Nguyện vọng phải đi đôi với năng lực

Thứ ba, ngày 11/07/2017

(BDO)  Từ ngày 9 đến 11-7, Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo được mở để thí sinh thực hành điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến. Sau đó, từ ngày 15 đến 23-7, thí sinh sẽ chính thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhưng chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định nói trên. Vì vậy, dù thời gian có thể dài cho các thí sinh đăng ký nhưng khi đã “click” chuột điều chỉnh thì trước đó phải có sự cân nhắc kỹ, có chuẩn bị chu đáo trước khi quyết định.

 Đây là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng không giới hạn trước khi thi và được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi. Có thể thấy, với việc cho thí sinh đăng ký tối đa nguyện vọng, cơ hội trúng tuyển đại học của các em sẽ rất cao. Dù vậy, theo các nhà chuyên môn thì thí sinh nên căn cứ chủ yếu vào năng lực, sở trường để điều chỉnh nguyện vọng thì mới có cơ hội để các em trúng tuyển vào ngành nghề mà mình yêu thích. Nếu không yêu thích mà vì tâm lý, ganh đua để vào đại học bằng mọi giá thì cần suy nghĩ lại. Bởi, thống kê xã hội học hàng năm tại các trường đại học cho thấy, có tới hơn 10% sinh viên các trường đại học bỏ học sau khi nhập học để thi lại vào các trường khác. Như vậy vừa lãng phí về thời gian lẫn vật chất cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, nguyện vọng cũng phải đi đôi với năng lực của bản thân thì thí sinh mới có cơ hội trúng tuyển được. Để dễ dàng và thuận lợi nhất trước khi điều chỉnh nguyện vọng, các thí sinh nên lựa chọn một ngành mình đam mê ngay từ đầu. Tuy nhiên, đam mê không chỉ bó hẹp trong môi trường đại học mà có thể nuôi dưỡng nó ở các môi trường khác như cao đẳng, trường nghề thì thành công sẽ cao hơn khi các em rời giảng đường để lập nghiệp.

Nhiều thí sinh đã từng hối hận khi nhập học được một vài năm sau đó lại chuyển hướng. Chẳng hạn như thủ khoa trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Huy trước đây cũng từng theo học một năm ngành dược tại trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh nhưng sau đó đã bỏ vì không đam mê. Thủ khoa này từng chia sẻ rằng: “Đậu một trường có tiếng, chắc chắn ai cũng rất tự hào. Nhưng việc học sau này sẽ đối mặt với sự chán nản, thiếu động lực nếu ngành đó không đúng với sở trường và sở thích thực sự của bản thân. Mà một khi đã chán nản thì càng dễ dẫn đến tụt dốc, khó lấy lại đà học tập trước kia”.

Từ kinh nghiệm riêng của mình, chàng thủ khoa cho rằng, điều quan trọng trước hết đối với các thí sinh khi chọn ngành nghề chính là lắng nghe nguyện vọng của bản thân.

 T.ĐỒNG