Nhà máy nước Chơn Thành: Công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Bình Dương - Bình Phước

Thứ năm, ngày 15/12/2016

Công trình Nhà máy nước Chơn Thành (Bình Phước) do Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) làm chủ đầu tư đã mang đến cho người dân nơi đây nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, nhà đầu tư trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex Bình Phước và các khu công nghiệp lân cận có đủ nước sạch để sản xuất. Nhờ năng lực, kinh nghiệm và sự hỗ trợ tận tình của các ngành, các cấp, công trình đã hoàn thành sau 12 tháng kể từ ngày khởi công.

(BDO)

 Quang cảnh Nhà máy nước Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: DUY CHÍ

 Giàu kinh nghiệm, vẫn chưa đủ!

Nhà máy nước Chơn Thành là hiện thân của tình anh em ruột thịt giữa 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Công trình do Biwase làm chủ đầu tư nhằm đáp ứng lòng mong đợi của người dân địa phương, các nhà đầu tư trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex Bình Phước và các khu công nghiệp lân cận. Thực hiện công trình, lãnh đạo, kỹ sư và công nhân tham gia công trình đều đem hết khả năng, lòng nhiệt huyết, kinh nghiệm để hoàn thành đúng tiến độ, thiết kế và yêu cầu chất lượng.

Hôm nay (16-12), Nhà máy nước Chơn Thành được khách thành và đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Nguồn nước sạch từ nhà máy tỏa đến từng hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp, góp phần cùng Bình Phước tiến lên giàu mạnh trong tương lai.

Bà Hoàng Thị Bình, ngụ tổ 5, ấp Hưng Mỹ, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết: “Người dân ở đây rất cần nước sạch. Khi có trời mưa tưởng là tốt, nhưng mưa nước tràn ngập các miệng giếng khiến cho việc lấy nước ăn uống, sinh hoạt của người dân ở đây rất khó khăn. Còn vào mùa nắng thì nước rút đi hết, giếng phải đào, khoan rất sâu tốn kém lắm. Gia đình tôi đã đào 5 cái giếng rồi mà đến mùa khô vẫn không có nước”.

Khi xây dựng Nhà máy nước Chơn Thành, đơn vị thi công cũng gặp không ít khó khăn do nền đất yếu, lại thi công vào mùa mưa, phương tiện cơ giới di chuyển đất, đá, vật liệu xây dựng ra vào nhiều gây bùn lầy ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Kỹ sư Hồ Hữu Hoàng Nam, Đội trưởng Đội xây lắp - cấp nước Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex Bình Phước cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, khi đào đắp xây dựng lại trúng ngay mạch nước ngầm nên anh em phải dầm mình trong nước để xử lý, khắc phục nhằm sớm đưa máy móc thiết bị vào nhà máy lắp đặt, vận hành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Song song với việc xây dựng nhà máy là trạm bơm cấp I, lấy nước từ kênh Phước Hòa đưa về nhà máy xử lý; phạm vi công trường là 100km. Trong đó, đường ống chính từ 90mm đến 800mm là gần 100km phải vượt qua nhiều con suối, trục đường, đường quốc lộ. Kỹ sư Phạm Văn Thái, cán bộ kỹ thuật thi công Nhà máy nước Chơn Thành chia sẻ, nếu không ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào thi công thì việc đào đường, đặt ống, hoàn trả mặt bằng sẽ mất rất nhiều thời gian. Bằng kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế mạnh, Biwase đã sử dụng công nghệ khoan HDD điều hướng vô tuyến đang được các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng, kết hợp với robot khoan xuyên lòng đường, rút ống qua hàng loạt các điểm quốc lộ, giao lộ giúp đẩy nhanh thời gian thi công. Cách làm này vừa rút ngắn thời gian, an toàn lao động, bảo đảm an toàn giao thông, lại không ảnh hưởng môi trường xung quanh, nâng tuổi thọ công trình và tiết kiệm kinh phí so với cách làm truyền thống.

