Nhà ở xã hội: Lời giải cho mong ước “an cư lạc nghiệp”?

Thứ tư, ngày 27/07/2011

Trừ một số ít lao động (LĐ) thu nhập cao, có khả năng mua hoặc thuê được nhà ở có đủ điều kiện về sinh hoạt, còn lại phần lớn số LĐ ngoài tỉnh đến Bình Dương làm việc đều phải tự thuê mướn nhà trọ. Các nhà trọ tư nhân cho thuê với giá mà người LĐ chấp nhận được phần lớn đều không bảo đảm các điều kiện cơ bản tối thiểu về nhà ở như diện tích, vệ sinh, môi trường, ánh sáng, nhiệt độ... Chính vì vậy, để chủ trương xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần phải có những cơ chế hỗ trợ giá cả, xác định đối tượng thuê và mua nhà phù hợp.

Đa dạng hóa các loại hình nhà ở cho người lao động

Đến nay, Bình Dương đã thu hút hơn 700.000 LĐ, trong đó hơn 70% là LĐ ngoài tỉnh; nhu cầu tuyển dụng LĐ hàng năm ở Bình Dương từ 40.000 - 50.000 LĐ. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Nhà nước đã thu hẹp đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp nên có một bộ phận LĐ từ nông thôn lên thành thị lập nghiệp chưa thích nghi với điều kiện, môi trường sinh hoạt. Họ cũng không muốn ở trong khu chung cư cao tầng mà chỉ tập trung ở những nhà dân gần các KCN, vì giá ở đây rẻ và ra vào dễ dàng không bị ràng buộc bởi sự quản lý. Thực tế, cũng có một số DN xây dựng phòng trọ cho người LĐ, nhưng chưa ở hết, do người LĐ muốn ở ngoài để tiện sinh hoạt, nghỉ ngơi và đi về thoải mái, không phải thực hiện như: nấu ăn phải đúng quy định, có khách phải bảo đảm quy định mới được vào... Bình Dương cũng đã đề ra các giải pháp, phù hợp để bảo đảm vệ sinh môi trường ở các khu nhà trọ; khuyến khích tư nhân, DN xây dựng nhà ở cho công nhân bảo đảm tiêu chuẩn về điều kiện tối thiểu của nhà ở cho người LĐ thuê để ở.

 

Đăng ký ở chung cư công nhân tại Công ty TNHH Một thành viên May mặc Bình Dương

Tại Bình Dương nhu cầu về nhà ở, nhà lưu trú của công nhân thì rất lớn, nhưng sự đáp ứng trong thực tế thì còn rất khiêm tốn. Những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tạo lập nhà ở. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số đối tượng xã hội như học sinh, sinh viên các trường đại học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; công nhân làm việc tại các KCN tập trung, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp còn gặp rất nhiều khó khăn về nhà ở. Quỹ nhà ở Bình Dương tuy có tăng nhưng hầu như chỉ cải thiện cho các đối tượng có thu nhập trung bình và cao, các hộ gia đình khá giả. Vì vậy, việc xây dựng quy hoạch và phát triển KCN phải gắn liền với khu lưu trú cho công nhân đang làm việc trong các DN là rất cần thiết, nhưng hiện nay sự phát triển KCN kéo theo sự bùng phát các khu dân cư chung quanh KCN, để đáp ứng nhu cầu dịch vụ phục vụ đời sống người LĐ. Mặt khác, nếu người LĐ có khu lưu trú gần nơi làm việc cũng bảo đảm được giờ giấc, giải quyết tình trạng kẹt xe trên một số tuyến đường và giúp người LĐ có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức LĐ.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng để phục vụ nhà ở cho công nhân các khu, cụm công nghiệp tập trung với thực tế đang diễn ra là số khu nhà trọ dành cho người LĐ do nhân dân tự xây dựng chất lượng thấp rất phổ biến, chủ yếu là nhà xây cất tạm thời, nhà cấp 4, thậm chí có nhiều nhóm nhà trọ tạm bợ, với diện tích bình quân từ 8m2 đến 12m2 cho hai đến ba người ở với giá thuê từ 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Qua khảo sát điều tra, có 42% nhóm nhà trọ không bảo đảm về tiêu chuẩn diện tích, tiêu chuẩn xây dựng; hơn 20% không bảo đảm về tiêu chuẩn an toàn và phòng cháy chữa cháy; các nhóm nhà ở này thường xây dựng trong các hẻm nhỏ nên không bảo đảm về thoát nạn, thoát hiểm, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Điều kiện sống của công nhân trong các nhóm nhà trọ này không bảo đảm sức khỏe; cơ sở hạ tầng thiếu thốn, thiếu ánh sáng, thông thoáng, diện tích giao thông, cây xanh, hạ tầng xã hội, diện tích vui chơi, không đạt các điều kiện tối thiểu.

