Nhà biến thành “hầm”

Thứ năm, ngày 08/09/2016

(BDO) Sau khi nâng cấp, nhiều tuyến đường như ĐT746, ĐT747A, ĐT747B, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai (TX.Dĩ An)... có mặt đường cao hơn nhà dân từ 0,5 đến 3m, thậm chí có nhiều nhà nền đường ngang với... nóc nhà. Điều này khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.


Nhà 21/4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, KP.Tân Phú 2, phường Tân Bình, TX.Dĩ An thấp hơn mặt đường gần 2,5m khiến đời sống sinh hoạt của hộ dân này bị ảnh hưởng nặng

Khổ trăm bề

Khi tuyến đường Bùi Thị Xuân (phường Tân Bình, TX.Dĩ An) được nâng cấp mở rộng, người dân rất vui mừng vì việc lưu thông sẽ trở nên thuận tiện hơn và góp phần cải thiện đời sống. Sau khi tuyến đường được hoàn thành, một số hộ dân rơi vào hoàn cảnh nhà thành “hầm”, kèm theo nhiều hệ lụy trớ trêu. Việc sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn, khi muốn vào nhà mình buộc phải leo trèo qua nhiều chướng ngại vật. Nhiều gia đình phải làm các bậc thang bằng thép tạm bợ hoặc chất các khối đá, gạch, bao tải đất, cát để làm bậc thang lên xuống.

Hầu hết gia đình có nhà bị tụt sâu xuống đều không thể mang xe máy, xe đạp vào nhà, họ buộc phải gửi xe ở ngoài với chi phí vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Việc vận chuyển đồ đạc sinh hoạt của người dân vào nhà cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có những gia đình không chịu đựng nổi phải bỏ hoang hoặc rao bán căn nhà mới xây của mình với giá rẻ. Còn những người ở lại thì trân mình chịu đựng cuộc sống ngột ngạt và khổ sở. Họ ra vào nhà bằng cách chui, bò, bắc thang, kê ghế nhựa bên trong.


Nhiều nhà dọc theo tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai thấp hơn mặt đường phải đập bỏ vì không thể ở được

Nhà bà Trần Thị Hai (số 7/6, KP.Tân Thắng, phường Tân Bình) là một trong những ngôi nhà có nóc gần ngang với mặt đường. Bà Hai cho biết: “Mỗi khi trời mưa thì nhà tôi bị nước bên ngoài tràn vào. Trời nắng thì nóng bức, bụi bặm. Tôi cũng đã lớn tuổi nên việc đi lại cũng rất khó khăn”. Anh Nguyễn Văn Long (quê Tiền Giang, tạm trú tại số nhà 21/4, đường Nguyễn Thị Minh Khai, KP.Tân Phú 2, phường Tân Bình, TX.Dĩ An), than thở: “Tôi thuê căn nhà ở mặt đường để buôn bán vào ban đêm nhằm kiếm thêm thu nhập. Nhưng từ khi đường Nguyễn Thị Minh Khai nâng cấp thì căn nhà này thấp hơn mặt đường gần 2,5m. Tôi phải xây thêm bậc thang để lên xuống nhà, xe máy thì phải gửi nhà người thân. Tôi có đề nghị nâng nền nhà nhưng chủ nhà lắc đầu vì hiện nhà đang thấp hơn mặt đường hơn 2,5m, nếu nâng bằng mặt đường, thì từ nền nhà lên nóc nhà chỉ còn 0,5m thì sao mà ở được; trừ khi đập bỏ nhà xây lại mới nhưng tiền đâu mà làm vậy. Vì vậy, gia đình tôi phải chịu luôn cảnh “chui” vào nhà như vào hang”.

Theo ghi nhận của P.V, trên con đường này hiện vẫn còn rất nhiều ngôi nhà thấp hơn mặt đường. Thậm chí có nhà mặt đường cao ngang nóc nhà biến căn nhà trở thành một “căn hầm”.

Một người dân ngụ tại số nhà 134 (phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) cho hay, bà đã chịu cảnh sống trong ngôi nhà thấp hơn mặt đường từ ngày đường ĐT746 mở rộng. “Nhà bây giờ thấp hơn mặt đường cả mét, chưa kể từ mặt đường qua nhà là một vực sâu, phải làm bậc tam cấp để người lên xuống, riêng xe cộ thì không thể xuống được, phải đi vòng sang nhà hàng xóm rồi mới vào được nhà. Trời mưa thì nước tạt vào nhà, trời nắng thì bụi bặm cùng với sức nóng hừng hực từ mặt đường phả vào nhà. Vì vậy, chúng tôi phải đóng cửa kính mít. Mọi sinh hoạt phải chuyển ra sau nhà”, chủ căn nhà cho biết. Nhiều nhà dân dọc tuyến đường này đã nâng cao nền nhà của mình để “đuổi” kịp mặt đường. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hộ nhà vẫn thấp hơn mặt đường. Số hộ này cho biết do còn khó khăn về kinh tế nên không có tiền để nâng nền, vì vậy đời sống hàng ngày bị ảnh hưởng bởi hệ lụy nhà thấp hơn đường.