Theo ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Biwase, người trực tiếp chỉ đạo thi công công trình, nói Biwase giàu kinh nghiệm, mạnh về thi công nên hoàn thành công trình lớn như vậy chỉ trong 12 tháng là chưa đủ. Bởi vì công ty chỉ giỏi về chuyên môn, còn công tác dân vận, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật... phải nhờ đến sự quyết tâm, chung sức của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành liên quan; cùng với đó là sự hợp tác, đồng lòng của người dân thì Nhà máy nước Chơn Thành mới có được ngày hôm nay.

Đem niềm vui đến người dân

Có mặt cùng các đội kỹ thuật lắp đặt đường ống dẫn nước sạch vào các khu dân cư, được bà con chào đón bằng những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay ấm áp, chân tình đã làm cho cán bộ, nhân viên thi công công trình Nhà máy nước Chơn Thành như quên hết mệt nhọc, vất vả. Kỹ sư Phạm Văn Thái nói trong niềm hạnh phúc: “Với trách nhiệm được giao dù gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, địa chất nhưng anh em đã đồng cam cộng khổ, quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ. Nhà máy đã vận hành tốt, nước sạch đến với bà con chúng tôi mừng vui lắm. Càng hạnh phúc hơn khi chúng tôi được bà con chào đón, cảm ơn…” .

Gặp lại bà Hoàng Thị Bình, chúng tôi đón nhận không khí sinh hoạt của gia đình đã khác trước rất nhiều. Đang làm việc bên van nước máy trong vắt, bà Bình phấn khởi nói: “Có nước sạch kéo về tận nhà gia đình thấy sung sướng lắm, vì chỉ cần mở van là có nước, chứ không phải máy móc, hao tốn công sức gì hết. Nước đã được nhà máy làm sạch, chỉ cần mở ra là dùng, chúng tôi rất an tâm”.

Chơn Thành là vùng đất mà qua chiến tranh đã để lại nhiều thương tích. Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã dày công hàn gắn, đầu tư, xây dựng và phát triển. Bằng tình cảm anh em một nhà, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ Bình Phước xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex Bình Phước. Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase, chủ đầu tư dự án Nhà máy nước Chơn Thành tâm tình, thời gian lao động hiện nay là rất quan trọng, dù là lao động phổ thông, lao động giản đơn. Nếu mỗi ngày mất đi 1 giờ để tìm kiếm nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, chất lượng lao động, chưa kể vấn đề sức khỏe. Nước sạch đến được từng khu dân cư, từng hộ gia đình vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe vừa góp phần nâng cao thu nhập của cộng đồng. Ông Lương Hữu Đại, chủ nhà hàng - khách sạn Thảo Sơn, xã Thành Tâm thì vui mừng cho biết, được Nhà nước đầu tư đưa nước sạch về đây không chỉ người dân mà những hộ làm dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, ăn uống như ông đều rất vui mừng vì có điều kiện để phát triển dịch vụ.

 Sản phẩm sau rác của Biwase tiêu thụ mạnh trên thị trường

Ông Trần Chí Thắng, Phó Giám đốc Xí nghiệp xử lý rác thải Chánh Phú Hòa thuộc Biwase cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý khép kín rác thải đã tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích như phân bón vi sinh, vật liệu xây dựng, gạch, bê tông..., đồng thời giúp giảm giá thành xử lý, tăng nguồn thu, góp phần bảo đảm môi trường.

Các sản phẩm sau rác gồm: Phân bón Con Voi Bình Dương, gạch Con Voi Bình Dương... đang được thị trường tiêu thụ mạnh. Phân bón Con Voi Bình Dương tiêu thụ mạnh tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và Nam bộ, rất phù hợp với các loại cây thanh long, bưởi, cam quýt, cao su, cà phê, ca cao… nhờ chất lượng ổn định, nguồn gốc rõ ràng. Riêng gạch Con Voi Bình Dương đã được nhà đầu tư các công trình bờ kè kênh Nhiêu Lộc (TP.Hồ Chí Minh), khu đô thị Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một), các công trình giao thông quan trọng của tỉnh Bình Dương và Bình Phước… sử dụng nhờ giá thành cạnh tranh, chất lượng tốt.

TÔN THẤT SƠN

 DUY CHÍ