Nhà kín, nhà phố: Cảnh giác nguy cơ cháy nổ trong mùa khô
(BDO) Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu về nhà ở kết hợp làm thương mại, dịch vụ, kho hàng ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều gia đình trong tỉnh đã tận dụng khoảng không gian trước nhà để xây ki-ốt, dựng kho hàng cho thuê; còn người thuê nhà thường tận dụng nơi đây để vừa trưng bày bán hàng vừa để ở. Trong khoảng không gian chật hẹp đó, chỉ cần một sơ suất, bất cẩn nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy cơ cháy, nổ gây chết người.
Câu mắc điện tùy tiện tại một ki-ốt bán hàng trên địa bàn tỉnh được cán bộ kiểm tra an toàn PCCC phát hiện, hướng dẫn xử lý Ảnh: DUY CHÍ
Nguy cơ nhà kín
Đô thị phát triển, mật độ dân số tăng là cơ hội tốt để phát triển thương mại, dịch vụ. Nắm bắt xu thế này, nhiều gia đình trong tỉnh đã tận dụng không gian phía trước nhà để xây ki-ốt, dựng kho cho thuê. Có nơi đất rộng, chủ đầu tư còn chừa đường đi, mở thêm cửa sau nhưng hiện nay, đa số ki-ốt, nhà kho cho thuê do diện tích chật hẹp nên không có cửa sau, không có lối thoát hiểm khiến việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Có không ít khách thuê đã tận dụng ki-ốt, nhà kho vừa làm nơi trưng bày bán hàng vừa là chỗ ở cho cả gia đình. Trong không gian nhỏ hẹp đó, để bảo vệ hàng hóa, tài sản, các chủ thuê thường làm thêm nhiều ổ khóa, lắp thêm cửa bảo vệ để chống trộm đột nhập nhưng lại quên rằng khi có sự cố cháy nổ thì người bên trong công trình rất khó thoát ra ngoài.
Các công trình kiểu này được các chuyên gia về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đặt tên là công trình “nhà kín”. Nếu loại nhà này xảy ra cháy thì nguy cơ cháy lan, có người bị mắc kẹt, chết ngạt, chết cháy trong công trình rất cao.
Mới đây, tại TP.Hồ Chí Minh, một khách thuê ki-ốt đã bố trí phía trước làm tiệm cho thuê áo cưới, phía sau là nhà ở nhưng lại không có cửa sau. Đêm xuống khi cả nhà đóng cửa đi ngủ thì bất ngờ phía trước nơi trưng bày áo cưới phát cháy, cửa sắt lại khóa, ki- ốt không có cửa sau. Hậu quả, cả hai mẹ con mắc kẹt trong phòng, khi mọi người dập tắt được đám cháy mới phát hiện mẹ và con đều đã tử vong do không có lối thoát, bị ngạt khói trước đó.
Một tai nạn khác đã xảy ra tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa qua khiến 8 người trong gia đình làm nghề may salon yên xe bị chết ngạt do nhà không có cửa sau, cửa trước khóa kín bằng nhiều lớp. Khi xảy ra cháy, chất cháy là những tấm nệm mút, ximili, keo… tốc độ cháy rất nhanh với nhiều khói độc. Chỉ một người trong nhà có sức khỏe đã trổ nóc tôn thoát được ra ngoài, số người còn lại đã tử vong trước đó do không có lối thoát, bị ngạt khói.
Thực hiện nghiêm quy định về PCCC
Tại Bình Dương, trước tốc độ đô thị hóa nhanh tại các đô thị trung tâm của tỉnh như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên… hàng năm Cảnh sát PC&CC tỉnh đã mở nhiều đợt tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cứu nạn cứu hộ kết hợp ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC với các địa phương, chủ hộ kinh doanh.
Qua các đợt tuyên truyền và tiếp xúc thực tế trên, Cảnh sát PC&CC tỉnh cho biết, ngoài các chợ, trung tâm thương mại, dọc các tuyến đường trong đô thị trên địa bàn tỉnh, kể cả các hẻm nhỏ ngày càng xuất hiện nhiều ki-ốt, kho hàng xây theo kiểu nhà kín không có lối thoát nạn, không có cửa sau; hàng hóa trưng bày rất nhiều từ tạp hóa, thời trang đến tạp vật… Phần lớn các ki -ốt, cửa hàng này đều có người ở, tổ chức nấu ăn, sinh hoạt ngay phía sau nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ do ngọn lửa trần nấu ăn, nguồn điện câu mắc ngày càng nhiều dẫn đến dễ phát sinh chập điện do quá tải; trong khi đó hàng hóa bày biện che lấp các ổ cắm điện. Đã vậy, phía cửa ra vào không ít người còn lắp nhiều lớp khóa, lớp cửa. Loại cửa thường được dùng ở các ki- ốt, cửa hàng cho thuê trên địa bàn tỉnh là cửa cuốn dùng mô tơ điện, cửa sắt kéo… rồi khóa bằng nhiều lớp khóa để bảo vệ hàng hóa bên trong.
