Nhà giáo Nguyễn Hiếu Học: Say mê nghiên cứu văn hóa và lịch sử địa phương
Ông say mê đọc sách, viết lách từ khi còn rất trẻ. Ngoài việc theo nghề giáo suốt mấy chục năm, ông còn sở hữu một gia tài sách khá phong phú để đáp ứng niềm đam mê viết lách, đặc biệt là viết về lĩnh vực lịch sử và văn hóa. Ông đã vinh dự nhận các huy chương vì sự nghiệp giáo dục, văn học nghệ thuật và cả huy chương vì sự nghiệp công đoàn (hoạt động công đoàn ngành giáo dục). Ông cũng vừa nhận bằng khen thành tích xuất sắc 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc do tỉnh Bình Dương trao tặng. Người chúng tôi nói đến là nhà giáo, nhà biên khảo Nguyễn Hiếu Học...
(BDO) Ông Nguyễn Hiếu Học (thứ 2 từ phải sang) tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lần thứ VI (2010-2015)
Cả cuộc đời ông gắn liền với việc dạy học, sách vở và nghiên cứu. Tới thăm nhà ông, tôi có cảm giác như đang bước vào một thư viện với cơ man nào là sách. Có một điều đáng nể là dù sở hữu một gia tài sách lớn, song khi tôi hỏi đến quyển nào thì ông đều trả lời rành mạch cả về nội dung, tác giả, nhà xuất bản và cả năm xuất bản của cuốn sách. Điều đó cho thấy ông đã nghiền ngẫm, nghiên cứu kỹ từng cuốn sách ấy như thế nào.
Nghề chính của ông Nguyễn Hiếu Học là nhà giáo, là làm công tác giáo dục (từ năm 1964 đến 2003). Nhưng cũng có thể gọi ông là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học bởi những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực này, nhất là đối với vùng đất Bình Dương.
Nhà giáo Nguyễn Hiếu Học được thừa hưởng tình yêu văn học từ người cha, là ông Nguyễn Mẫn (1907-1987), vốn là một nhà thơ, Đông y sĩ, nhà soạn tuồng cổ, nổi tiếng với bài “Văn tế cụ Hồ Chí Minh…” ngay sau khi Bác từ trần. Say mê đọc sách từ bé, càng lớn tình yêu dành cho văn chương, thơ ca và lịch sử của ông Hiếu Học càng được hun đúc mãnh liệt. Được biết, khi còn làm nghề dạy học, phần lớn tiền lương của ông dành cho việc mua sách và chơi cây cảnh. Vì thế bạn bè vẫn hay gọi ông là người lãng mạn trong văn chương.
Trong bài viết của nhà báo Nguyễn Tý đăng trên văn nghệ Bình Dương xuân Ất Mùi 2015 có viết: “Khi gặp nhà văn Sơn Nam lúc tại thế, tôi nhắc đến mảnh đất Bình Dương thì nhà văn Sơn Nam đã thốt lên: Nói đến Bình Dương là nói đến Nguyễn Hiếu Học và nhắc đến Nguyễn Hiếu Học là nghĩ ngay đến Bình Dương…”. Tìm hiểu về ông, tôi mới hiểu hết câu nói này của nhà văn Sơn Nam, dù ông đã cho rằng đó chỉ là lời khen quá nhiều ưu ái của một nhà văn đàn anh.
Dù sinh ra ở miền Trung, nhưng suốt hơn nửa thế kỷ qua (từ năm 1964 đến nay), tác giả đã gắn bó với đất Thủ, vùng đất được ông xem là quê hương thứ hai. Ông thể hiện những tình cảm sâu đậm của mình với quê hương ấy bằng một quá trình tìm hiểu và viết lách về lịch sử Bình Dương xưa. Nổi bật trong số những tác phẩm mà ông viết về lịch sử Bình Dương có lẽ là tạp bút - tiểu luận “Dấu xưa đất Thủ…”. Đọc tạp bút này, tôi hình dung nó như một phác họa khá đầy đủ về mảnh đất và con người Bình Dương xưa. Từ lịch sử Bình Dương, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, ẩm thực, văn hóa, du lịch, thể thao của người Bình Dương xưa được ông ghi chép, thể hiện đầy đủ, súc tích, cho chúng ta một cảm nhận đậm đà về bản sắc, phong vị của quê hương đất Thủ - Bình Dương.
Vốn tri thức giàu có được tích lũy từ cuộc sống, từ sách vở, đã giúp ông thêm tự tin, hạnh phúc khi có cơ hội chia sẻ với độc giả qua tác phẩm tâm huyết của mình. Ngoài “Dấu xưa đất Thủ”, ông còn một số tác phẩm tiêu biểu khác như: Nam bộ xưa và nay (in chung); Nét đẹp Bình Dương (in chung); Làng nghề Bình Dương; Văn hóa ẩm thực Bình Dương; những ngôi chùa, đình tiêu biểu ở Bình Dương… Trong đó, các tác phẩm “Lối xưa đất Thủ” và “Bước đầu tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Bình Dương” đã nhận được giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ lần thứ III (2000-2005) và lần IV (2005-2010) của tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, Nguyễn Hiếu Học còn có nhiều bài viết, bài nghiên cứu sâu về một số nhà văn, nhà thơ, nghệ nhân tiêu biểu của Bình Dương như nhà văn Bình Nguyên Lộc, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ... Nhiều bài viết của ông được đăng trên các tờ báo có uy tín từ địa phương đến Trung ương như: báo Bình Dương, Văn nghệ Bình Dương, tạp chí Xưa và Nay, Kiến thức ngày nay hay tờ Văn nghệ Trung ương…
Ngoài những nghiên cứu chuyên sâu về đất và người Bình Dương, độc giả báo Bình Dương những năm từ 1999 đến 2003 có lẽ rất quen với bút danh Nguyễn Hiếu Học tại chuyên mục “Bạn đọc hỏi”. Tác giả cho biết: “Dù chuyên mục này ngắn, tôi vẫn luôn tra cứu sách vở; truy tìm cứ liệu, cơ sở một cách có trách nhiệm và vô cùng thận trọng khi đưa ra giải thích, nhận định riêng… mong sao có thể mang lại cho độc giả những đáp án chân thực nhất có thể”. Ông đã được bạn đọc yêu thích chuyên mục này.
Ở độ tuổi gần 80, nhưng nhà giáo Hiếu Học vẫn còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Ông chia sẻ chân thành, cởi mở về thế thái nhân tình. Ông cho biết thêm rằng ở tuổi này, điều đáng trân trọng và hạnh phúc nhất là nhiều người, kể cả người trẻ tuổi vẫn tìm đến để được cùng ông trò chuyện và chia sẻ về chuyện đời, chuyện văn. Trước khi chia tay, ông trao đổi với tôi rằng: “Những người hạnh phúc là những người biết khám phá những niềm vui nhỏ nhoi ngay trong ta, quanh ta thôi, miễn là ta luôn biết ngạc nhiên, biết thức tỉnh và thích thú khám phá như trẻ thơ”.
SONG ANH