Cơ quan chức năng nói gì?

Vấn đề “nền nhà “đuổi” theo nền đường” từng được đại biểu Nguyễn Văn Vẹn, tổ đại biểu huyện Phú Giáo chất vấn Sở Giao thông - Vận tải tại kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh khóa VIII. Theo phúc đáp của Sở Giao thông - Vận tải là trong thời gian qua, đối với các dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến đường như ĐT746, ĐT747A, ĐT747B… phần lớn các chủ đầu tư đều quan tâm đến việc lựa chọn cao độ thiết kế mặt đường theo hướng hoàn thiện, bám theo cao độ cũ mặt đường, tận dụng kết cấu nền, mặt đường cũ để bảo đảm hợp lý về mặt kinh tế kỹ thuật. Đối với một số đoạn, tuyến đường đi qua khu dân cư để khống chế cao độ hoàn thiện mặt đường mới bằng cao độ mặt đường cũ thì phải thực hiện đào bỏ kết cấu nền, mặt đường cũ thì sau đó mới thi công kết cấu nền, mặt đường mới.

Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp trong quá trình khảo sát, thiết kế, đơn vị thi công chỉ chú tâm đến áp dụng quy trình, quy phạm theo cấp đường thiết kế mà thật sự chưa đánh giá hết những ảnh hưởng, tác động đến sinh hoạt, đi lại của người dân sau khi công trình hoàn thành. Trong quá trình thẩm định, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa bám sát địa hình; hiện trạng cư dân hai bên đường, dẫn đến một số công trình sau khi triển khai mới phát hiện bất cập về cao độ mặt đường, vỉa hè, gây bất lợi cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư các công trình giao thông gặp phải tình huống khó có giải pháp thỏa mãn tất cả các yêu cầu như: Cao độ nhà dân thấp hơn mặt đường cũ, trắc dọc đường cũ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cấp đường thiết kế, đòi hỏi phải cải tạo trắc dọc. Trong một số trường hợp, nếu đáp ứng yêu cầu thoát nước cho hộ dân hai bên đường thì phải hạ cao độ mặt đường hoặc không nâng thêm cao độ mặt đường dẫn đến không bảo đảm các yếu tố kỹ thuật của cấp đường thiết kế, gây nguy cơ mất an toàn giao thông hoặc đường thường xuyên ngập nước khi trời mưa lớn.

Ngoài ra, trước khi khởi công, chủ đầu tư dự án phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn thiết kế thông báo rộng rãi thông tin dự án đến người dân trong vùng dự án được biết, nhằm phối hợp hỗ trợ chủ đầu tư trong suốt quá trình thi công và giám sát cộng đồng đối với dự án. Tuy nhiên, cũng có một số chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin dự án để người dân, doanh nghiệp trong vùng dự án nắm rõ. Trong thời gian tới, sở sẽ chấn chỉnh và nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo, phối hợp cùng chủ đầu tư, chính quyền địa phương điều chỉnh các đoạn tuyến này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống, sinh hoạt của người dân, qua đó, đã tạo được sự đồng thuận cao từ nhân dân.

 

Ông Nguyễn Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình, TX.Dĩ An, cho biết: “Chính quyền địa phương có ghi nhận tình trạng một số hộ dân sống dọc trên tuyến đường Bùi Thị Xuân và Nguyễn Thị Minh Khai có nhà thấp hơn mặt đường, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Khi thi công các tuyến đường này, UBND phường có tham mưu với Ban Quản lý dự án TX.Dĩ An và chủ đầu tư bảo đảm cao độ mặt mới bằng cao độ mặt đường cũ. Trong quá trình thi công, đơn vị đã tận dụng tối đa kết cấu mặt đường cũ, tuy nhiên do yếu tố địa hình là độ cao 2 bên đường thấp và cao hơn mặt đường hiện tại nên tùy theo đoạn đường mà đơn vị thi công điều chỉnh cao độ bảo đảm mặt đường không bị ngập vào mùa mưa.

Trước mắt, những hộ dân có nhà thấp hơn mặt đường có nhu cầu sửa chữa, cải tạo nền nhà thì chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện.

NGUYỄN HẬU