Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo tận trung với nước, tận hiếu với dân – Bài 4

Thứ ba, ngày 30/06/2015

(BDO) Bài 4: “Nói và Làm” - bài học còn nguyên giá trị

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước, là người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Thời kỳ làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1986 đến 1991, với bút danh N.V.L. (sau này đồng chí cho biết đó là “Nói và Làm”) đồng chí là tác giả của những bài báo trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân bàn về những việc làm sai, những thiếu sót, khuyết điểm, tiêu cực cần phải sửa chữa khắc phục trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng rất vẻ vang của mình, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn thể hiện là một nhà lãnh đạo kiên cường bản lĩnh, không ngại gian khổ hy sinh. Trong những năm chiến tranh, ngay khi được ra tù, đồng chí lại lao vào hoạt động cách mạng với những nhiệm vụ đầy khó khăn. Đồng chí là một trong những người đề xuất thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh: Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn, lập ra Thành ủy lâm thời thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trong thời kỳ gay go nhất và cũng oanh liệt nhất của cách mạng miền Nam, kẻ thù dùng luật 10/59 dìm cách mạng miền Nam trong biển máu và thời kỳ hàng triệu quân Mỹ - ngụy càn quét tìm diệt lực lượng cách mạng, đồng chí không lúc nào xa rời quần chúng, luôn luôn gắn bó với phong trào cách mạng miền Nam để xây dựng Đảng. Với trách nhiệm Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã chủ trì và cùng các đồng chí Trung ương Cục lãnh đạo và phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng quân giải phóng, đánh bại các chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trả lời báo chí sau khi bế mạc Đại hội VI của Đảng. Ảnh: TƯ LIỆU

Đất nước thống nhất, với cương vị là Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, ghét thói phô trương, hình thức. Đồng chí nhận thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa. Những bài báo “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L vào năm đầu thời kỳ đổi mới đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, thể hiện sự trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta trong việc chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Lúc bấy giờ các phương tiện truyền thông, báo, đài…, hầu như ngày nào cũng đề cập đến chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của đồng chí N.V.L. Đó là những bài viết vừa chứa đựng quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm “những việc cần làm ngay” kết hợp chặt chẽ với “Nói và Làm”. Từ đó đẩy lên một phong trào “những việc cần làm ngay”, có tác động và ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi mới của đất nước ta.

Ý nghĩa về bài học sâu sắc từ bút danh nổi tiếng (N.V.L) của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho chúng ta thấy tầm quan trọng giữa “Lời nói và việc làm” của người cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Nhà nước. Tất cả những điều đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong bối cảnh hiện nay toàn Đảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Dư luận bấy lâu nay đã đề cập nhiều về “sự trung thực” của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong xã hội ta. Họ thường có lời nói và việc làm không đi đôi với nhau, không trung thực trong việc kê khai tài sản, nguồn gốc tài sản. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm suy giảm lòng tin nghiêm trọng của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên hiện nay.

Không ít cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý thường xuyên tuyên truyền công tác phòng chống tham nhũng, quán triệt tinh thần tự phê bình và phê bình đến cán bộ cấp dưới như một khẩu hiệu thường trực. Tuy nhiên, những việc làm thực tế của những cán bộ, lãnh đạo đó lại chưa phản ánh đúng với những gì họ đã nói, đúng là “nói một đằng làm một nẻo”. Nói không đi đôi với làm chính là thiếu trung thực, là bệnh thành tích, bệnh giáo điều, thói háo danh, nói dối, khai man... nhằm động cơ vụ lợi cá nhân.

Cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý “nói nhiều, làm ít”, nói thì hay, làm thì dở, hoặc “hứa nhiều” nhưng “hứa rồi để đấy không làm”, đây không phải là chuyện hiếm gặp trong xã hội ta. Ở đâu tồn tại những cán bộ, đảng viên “nói một đằng làm một nẻo” ở đó sẽ có tình trạng mất đoàn kết, nghi kỵ và đề phòng lẫn nhau, thậm chí “trên bảo dưới không nghe”. Hệ lụy kéo theo là kết quả xấu, cấp dưới sẽ làm việc theo kiểu đối phó, dẫn đến nhiều công việc bị chậm trễ, đình trệ, chất lượng và hiệu quả công việc thấp, nguy hiểm hơn đó là những cán bộ, đảng viên hàng ngày trực tiếp giải quyết những công việc, thủ tục hành chính, quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nếu không khắc phục được tình trạng “lời nói” không đi đôi với “việc làm” của cán bộ như đã nói ở trên sẽ dẫn đến tác hại rất nghiêm trọng. Nó sẽ làm xói mòn lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là tấm gương sáng ngời để các thế hệ học tập, noi theo. Ngay việc dùng bút danh N.V.L thể hiện quan điểm “Nói và Làm” cho hầu hết các bài báo của mình cho thấy đồng chí đã rất tinh tế nhắc nhở mình, nhắc nhở những cán bộ, đảng viên làm công tác quản lý trong bộ máy Nhà nước cần có lời nói luôn phải đi đôi với việc làm, phải thực sự là những tấm gương để quần chúng noi theo. Khi đó nói người ta mới nghe, mới tin và làm theo. (Còn tiếp)

 “Những việc cần làm ngay” đề cập đến nhiều lĩnh vực xã hội ở tầm vĩ mô, ở lĩnh vực nào đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng có những phát hiện mới và nêu cách giải quyết cụ thể. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động khi Đảng vừa khởi xướng công cuộc đổi mới vì mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh này được thực hiện theo phương châm dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, nên đã tranh thủ được sự đồng tình và hưởng ứng rộng rãi của công luận, tạo ra hiệu quả xã hội to lớn, góp phần đẩy lùi tiêu cực, đem lại phấn khởi và niềm tin cho đông đảo nhân dân vào thắng lợi của công cuộc đổi mới.

 

 KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU (Theo Nguyễn Khắc Trường - Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)