Nguyễn Thị Bích Vân: Nữ đảng viên trẻ “mê” công tác thanh niên!
8 năm gắn bó với công tác thanh niên, với chị Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Bí thư Huyện đoàn - Chủ tịch Hội LHTN huyện Dầu Tiếng, là những tháng ngày đáng nhớ. Ở chị có sự sôi nổi, tích cực với các hoạt động đoàn kết, tập hợp thanh niên không mệt mỏi. “Trong tập thể, tôi thấy mình trưởng thành hơn” - chị bộc bạch.
Trong chiếc áo xanh với phong cách mộc mạc, giản dị, Nguyễn Thị Bích Vân thật trẻ trung và tràn đầy sức sống ở tuổi 28. Chị cho biết sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp hành chính, chị về đầu quân cho văn phòng Đoàn huyện Dầu Tiếng do rất đam mê công tác Đoàn. “Hồi học sinh, sinh viên cũng vậy, tôi đã yêu thích và tham gia sôi nổi các hoạt động phong trào của nhà trường. Vì thế, tôi quyết định về phục vụ công tác Đoàn ở địa phương dù biết rằng sẽ có nhiều khó khăn trong công tác tập hợp thanh niên do Dầu Tiếng là địa bàn rộng, thanh niên nông thôn nhiều và thanh niên phải đi làm ăn xa cũng không ít” - Vân cho biết.
Năm 2002, chị là cán bộ văn phòng Đoàn của huyện. 2 năm sau, chị được tín nhiệm giữ vai trò Phó Chủ tịch hội; năm 2005 kiêm nhiệm công tác Đoàn; năm 2008 Phó Bí thư Huyện đoàn, năm 2009 Chủ tịch Hội LHTNVN huyện Dầu Tiếng. Trong vai trò người đại diện cho tầng lớp thanh niên, chị luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là đảng viên luôn hoàn thành nhiệm vụ, vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ lẫn nhau được 55 triệu đồng, giới thiệu 154 thanh niên có việc làm, mở 13 lớp nghề và vay quỹ xóa đói giảm nghèo với số tiền 298 triệu đồng... Chị kể, lúc đầu đứng trước đám đông nói chuyện mình còn khá nhút nhát và rụt rè. Nhưng vì lòng đam mê và sự ham hiểu biết mà chị trở nên dạn dĩ và tự tin như bây giờ. “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học” với chị là rất đúng. Bởi trong công việc, chị là người không giấu dốt, không ngại hỏi. Gặp vấn đề gì chưa hiểu trong công tác là chị tìm đến các anh chị đi trước, học hỏi qua sách báo, internet, các bạn thanh niên để có những cách làm hay và những lời khuyên bổ ích. Nhờ đó, chị luôn có sự trưởng thành, tiến bộ.
Là một địa bàn vùng xa nhưng ưu điểm là Huyện ủy, UBND huyện và các ban, ngành có sự quan tâm, hỗ trợ đối với công tác nghề nghiệp cho thanh niên công nhân, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề... giúp công tác thanh niên của Huyện đoàn gặp nhiều thuận lợi. Với chị, khi tập hợp thanh niên lại thành một tập thể đoàn kết, vui tươi là chị cũng vui và thấy mình sống có ích. Có lẽ, đó là chất keo kết dính chị với công tác hội một cách tự nhiên. Chị nhớ nhất là lần thanh niên huyện tham gia vớt lục bình trên sông Sài Gòn. Công việc khó khăn vậy mà mọi người ai cũng nhiệt tình, hăng hái làm việc, còn sáng kiến ra nhiều cách để cho buổi lao động được hiệu quả. “Trong tập thể, tôi thấy mình lớn hơn” - chị phấn khởi.
Về với tổ ấm gia đình, chị là mẹ của cậu con trai nhỏ. Ngay từ khi quen nhau, chồng chị luôn ủng hộ chị trong công tác Đoàn vì biết rằng đó là công việc lắm khi đi sớm về khuya. Chị xúc động: “Nhiều khi đi công tác suốt ngày bỏ con cho ông bà ngoại mà cảm thấy thương vô cùng. May mắn là người thân trong gia đình của tôi luôn động viên, chia sẻ!”.
Chị còn là thành viên nòng cốt của CLB Thanh niên tiên tiến tỉnh. Với sự nỗ lực và những thành tích đạt được, chị nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp Đoàn, Hội như huy hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2007, bằng khen Trung ương Hội, giấy khen của Hội Chữ thập đỏ, giấy khen Tỉnh đoàn, danh hiệu đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2009...
NGỌC TRINH