Năm 2015 giải quyết được 50 % nhu cầu

Dự báo đến năm 2015,  nhu cầu về nhà ở công nhân LĐ tại các KCN là 300.000 người. Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang: số lượng có nhu cầu về NƠXH là 7.000 người. Các cơ sở đào tạo: có nhu cầu về ký túc xá sinh viên khoảng 10.000 người. Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: tỷ lệ dân số thu nhập thấp trên địa bàn đô thị Nam Bình Dương là 10% (120.000 người, tương đương 30.000 hộ).

Về nhà ở cho công nhân LĐ tại các KCN với số lượng 300.000 công nhân có nhu cầu, phấn đấu đến năm 2015 Bình Dương giải quyết được 50% nhu cầu là 150.000 người. Đối với nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị với số lượng 120.000 người, tương đương 30.000 hộ có nhu cầu về nhà ở, phấn đấu năm 2015 giải quyết được 50% nhu cầu là 60.000 người, tương đương 15.000 hộ. Do vậy, cần xác định cơ chế, chủ trương rõ ràng hơn về chủ trương nhà cho người thu nhập thấp. Thực tế cho thấy, nếu DN đầu tư xây nhà bán (hoặc cho thuê) cho đối tượng là người nghèo sẽ “khó ăn” hơn xây nhà “đúng chuẩn” để bán cho những người có thu nhập cao.

Mặc dù chủ trương của Bình Dương trong những năm qua đã có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Bằng các hình thức thí điểm dự án nhưng phương thức giải quyết nhà ở cho đối tượng này lại phải thu hồi vốn kéo dài trong nhiều năm; do thu nhập của người công nhân còn thấp, giá đất ngày càng tăng cao nên chỉ có DN Nhà nước đầu tư làm việc này theo trách nhiệm được giao chứ các DN kinh doanh về nhà chủ yếu thu lợi nhuận nên  không mặn mà với loại dự án này. Loại hình nhà ở cho người thu nhập thấp không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, chủ yếu mang tính phúc lợi xã hội là chính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: NƠXH đang khó khăn về nguồn vốn

NƠXH dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân LĐ... là chủ trương xã hội hóa Nhà nước, DN, cùng nhân dân xây dựng và có những chính sách miễn giảm. Tuy nhiên, NƠXH đang khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên dù nhu cầu rất lớn nhưng khả năng Nhà nước có hạn. Do đó, nên xây dựng NƠXH đa dạng hóa loại hình sở hữu như: bán trả một lần, nhiều lần hoặc cho thuê. Phó Chủ tịch dẫn chứng một công nhân có 100 triệu đồng để mua một miếng đất nhưng khó mà xây dựng được nhà để ở, nhưng nếu căn hộ NƠXH có giá cao hơn chút đỉnh (khoảng hơn 150 triệu đồng) thì người công nhân dễ có cơ hội và điều kiện mua căn hộ. Hiện nay đã có quy định cụ thể cho chủ nhà trọ xây dựng tối thiểu 1 căn hộ/1 đầu người. Do vậy, những nhà trọ có đủ điều kiện theo quy định thì tạo mọi thuận lợi cho chủ nhà trọ vay vốn để xây nhà cho công nhân. Đây cũng là lực lượng góp phần vào xã hội hóa nhà ở.

 Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) Lý Hùng: Tạo quỹ đất sạch để doanh nghiệp xây NƠXH

Khi kêu gọi đầu tư, có một số DN xây nhà chung cư dành cho công nhân xong đang trong tình trạng bỏ hoang. Chẳng hạn có DN trong KCN VSIP đã đầu tư một khu chung cư giá rẻ khá hiện đại, đáp ứng chỗ ở cho hơn 600 hộ gia đình công nhân làm việc trong KCN. Tuy nhiên, đến nay chỉ có gần 100 hộ đăng ký đến ở, phần còn lại đang bỏ trống. Nguyên nhân do cách quản lý ràng buộc như: Không được tiếp khách trong phòng, người thân đến không được ngủ lại... Đặt trường hợp những KCN tập trung lớn nếu có điều kiện thì Nhà nước cần tạo quỹ đất sạch để kêu gọi các DN xây NƠXH nhưng phải gần DN để công nhân thuận tiện đi lại, bảo đảm được giờ giấc làm việc, giải quyết tình trạng kẹt xe trên một số tuyến đường chính và giúp người lao động có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Phú Cường: Tiếp tục kiến nghị các dự án nhà ở cho công nhân ngoài các KCN cũng được hưởng chính sách

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Xây dựng đang tham mưu lập chương trình phát triển NƠXH theo hướng đô thị hóa tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, theo đó sẽ xác định các giải pháp về quy hoạch, thiết kế, lập dự án NƠXH, giải pháp về tạo quỹ đất đã giải phóng mặt bằng có hạ tầng kỹ thuật, giải pháp các cơ chế chính sách, ưu đãi các loại để thu hút, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng NƠXH theo hướng xã hội hóa để tăng quỹ NƠXH trong giai đoạn 2011-2015. Tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép các dự án nhà ở cho công nhân ngoài các KCN cũng được hưởng chính sách như nhà ở công nhân trong KCN, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực ven đô thị, KCN cũng được hưởng chính sách như khu vực trong đô thị.

 

TƯỜNG VY