Nhà báo phải được bảo vệ!
Tại sao gần đây nhà báo bị hành hung, cản trở tác nghiệp khá nhiều? Cơ quan pháp luật đã xử lý nghiêm những người hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp chưa? Hội Nhà báo làm gì để bảo vệ hội viên của mình?...
Đó là những vấn đề đặt ra tại buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” do Hội Nhà báo VN (tại TP.HCM) tổ chức sáng 12-6.
Nhà báo Trần Thế Dũng (báo Người Lao Động) bị hành hung khi tác nghiệp về đề tài chống buôn lậu ở Lạng Sơn hồi tháng 1-2011 - Ảnh: NLĐ Nhà báo không chỉ bị hành hung
Sẽ không có báo chí tư nhân
Tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân chiều 12-6 do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ghi nhận đóng góp của báo chí đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Ông nói: ”Có những lúc tình hình biên giới biển đảo diễn biến phức tạp thì báo chí đã vào cuộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn môi trường hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và công ước Liên hiệp quốc, DOC...”.
Theo bộ trưởng, báo chí đã đấu tranh với những luận điệu của các thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, chống những hiện tượng thoái hóa, biến chất, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên và nhân dân, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đưa nhiều tin bài gương người tốt việc tốt, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN...
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết bộ đang xây dựng phương án quy hoạch báo chí tới năm 2020 với mục tiêu để báo chí ngày càng phát triển. Về câu hỏi có tư nhân hóa báo chí hoặc cho thành lập tập đoàn hay không, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định Nhà nước VN không có báo chí tư nhân và chưa có ý định hoặc đề xuất, chủ trương hình thành tập đoàn báo chí.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN Phạm Quốc Toàn cho biết chỉ trong vòng năm năm trở lại đây đã có khoảng 40 vụ nhà báo bị hành hung và gần đây xảy ra năm vụ nhà báo bị đánh, cản trở trong việc tác nghiệp. Ông Toàn nhắc đến một số vụ việc như nhà báo Trần Thế Dũng (báo Người Lao Động) bị hành hung ở Lạng Sơn, hai nhà báo của Đài Tiếng nói VN bị đánh ở Hưng Yên. Ở một góc cạnh khác, ông Toàn cũng đề cập đến trường hợp nhà báo Hoàng Khương (báo Tuổi Trẻ) đang bị tạm giam...
Nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN đặt câu hỏi: Tại sao nhà báo bị hành hung và làm thế nào để không bị đánh? Rồi ông lý giải trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, ngăn cản cái xấu, nhà báo được xem như người lính xung kích thâm nhập, dấn thân đi điều tra, tìm ra sự thật. Và khi ấy những kẻ xấu, đối tượng đang bị điều tra sẽ tìm cách ngăn cản nhà báo, kể cả dùng vũ lực. “Nhà báo đôi lúc bị đặt lên dùi cui. Đã có hiện tượng liên kết nhóm, liên kết cơ quan để chống lại nhà báo. Trong khi đó pháp luật lại không bảo vệ được nhà báo...” - nhà báo Đinh Phong nói.
Nhà báo Nguyễn Đình Xê, Ủy viên Ban Biên tập báo Người Lao Động cho rằng, khi bị hành hung, các nhà báo đau về thể xác một phần nhưng nỗi đau lớn nhất là bị tổn thương vì cảm thấy mình không được bảo vệ đúng nghĩa, không có được sự tự do hoạt động nghề một cách đúng pháp luật. Ngoài việc bị hành hung, nhà báo Nguyễn Đình Xê cho rằng cái khó nhất hiện nay trong tác nghiệp báo chí là bị cản trở trong việc tiếp cận thông tin. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Minh Chánh bày tỏ: “Nhà báo đang bị hành hạ thân xác, tâm hồn. Chúng tôi đang đau đáu mong sao ngày càng có cơ chế thông thoáng hơn để hành nghề”.
