Nhà giáo, Nhà thơ Lê Minh Vũ: “Khi gục ngã, tôi níu câu thơ mà... đứng lên!”

Thứ tư, ngày 10/10/2018

(BDO) Lê Minh Vũ đã tâm sự, đã đùa vui như thế trong ngày ra mắt tuyển tập “Mùa đã tươi màu nắng” của anh mới đây. Anh hiện công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo TX.Bến Cát, là ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh. Anh khiêm tốn nhận mình chỉ là: Học đòi chữ nghĩa/ Dăm câu thơ cóc/ Văn chương nửa mùa/ Trật trầy dạy học (Nỗi buồn có thật).

Nhận xét về thơ Lê Minh Vũ, nhạc sĩ (NS) Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho rằng: Thơ của Lê Minh Vũ đẹp như một dòng sông hiền hòa phẳng lặng, đó không phải là dòng thác đổ ồn ào, dữ dội mà là sự bình yên. Một điểm mạnh của Lê Minh Vũ là anh gắn bó, làm thơ về thuở học trò từ khi còn đi học rồi ra trường công tác trong ngành giáo dục. Có lẽ vậy mà thơ của Vũ cứ nhẹ nhàng mà sâu lắng và cũng dễ gây xúc động đối với bạn đọc.


Nhà thơ Lê Minh Vũ
(trái) tặng hoa cho nhạc sĩ Võ Đông Điền

Tuyển tập Mùa đã tươi màu nắng được Hội VHNT tỉnh phối hợp tác giả xuất bản vào quý 3 - 2018. Tuyển tập này là tổng hợp các bài thơ, tản văn, truyện ngắn Lê Minh Vũ, ghi dấu ấn hơn 20 năm sáng tác của anh. Đặc biệt trong tuyển tập này có đến 29 bài thơ của anh đã được phổ nhạc. Các tác phẩm đã xuất bản của anh có thể kể đến như: Đường xưa tan học, Buổi chiều Ti gôn, tập truyện ngắn Ngã rẽ.

Tuyển tập thơ - văn này như là ghi nhận cho quá trình đóng góp của Lê Minh Vũ vào lĩnh vực VHNT của tỉnh. Đây cũng là một quá trình của sự kiên nhẫn, độ dài, độ bền của một tác giả thơ văn xuôi của Bình Dương. NS. Võ Đông Điền cũng trích những câu thơ phổ nhạc của Lê Minh Vũ mà anh yêu thích để nhắc chúng ta hãy cứ hồn nhiên, bình dị như một “cọng rơm vàng” giữa cuộc đời này: Chiều di trú nỗi buồn ta di trú/ Mở bình minh ríu rít tiếng chim chuyền/ Thôi em ạ! Mùa đã tươi màu nắng/ Cọng rơm vàng ấm áp vẻ bình yên (Mùa đã tươi màu nắng).

Nhà thơ Chu Ngạn Thư cũng cho biết, từ năm 1996, khi Lê Minh Vũ mới 22 tuổi đã có thơ in chung với nhiều tác giả như: Thơ tình tuổi học trò; Thơ nhà giáo... Các quyển in chung thì có: Tình đầu là tình cuối; Tuyển tập truyện ngắn 1997... Chưa kể các bài thơ và truyện ngắn được đăng trên các báo, tạp chí ở địa phương và Trung ương. Một vài câu thơ của Lê Minh Vũ có ấn tượng với Chu Ngạn Thư như trong bài Ngồi chơi với biển: Chiều lên đỉnh núi xa mờ/ Vớt mây về điểm câu thơ tặng người/ Biển xanh sóng bạc trắng trời/ Nghìn năm hát mãi những lời thanh xuân...

Với tôi, người viết bài này cũng là người cùng chung phân hội Văn học, cùng thế hệ 7X như Vũ thì nhận ra mảng văn xuôi của anh cũng thật ấn tượng. Lê Minh Vũ viết những bài tản văn: Trống vắng, Lòng mẹ, Bà ơi, Bữa cơm độn khoai... là những câu chuyện bình dị trong cuộc sống mà vô tình chúng ta gặp phải, vô tình chúng ta lướt qua. Để rồi khi nhìn lại, đó là cả một trời ký ức, một trời kỷ niệm. Để rồi, chúng ta khi lớn lên mới biết ba mẹ đã già, mới biết thời gian trôi qua là không thể níu giữ được... Ký ức ùa về cũng nhắc nhở chúng ta sống yêu thương nhiều hơn, trải lòng nhiều hơn với những người thân yêu của mình.

Trong buổi ra mắt tuyển tập Mùa đã tươi màu nắng hôm đó, Lê Minh Vũ còn có dịp gặp gỡ bạn bè làm thơ và yêu thơ gần xa của anh. Ai cũng bày tỏ nỗi vui mừng và chúc cho tác giả luôn sung sức, viết thật nhiều những bài thơ, những tản văn truyện ngắn hay. Có thể kể đến một số giải thưởng văn học của Lê Minh Vũ: Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ các năm 2000, 2005, 2010, 2015; Giải 3 cuộc thi Thơ do Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tổ chức năm 2010; Giải 3 cuộc thi quảng bá VHNT chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh các năm 2010, 2014 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức...

Viết lách như một niềm vui, một công việc tự thân mà chúng ta đôi khi có muốn “trốn tránh” nó cũng không được. Và Lê Minh Vũ cứ túc tắc viết thế thôi. Anh không trốn tránh cũng không quá mệt nhoài với câu chữ mà anh chỉ nói lên tiếng lòng, nói lên cảm xúc của mình trước con người, trước cuộc sống bằng những câu thơ, lời văn thật đẹp. Bởi, những người vương mang nghiệp viết có khi sẽ nhận ra thế này: Tôi đối diện tôi nỗi buồn có thật/ Cố làm chi khi huyễn hoặc nỗi đau/ Tôi đi, tôi chạy, tôi cười, tôi khóc/ Tôi hái đắng cay gieo hạt ngọt ngào... (Đối diện nỗi buồn).

QUỲNH NHƯ