Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bạch Tuyết: Hạnh phúc với nghề mình đã chọn

Thứ bảy, ngày 10/10/2015

(BDO) Những thành tích đã đạt được của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bạch Tuyết không thể kể hết, nhưng những đóng góp của cô đối với sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà thật đáng trân trọng. Hiện cô là giáo viên môn vật lý, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên)…

Ông Huỳnh Văn Nhị, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2012 cho cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết 

Thực hiện ước mơ

Những ngày còn nhỏ, ước mơ trở thành cô giáo đã ươm mầm trong tâm hồn cô học trò Nguyễn Thị Bạch Tuyết. Mỗi ngày đi học, nhìn thầy cô tận tụy với học trò sao mà cao cả, gần gũi, thân yêu quá. Điều đó làm cho cô càng thêm kính phục nghề giáo nhiều hơn. Để thực hiện ước mơ của mình, hết lớp 12 cô thi vào ngành sư phạm cấp II, chuyên ngành vật lý của tỉnh Sông Bé. Năm 1988, ra trường, cô về nhận nhiệm sở tại Phòng Giáo dục Tân Uyên, rồi được phân công về trường cấp II Tân Phước Khánh. Thời đó, dù có nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng “yêu nghề, mến trẻ” cô vừa giảng dạy các khối lớp, vừa làm chủ nhiệm, tham gia phụ đạo học sinh yếu kém, hỗ trợ bên Đội thiếu niên và nhận vẽ chén ở lò gốm để tăng thu nhập cho gia đình.

Năm học 1992-1993, không biết vì sao lại điều động 8 giáo viên cấp II xuống dạy cấp I, trong đó có cô. Tuổi trẻ, đôi chút bồng bột nên cô đã nộp đơn xin nghỉ việc. Nghỉ việc một thời gian, cô cảm giác mình vẫn còn yêu nghề lắm, nên đến học kỳ II năm học 1994-1995, cô xin dạy lại tại trường cũ. Qua chuyện này, cô đã chín chắn hơn. Cô nghĩ, nếu có tình yêu với nghề nghiệp, dù có khó khăn đến mấy cũng giúp mình vượt qua để gắn bó với nghề lâu dài. Cùng lúc đó, vừa dạy học, cô vừa ôn tập để thi hoàn chỉnh chuyên môn cử nhân cao đẳng. Và năm 2000, cô đăng ký tham gia học lớp đại học sư phạm ngành lý và 2 năm sau đã có thêm tấm bằng đại học.

Bấy nhiêu năm gắn bó với nghề cũng là chừng ấy năm cô tâm huyết và miệt mài với từng trang giáo án, từng tâm hồn học trò. Bởi thế, cô luôn tìm tòi, sáng tạo trong soạn, giảng bài theo phương pháp mới để truyền đạt kiến thức, ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng đầy đủ đến học sinh. Cô đã tổ chức cho học sinh trong tiết làm bài tập theo hình thức “Vui để học”, vừa học vừa chơi có phát thưởng để động viên tinh thần cho các em. Ngoài ra, cô còn vận dụng các kiến thức liên môn, tích hợp giáo dục đạo đức học sinh, tham gia tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh bằng cách điều chỉnh phương pháp giảng dạy và cách giáo dục cho phù hợp… Cô chia sẻ: “Làm được điều này, chúng ta phải nâng cao chất lượng giảng dạy bằng cách trao đổi chuyên môn với bạn đồng nghiệp, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước”. Thế là được sự động viên của ban lãnh đạo trường, của đồng nghiệp, cô tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh từ năm học 1996-1997 cho đến bây giờ. Năm nào, tỉnh không tổ chức thi thì cô thi giáo viên giỏi vòng trường. Kết quả mà cô đạt được đã không phụ lòng mong đợi, phấn đấu của cô. Từ năm 1996 đến nay, cô đã nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, với nhiều bằng khen của UBND tỉnh; danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Miệt mài cống hiến

Cùng với việc thi giáo viên giỏi là phong trào viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) vào dạy học. Đến nay, cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã có 12 SKKN cấp tỉnh được công nhận, trong đó có 6 SKKN xếp loại B và 6 SKKN xếp loại C. Nhiều giải pháp, SKKN của cô được ứng dụng trong công tác công đoàn, trong giảng dạy mang lại hiệu quả tích cực, được lãnh đạo trường và Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá cao.

Năm học 2000-2001 là năm học đầu tiên Sở GD-ĐT tổ chức hội thi “Phụ nữ tài năng về làm đồ dùng dạy học”, cô đã mạnh dạn đăng ký dự thi với kết quả đạt được là giải khuyến khích. Những năm tiếp theo, được sự hỗ trợ của tổ, sự động viên của Ban lãnh đạo trường, cô tiếp tục dự thi và đạt thêm một giải khuyến khích (năm 2002), một giải nhất (năm 2003) và một giải nhì (năm 2005)... Từ năm học 2000-2001 đến nay, có nhiều học trò do cô bồi dưỡng đã gặt hái được những kết quả cao tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cô nói, thành quả của các em cũng chính là niềm vui nghề nghiệp mà cô gặt hái được. “Là một giáo viên, để hoàn thành vai trò, trách nhiệm được giao là điều không phải dễ dàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta có lòng nhiệt tình, yêu nghề, yêu mến học sinh, có lòng tin ở các em thì công tác này không phải là quá khó”, cô nói.

Phấn đấu chuyên môn chưa đủ, cô còn tích cực tham gia các công tác kiêm nhiệm khác. Hiện tại, cô là ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ngành GD-ĐT, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng ban nữ công trường THPT Tân Phước Khánh. Thành tích công đoàn vững mạnh xuất sắc mà trường đã đạt được có một phần đóng góp không nhỏ của cô. Riêng bản thân cô cũng đạt thành tích tốt trong các phong trào và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh với nhiều bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, của Công đoàn ngành giáo dục. Cô còn được tôn vinh là một trong những giáo viên trường THPT Tân Phước Khánh được học sinh yêu quý nhất. Năm 2012, cô là một trong những nhà giáo của tỉnh Bình Dương vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú.

Chia sẻ về những thành tích mà mình đã đạt được, cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết nói: “Đối với ai, đạt bất kỳ thành tích nào cũng vậy, đạt được nó đã khó, làm sao giữ được nó và phát huy hơn nữa lại càng khó hơn. Tôi sẽ cố gắng trau dồi kiến thức nghề nghiệp qua tài liệu sách báo, học hỏi kinh nghiệm bạn đồng nghiệp, quan tâm đến các học sinh, giúp đỡ và quan hệ tốt với mọi người xung quanh, chăm lo tốt cho gia đình… để luôn xứng đáng là một người con có hiếu, một người vợ - người mẹ tốt, là người phụ nữ trong thời kỳ mới và xứng đáng với những danh hiệu mà mình đã đạt được”.

 

 HỒNG NGỌC