Hội cần lên tiếng
Trước những khó khăn thực tế đặt ra, tại tọa đàm luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) mong muốn Hội Nhà báo VN cần sớm xây dựng một cơ chế vận hành liên quan đến hoạt động tác nghiệp, nghiệp vụ của nhà báo. Những quy định này ràng buộc trực tiếp và làm cơ sở để xem xét việc ghi âm, lấy tư liệu, quay phim cũng như đóng hoặc nhập vai tới mức nào... là hợp pháp. Điều này theo ông rất cần thiết vì hiện đã có trường hợp hành vi tác nghiệp của nhà báo bị cho là vi phạm trong một số trường hợp, nhất là khi hoạt động trong lĩnh vực chống tiêu cực.
Luật sư Hoài thông tin thêm thông qua báo Tuổi Trẻ, ông đã gửi kiến nghị đến Hội Nhà báo VN về một vụ việc tương tự như vừa nêu trên (vụ nhà báo Hoàng Khương - PV). “Khi vụ việc xảy ra, tôi chỉ mong rằng có được văn bản của Hội Nhà báo VN đánh giá về hoạt động của nhà báo trong khi tác nghiệp. Trong trường hợp này, Hội Nhà báo lên tiếng thì chắc có thể không có vụ án xảy ra” - luật sư Hoài nói. Theo ông Hoài, khi có trường hợp nào đó xâm phạm đến quyền hoạt động hợp pháp của nhà báo thì Hội Nhà báo VN cũng như các chi hội nhà báo địa phương phải là nơi đầu tiên lên tiếng, có văn bản, chính kiến để bảo vệ nhà báo chứ không thể chờ đến khi có kết luận của các cơ quan khác lúc đó mới có ý kiến.
Ngoài ra, theo nhà báo Minh Thanh (Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai), Hội Nhà báo VN cũng như các chi hội nhà báo địa phương cần phải phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để có ý kiến về từng vụ việc ngay khi có thể nhằm bảo vệ hội viên của mình kịp thời. Nhà báo Minh Thanh cho rằng hiện có rất nhiều vụ việc phóng viên, nhà báo bị hành hung, xâm phạm thân thể, ngăn cản tác nghiệp nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. “Chính điều này sẽ làm các nhà báo nản lòng, mất niềm tin”.
Kết thúc hội nghị, ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo trung ương tại TP.HCM cho rằng, trước hết nhà báo cần phải am hiểu pháp luật, hành nghề đúng để tự bảo vệ mình. Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực hiện nghiêm trong việc bảo vệ nhà báo bị xâm hại. Riêng Luật báo chí cũng cần hoàn thiện và bổ sung. Ngoài ra, các cơ quan quản lý báo chí phải vào cuộc để bảo vệ nhà báo hoạt động hợp pháp.
Nhập vai là một nghiệp vụ của nhà báo
Bên lề buổi tọa đàm, Tuổi Trẻ trao đổi về ranh giới đúng - sai khi nhà báo nhập vai với luật sư Phan Trung Hoài. Ông nói:
- Việc nhập vai của phóng viên là một hình thức tác nghiệp, là hoạt động nghiệp vụ bình thường của nhà báo. Trong Luật báo chí hiện nay thì việc hoạt động của nhà báo là công khai và để có thể làm sáng tỏ một sự thật nào đó, đòi hỏi nhà báo phải thâm nhập, dấn thân, đóng giả vai... Khi nhà báo tác nghiệp, sử dụng thông tin từ quá trình điều tra đó để phục vụ việc viết bài đăng báo thì hoạt động đó được coi là hoạt động tác nghiệp báo chí và phù hợp với pháp luật. Còn nếu như việc đóng vai mà trở thành tội phạm và mục đích cuối cùng không phải để đưa thông tin đúng sự thật lên báo, lúc đó là vi phạm pháp luật.
Tôi nghĩ trong một số trường hợp, nếu không nhập vai mà xưng là nhà báo thì làm sao có thể thu thập được những dữ kiện, thông tin đúng với bản chất của sự việc được? Hiện nay, ranh giới để xác định việc nhập vai như thế nào, tới mức nào là không vi phạm pháp luật còn chưa rõ. Do đó khi bị xâm hại hoặc bị xem xét trách nhiệm liên quan đến quá trình tác nghiệp trong một số vụ việc đã xảy ra đối với một số nhà báo như vừa qua cũng chưa rõ ràng.
Theo Tuổi Trẻ