Nhà giáo nghỉ hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề
Hình ảnh người thầy, xưa nay luôn được ví với người chèo đò cần mẫn đưa bao thế hệ học trò chinh phục dòng sông tri thức, như người thợ làm vườn tháng ngày ươm những mầm xanh. Đi hết chặng đường làm thầy là biết bao kỷ niệm khó phai, biết bao nhiêu lưu luyến vơi đầy. Chính vì vậy mà dù đã nghỉ hưu, các thầy cô giáo vẫn cứ canh cánh trong lòng một tình yêu da diết với nghề. Tuy không còn dạy học ở những nơi mà các thầy, các cô đã gắn bó cả đời nhưng lòng họ vẫn luôn hướng về nơi ấy. Cũng như mọi thế hệ học trò và đồng nghiệp luôn hướng về họ…
Ấm tình - Nặng nghĩa
Thời gian vô tình, sau hàng chục năm gắn bó với nghề dạy học, các thầy cô cũng đến tuổi phải nghỉ hưu. Nhưng dù đã rời xa ngôi trường mà các thầy, các cô đã gắn bó cả đời, rời xa bạn bè đồng nghiệp, chia tay những học trò thân yêu… các thầy cô vẫn không khỏi xao xuyến mãi về cái nghề cao quý đã làm nên hạnh phúc về quãng đời dạy học của mình.
Trăn trở về nghề nghiệp vẫn là những day dứt trọn đời của những nhà giáo đã nghỉ hưu
Họ là những người luôn cống hiến hết mình cho ngành giáo dục, cho nhà trường, cho các học sinh thân yêu cho đến tận lúc nghỉ hưu. Tuổi cao, sức yếu, các thầy, các cô phải chia tay trong sự luyến tiếc, biết ơn của nhiều thế hệ học trò, sự quý mến của bạn bè đồng nghiệp và sự tin cậy của các cấp lãnh đạo.
Nhà giáo ưu tú Võ Thị Đông, 85 tuổi (huyện Bến Cát) người đã có hơn 50 năm gắn bó với bục giảng. Cô bắt đầu sự nghiệp giáo dục từ những ngày đầu phong trào xóa nạn mù chữ. Cô tâm sự: “Tôi là một trong những người đầu tiên đi xóa nạn mù chữ của tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ. Sau rất nhiều năm hoạt động trong ngành giáo dục, kỷ niệm trong tôi cho tới giờ này, khi sắp gần đất xa trời vẫn cứ đầy ắp. Tôi luôn nhớ hình ảnh những học trò già có, trẻ có, lớn có, bé có ngày ấy luôn xem thầy cô như cha mẹ và rất kính trọng thầy cô. Ngày trước dân mình còn nghèo nhưng rất hiếu học nên công ơn dạy dỗ của thầy đã được khắc ghi vào tim óc, huyết quản của mỗi người”.
Nhà giáo ưu tú Trần Thị Châu Anh, ở xã An Điền (Bến Cát) năm nay đã 84 tuổi. Với gần 50 năm trong nghề nên hơn ai hết cô Châu Anh rất tâm huyết với nghề dạy học. Con trai và con dâu cô cũng là những giáo viên giỏi có tiếng ở huyện Bến Cát. Cô tâm sự: “Theo tôi, tất cả các ngành nghề đều thoát thai từ việc học, văn hóa là chìa khóa mở mọi tri thức, nên người thầy rất quan trọng đối với mỗi người. Những năm lương cho ngành giáo dục còn bấp bênh, đồng nghiệp tôi có rất nhiều thầy cô bỏ nghề, giáo viên trẻ có người thì nao núng, nhưng tôi gạt hết, khuyên họ cứ bám nghề, cứ theo nghề, nghề sẽ chẳng phụ công người”. Cô cười móm mém khi nhớ lại những ngày tháng đó.
