Nhà trẻ cho con công nhân lao động: Cần có thêm lời giải

Thứ ba, ngày 22/10/2019

(BDO)

Giờ ra chơi của các bé là con CNLĐ ở trường Mầm non 28-7, Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Ảnh: THU THẢO

Nhu cầu thiết thực

Vừa qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tiến hành khảo sát ở 40 doanh nghiệp (DN) có trên 3.000 lao động để nắm bắt nhu cầu cần nơi gửi con của CNLĐ; đồng thời tìm hiểu về điều kiện, sự thiện chí của các DN cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng nhà trẻ cho con CNLĐ tại DN. Qua đó đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền những chủ trương, chính sách để giải quyết nhu cầu gửi trẻ cho con CNLĐ phù hợp với thực tiễn.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết kết quả khảo sát cho thấy có 50% CNLĐ cho rằng việc xây dựng nhà trẻ tại DN hoặc gần DN là cần thiết và 90% CNLĐ có con trong độ tuổi mầm non mong muốn được gửi con tại DN hoặc gần DN. Trong khi đó, 70% DN cho biết có nhu cầu hoặc đề xuất các ngành, các cấp cần phải xây dựng nhà trẻ phục vụ con CNLĐ tại DN hoặc gần DN phù hợp với điều kiện thực tế và thời gian, khoảng cách đi lại của CNLĐ; số còn lại gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất sang đất làm trường học; có DN thì có kinh phí xây trường nhưng không có quỹ đất...

Bà Trương Thị Bích Hạnh chia sẻ, thực tế con số thống kê khiến mọi người phải suy nghĩ, đó là toàn tỉnh hiện có khoảng 300.000 cháu là con CNLĐ và mỗi năm tăng trên 10.000 cháu ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo. Nhưng chỉ có 42% cháu được học tại các trường mầm non cả công lập và ngoài công lập. Vì vậy, việc đăng ký nơi gửi trẻ uy tín đối với CNLĐ là rất khó khăn. Ngoài ra, khoảng cách đi lại, thời gian gửi trẻ ở các trường công lập chưa phù hợp với điều kiện của CNLĐ. Vì vậy, CNLĐ đành phải gửi con cho các lớp mẫu giáo độc lập tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình. Đó chính là băn khoăn của CNLĐ.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 DN xây dựng nhà trẻ phục vụ con CNLĐ tại DN có đăng ký và được cấp phép hoạt động với tổng số 1.810 em. Trong đó, có 5 DN có trên 3.000 lao động đã xây dựng được nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ, gồm Công ty Shang Hung Cheng, Hài Mỹ, Yazaki EDS VN, Chí Hùng và Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương. Tất cả đều được xây dựng trên quỹ đất của DN. Đây là mô hình đã và đang hoạt động hiệu quả dưới hình thức xã hội hóa, xuất phát từ thiện chí của chủ DN. Bởi, phần lớn do DN đầu tư kinh phí xây dựng và hỗ trợ chi phí quỹ lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Anh Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, chia sẻ: “Việc xây dựng nhà trẻ tại DN đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của CNLĐ về thời gian, khoảng cách đi lại và cả các khoản đóng góp của phụ huynh. Vì vậy, CNLĐ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với DN”. Còn anh Mai Phú Hùng, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty Yazaki EDS VN, cho biết từ khi nhà trẻ đi vào hoạt động đã góp phần cải thiện thu nhập cho nhân viên, vì có thời gian để làm thêm giờ, người lao động yên tâm chăm lo sản xuất. Đồng thời, điều này giúp giảm bớt một phần gánh nặng về kinh tế gia đình do gửi trẻ không tốn chi phí; giảm bớt chi tiêu về việc mua thêm sữa ngoài; tăng tỷ lệ đi làm của nhân viên, vì các cháu bé ít bị bệnh hơn do có sức đề kháng từ nguồn sữa mẹ và tránh được nạn bạo hành trong trẻ...

Tuy nhiên, số lượng DN xây dựng nhà trẻ cho CNLĐ vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của con CNLĐ. Trong khi đó, khi DN xây dựng trường cho con CNLĐ cũng còn gặp những khó khăn. Bà Trương Thị Bích Hạnh cho biết: “DN thực hiện các chính sách xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, DN đã đầu tư trường lớp phục vụ cho CNLĐ nhưng không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, phải thuê một công ty trung gian quản lý hoạt động làm tăng thêm chi phí cho DN. Nhà đầu tư khó tiếp cận các nguồn chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển trường lớp do vướng về thủ tục. Chưa kể, để xây dựng trường phải chuyển đất sang mục đích xây dựng công trình sự nghiệp...”.

Ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TX.Tân Uyên, chia sẻ: “Nhu cầu xây dựng nhà trẻ tại DN là rất thiết thực. Tuy nhiên, ngoài các rào cản về mặt chính sách, việc xây dựng nhà trẻ tại DN còn gặp những vướng mắc, bởi DN sản xuất đều có các chỉ số tác động môi trường. Trong môi trường đó, CNLĐ còn có người mắc bệnh nghề nghiệp, huống chi là trẻ em. Chúng ta, ai cũng cần phải có một môi trường tốt để phát triển. Đó cũng là những khó khăn...”.

 “Sau khi tiến hành khảo sát, LĐLĐ tỉnh đã có đề xuất, kiến nghị với các mô hình nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ. Có thể nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ sẽ được xây dựng liền kề khu, cụm công nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách; bằng đất, vốn DN; vốn DN, đất Nhà nước; bằng nguồn vốn xã hội hóa; hoặc mô hình công đoàn xây dựng trường cho con đoàn viên công đoàn, CNLĐ. Còn về chính sách thì tỉnh cho phép bố trí ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng, giao đất “sạch” để xây dựng trường mầm non đã có trong quy hoạch; ban hành chính sách của địa phương để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mẫu giáo độc lập tư thục tại khu, cụm công nghiệp như hỗ trợ đồ chơi, đồ dùng học tập, học liệu; hỗ trợ tiền làm thừa giờ, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non công lập tham gia hỗ trợ chuyên môn, quản lý cho nhà trẻ, mẫu giáo độc lập tư thục...”.
(Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)

THU THẢO