Nguyệt thực toàn phần vào ngày mai
Theo NASA, ngày 21/12, hiện tượng nguyệt thực toàn phần có thể quan sát tại Bắc Mỹ và một phần Nam Mỹ. Người xem ở phía châu Âu, Đông Phi, Bắc và Đông Á quan sát thấy nguyệt thực một phần.
“Ở Việt Nam, người xem chỉ quan sát được nguyệt thực nửa tối (Penumbral lunar eclipse) vào khoảng từ 17h30 đến 18h00 tối mai”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ nhiệm CLB thiên văn trẻ Việt Nam, cho biết.
Khác với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, nguyệt thực nửa tối là khi Mặt Trăng đã đi ra khỏi bóng của trái đất và tiến đến vùng nửa tối, nên vẫn nhận được một phần ánh sáng. Lúc này trăng không tối và đỏ như nguyệt thực toàn phần hay một phần mà chỉ tối hơn, đỏ hơn.
Theo ông Sơn, ở Việt Nam người dân khó quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối bởi 17h30 cũng là thời điểm Mặt Trăng bắt đầu mọc. Trong suốt khoảng thời gian 30 phút cuối cùng của nguyệt thực, người xem chỉ có thể quan sát trăng khi nhìn thấp xuống gần đường chân trời phía đông. Phải gần 18h người dân trong các thành phố bị cản tầm nhìn bởi các công trình xây dựng mới có thể thấy rõ trăng.
Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi mặt trăng đi vào vị trí thẳng hàng với trái đất và mặt trời nên bị che khuất bởi bóng của trái đất. Khác với nhật thực, nguyệt thực kéo dài lâu hơn do bóng của trái đất khá lớn so với mặt trăng.
“Nguyệt thực là hiện tượng hoàn toàn vô hại. Người quan sát có thể nhìn bằng mắt thường, qua ống nhòm, kính thiên văn hay camera. Nếu người dân quan sát mặt trăng qua kính thiên văn hoặc ống nhòm thì ánh sáng mặt trăng sẽ mờ hơn bình thường khá nhiều, không gây chói nên hình ảnh sẽ rõ hơn”, ông Sơn nói.
Theo VNE