Thầy Võ Kim Lân, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TX.Thuận An thì cho rằng: “Làm người thì phải cố để trở thành một người tử tế, làm thầy giáo thì lại càng phải tử tế hơn, bởi nhà giáo là đi dạy người. Người thầy giáo phải luôn nêu gương cho người khác, nói hay và hành động cũng phải hay. Không bon chen, vị kỷ, trung thực, sòng phẳng, có nghĩa có tình, có trước có sau. Dù là đang dạy hay đã nghỉ hưu cũng vậy. Dù đã về hưu nhưng chúng tôi vẫn còn thiết tha gắn bó với nghề, chúng tôi luôn mong muốn được cùng các đồng nghiệp cũ để chia sẻ những vui buồn nghề nghiệp, gần gũi nhau những khi hữu sự. Với tôi, nghề giáo luôn là một nghề cao quý trong những nghề cao quý, một nghề chỉ biết cho nhưng không bao giờ nghĩ là mình sẽ được nhận lại”.
Và những trăn trở với nghề
Trăn trở của người thầy với nghiệp thầy là những day dứt trọn đời. Thời gian gần đây, khi nền giáo dục nước nhà có biểu hiện một số vấn đề tiêu cực, nhiều “con sâu” đang bị phơi bày ra ánh sáng thì những nỗi trăn trở ấy lại càng day dứt hơn bao giờ hết. Vào những ngày kỷ niệm có ý nghĩa nhất với nghề cao quý nhất trong mọi nghề này, được gặp lại các thầy cô, được nghe các thầy cô tâm sự mới thấy hết được những tấm lòng ấy luôn dành cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người.
Thầy Võ Văn Minh Tâm, Hội Cựu giáo chức TX.Thuận An tâm sự: “Thời gian gần đây, theo dõi thông tin trong ngành, tôi biết được đạo đức một số giáo viên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một điều đáng buồn và làm tôi trăn trở nhiều. Là một nhà giáo, cán bộ quản lý đã về hưu nhiều năm nay nhưng tôi luôn có một suy nghĩ: hãy làm lại giáo dục bắt đầu từ người thầy. Xưa kia, việc học không phải là sự nhồi nhét kiến thức. Không có kiểu dạy - học thêm tốn kém, với nhiều loại sách luyện thi theo kiểu “ăn sẵn”, thầy và trò “đua” nhau học thuộc. Không phải người hoài cổ nhưng thực sự “ngày xưa” người thầy được coi trọng và kính nể một cách thực sự bởi họ dạy học với một thái độ nghiêm túc, trách nhiệm cao cả…”.
Thầy Văn Văn Phê, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Dĩ An cũng khẳng định: Người thầy lo “dạy người” làm hàng đầu; khơi lên khát vọng học tập mà ham mê tự học của học sinh. Hướng dẫn tự học được coi là mục tiêu cơ bản xuyên suốt của con người mới. Học sinh dùng kiến thức cơ bản để phát huy năng lực phục vụ Tổ quốc… Từ đó, nhiều tài năng nảy nở. Khi còn khó khăn trong cuộc sống, người thầy sống với niềm say mê. Nhưng khi đời sống xã hội được cải thiện, sự phân hóa giàu nghèo ngày một rõ rệt, khiến họ khó toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp. Hơn nữa nguyên lý giáo dục là: “Học tập kết hợp với lao động sản xuất, giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục ngoài xã hội, để thực sự học đi đôi với hành” chưa được thực hiện, sẽ khó đào tạo được con người mới mà xã hội thực cần. Thế hệ những nhà giáo cán bộ quản lý thời “ngày xưa” vẫn luôn dõi theo bước của ngành giáo dục, mong sự nghiệp giáo dục được chấn hưng một cách toàn diện.
Cho đến bây giờ, dù đã nghỉ hưu, đã rời xa bảng đen, phấn trắng để về với cuộc sống thanh đạm của tuổi xế chiều, nhưng có lẽ, từ trong sâu thẳm lòng mình, các thầy cô vẫn luôn hướng về nơi ấy… nơi có ngôi trường yêu dấu với bao thế hệ bạn bè đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu. Đó cũng chính là giá trị nhân văn mà cả cuộc đời các thầy, các cô mãi theo đuổi.
NGỌC THANH