Nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện

Thứ tư, ngày 08/12/2021

(BDO) Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021, quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo đó Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Vận động đóng góp để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; vận động đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo từng trường hợp cụ thể.

- Vận động đóng góp phải bảo đảm kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp; các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.

- Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

- Kinh phí phục vụ cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách Nhà nước và quy định tại Nghị định 93/2021/ NĐ-CP.

Ngoài ra, Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như:

- Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

- Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.

- Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trong tình hình hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức dùng sự uy tín của mình để kêu gọi quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để tư lợi. Thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin rất nhiều về các trường hợp này. Xét về mặt pháp lý, nếu một tổ chức, cá nhân tự đứng ra kêu gọi và nhận quyên góp với mục đích từ thiện, nhưng sau đó không thực hiện đúng như những gì mà họ đã công bố trước đó, thì hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng có những trường hợp các tổ chức cá nhân kêu gọi từ thiện, nhưng trong quá trình đó số tiền từ các nhà hảo tâm đóng góp rất lớn, sau đó các tổ chức, cá nhân này cũng thực hiện việc từ thiện nhưng chỉ sử dụng một phần số tiền mà họ nhận được, số còn lại họ bỏ túi riêng. Với hành vi này đã có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cũng mong rằng với sự điều chỉnh kịp thời của pháp luật, công tác từ thiện sẽ sớm đi vào nề nếp, phát huy đúng với tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 11-12-2021.

HỘI LUẬT GIA