Do việc lắp đặt thiết bị, công trình phụ theo yêu cầu nên phát sinh nhiều trường hợp dở khóc dở cười. Chẳng hạn, buổi sáng khi thức dậy dọn hàng, chủ ki-ốt không mở cửa ra được mà phải đưa cây sắt dài ra nhờ người bên ngoài mở dùm cửa cuốn vì nguồn điện trong nhà bị cắt. Lý do phải làm như vậy là do vách tường ki-ốt đã xây sẵn nên khi đặt cửa cuốn phải lật ngược mô tơ cùng với hệ thống vận hành tay khi nguồn điện bị cắt ra bên ngoài. Để không vướng bận, chủ nhà đã tháo luôn hệ thống xích điều khiển khiến mỗi lần nguồn điện bị cắt thì cả nhà bị kẹt hết bên trong. Đó là những thực tế được cán bộ kiểm tra ghi nhận và làm hình ảnh nhắc nhở mọi người chú ý phòng tránh.
Theo các chuyên gia PCCC, là chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải tuân thủ các quy định về an toàn PCCC như: Phải được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về PC&CC; cơ sở phải trang bị thiết bị PCCC phù hợp như bình chữa cháy mini. Cùng với đó, việc câu mắc điện phải bảo đảm kỹ thuật: Dây dẫn phù hợp với công suất sử dụng và phải được kiểm tra bảo trì thường xuyên; không được bày hàng che chắn ổ cắm điện, không tập trung nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên một ổ cắm sẽ dẫn đến quá tải, chạm chập điện. Bên cạnh đó, chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở kinh doanh không thắp nhang, thờ cúng tại nơi trưng bày bán hàng; ngọn lửa trần, nguồn nhiệt phải được kiểm soát, quản lý, bảo vệ chặt chẽ; hàng hóa trưng bày phải bảo đảm thông thoáng, đúng cách, không lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn; hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ phải được bảo quản đúng nơi quy định.
Tại các cửa ra vào chính phải có chìa khóa dự phòng, thiết bị cắt mở khóa như kìm cộng lực, búa tạ… đề phòng các trường hợp nguy cấp không thể mở khóa thì phải phá cửa thoát ra ngoài. Trường hợp ki-ốt, công trình không có lối thoát nạn, không có cửa sau thì phải nghiên cứu thiết kế thêm lối thoát nạn lên trên mái nhà đề phòng tình huống nguy hiểm để có thể thoát ra ngoài kịp thời. Khi gặp tình huống nguy hiểm, khẩn cấp như cháy ổ điện, cháy hàng hóa trong ki-ốt, cửa hàng… trước tiên người thuê ki-ốt phải hết sức bình tĩnh, hô to Cháy, Cháy, Cháy để mọi người biết và ứng cứu; dùng phương tiện tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, chăn màn để xử lý, dập tắt đám cháy.
Các chuyên gia khẳng định, việc hô to Cháy, Cháy, Cháy cùng với nhanh chóng tổ chức đưa mọi người, trong đó có người già, trẻ em thoát khỏi đám cháy là ưu tiên số 1 của ngành PCCC và chủ thuê ki- ốt, vì thời gian thoát nạn trong đám cháy được tính bằng giây, bằng phút. Trường hợp ngọn lửa đã bốc cao, khói độc phát sinh mạnh mà vẫn còn người mắc kẹt bên trong thì những người trong nhà phải bình tĩnh sử dụng vật dụng sẵn có xung quanh như bật đèn pin trong điện thoại, dùng chăn màn, quần áo, màn cửa nhúng nước phủ lên người, che mũi để tránh khói độc gây ngất… rồi nhanh chóng thoát ra khỏi đám cháy. Không vì tiếc của mà quay trở lại, chạy vào bên trong để cứu của sẽ rất nguy hiểm. Khi phát hiện cháy, người biết phải hô to để mọi người tiếp cứu và dùng điện thoại thông báo ngay cho Cảnh sát PCCC qua số khẩn cấp 114. Gia đình, cơ sở kinh doanh có an toàn về PCCC là do chủ hộ và người đứng đầu cơ sở đó.
Các cơ sở kinh doanh karaoke bị tạm ngừng hoạt động:
Sau khi hoàn thành các thủ tục sẽ được hoạt động trở lại
Trong đợt 1, đoàn kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, tạm ngưng hoạt động 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường do không bảo đảm an toàn PCCC, chưa có thẩm duyệt thiết kế an toàn PCCC…
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm và hướng dẫn các cơ sở trên bổ sung hoàn thiện các thủ tục, yêu cầu về an toàn PCCC đúng quy định. Khi đã hoàn thành các hạng mục nêu trong biên bản, chủ cơ sở sẽ liên hệ với cơ quan Cảnh sát PCCC để được hướng dẫn hoàn thành thủ tục, nghiệm thu công trình và trở lại hoạt động.
THẤT SƠN
DUY CHÍ