểm tra nơi nào đủ điều kiện thì cấp phép, nơi nào chưa đủ thì cho thời gian khắc phục, nếu không đáp ứng yêu cầu thì kiên quyết đóng cửa. Và tôi cũng xin nói thêm, đó chỉ là những khó khăn trước mắt, cần phải có thời gian để khắc phục, về lâu dài tỉnh có tính đến hướng giải quyết.

Qua vụ bảo mẫu Phụng, vừa qua, doanh nghiệp có đề nghị tỉnh xem xét tạo điều kiện để có nhà trẻ mẫu giáo trong KCN, cụm CN để tạo sự an tâm cho người lao động có nơi gửi con em. Tỉnh đồng tình với đề nghị này, khuyến khích bố trí các dự án, các khu dân cư, KCN, chủ đầu tư dành quỹ đất để xây dựng cơ sở GD. Hiện nay nhiều nơi muốn làm nhưng do vướng cơ chế chính sách như giao đất, xây dựng... Vì thế, trong quá trình triển khai, trong thẩm quyền thì tỉnh quyết, nếu vượt thẩm quyền tỉnh sẽ đề nghị lên Chính phủ.

Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Thế Phương: Từng doanh nghiệp nên dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ

Qua điều tra, năm học này toàn tỉnh có trên 50.000 cháu MN - mẫu giáo, trong khi đó hệ thống trường công lập chỉ đủ đáp ứng 20% nhu cầu. Nhóm trẻ gia đình tự phát ra đời xuất phát từ thực tế nhu cầu gửi con em của người lao động. Chính quyền địa phương giữ vai trò đầu mối trong quản lý, tuy nhiên hiện nay công tác quản lý vẫn còn những khó khăn nhất định. Nhưng nếu không duy trì hoạt động của những cơ sở này thì gây khó khăn cho CN vì không có nơi gửi con em, trong khi đó công ty chưa tổ chức được việc giữ trẻ, từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp. Nếu như địa phương quản lý chặt, khi phát hiện cơ sở chưa đủ điều kiện phải mời họ đến làm cam kết; giao trường mẫu giáo công lập phổ biến cho chủ cơ sở luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, hướng dẫn các thủ tục cần thiết để đủ điều kiện được cấp phép, đưa hoạt động đi vào nề nếp.

Ở góc độ của ngành, trước mắt phòng GD tham mưu UBND huyện thị có văn bản chỉ đạo xã, phường nhanh chóng điều tra cơ sở ngoài công lập cả có phép và không phép. Phổ biến cho người chăm sóc cháu những nội dung: Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, những nghiệp vụ cơ bản về chăm sóc trẻ để bảo đảm sự an toàn cho trẻ. Bên cạnh việc quản lý phải có kế hoạch phát triển cơ sở công lập, song song với xã hội hóa, vận động từng doanh nghiệp dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ cho con em người lao động. Dứt khoát từng KCN phải có cơ sở giáo dục MN. Việc này ngành đã đề nghị nhiều lần, nhưng do cơ chế nên việc thực hiện còn khó khăn.

CN Lê Thị Thủy, phường Phú Hòa, TX.TDM: Nếu như công ty có nơi giữ trẻ, tôi đã không nghỉ việc

Vợ chồng tôi từ ngoài Bắc vào Bình Dương làm việc. Trước đây tôi là CN của một công ty giày. Sau khi sinh con được 4 tháng tôi phải nghỉ việc ở nhà trông con, vì không tìm được nơi gửi con. Trường Nhà nước thì không giữ trẻ 4 tháng tuổi, mà dân nhập cư như tôi thì cũng khó mà có cơ hội vào được. Hiện nay cuộc sống gia đình tôi gặp khó khăn, tôi phải đi bán hàng rong kiếm thêm chút ít để chồng tôi bớt vất vả hơn. Bạn tôi, nhiều người có con nhỏ, có người về quê sinh sống hoặc gửi con về cho nội, ngoại nuôi. Tôi nghĩ, nếu các công ty có tổ chức giữ trẻ như một số công ty cao su đã làm, thì CN chúng tôi đỡ vất vả hơn, chúng tôi yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với Bình Dương.