Nguyên tắc phục hồi dinh dưỡng tại nhà, cho nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ và vừa

Thứ tư, ngày 14/09/2011

Khi trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ và vừa (còn gọi độ I, độ II) thì không cần thiết phải nhập viện điều trị vì chỉ làm trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm từ bệnh viện, trẻ chỉ cần điều trị tại nhà bằng chế độ ăn và chăm sóc.

Nguyên tắc phục hồi dinh dưỡng tại nhà cho trẻ

Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, bất cứ lúc nào kể cả ban đêm. Nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa, dùng các loại sữa bột công thức theo tháng tuổi hoặc dùng sữa đậu nành.

Nếu trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cho trẻ ăn bổ sung phù hợp số tháng tuổi và tăng số bữa ăn lên, thức ăn phải được nấu kỹ, nấu xong cho trẻ ăn ngay.

Đối với trẻ SDD, để có được sự tăng trưởng bù, nên tính nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi hơn là tính dựa vào cân nặng thực tế. Công thức tính nhu cầu năng lượng theo tuổi:

E = 1.000 Kcal + (100 x n)

Với n là số tuổi của trẻ.

Vì nhu cầu năng lượng của trẻ em cao hơn so với dung lượng dạ dày của trẻ (dung tích dạ dày của trẻ em 200 - 300ml) nên muốn cung cấp đủ năng lượng cho trẻ thì thức ăn phải có đậm độ năng lượng cao. Cách tăng đậm độ năng lượng của thức ăn:

- Cho thêm dầu mỡ.

- Bớt nước khi nấu.

- Sử dụng các loại men hoặc hạt ngũ cốc đã lên mầm làm lỏng thức ăn. Cụ thể là: Có thể dùng giá đậu xanh để làm lỏng thức ăn cho trẻ, tức là có thể tăng lượng bột khô lên 2 - 3 lần mà độ lỏng của bột không thay đổi. Cứ 10g bột cho 10g giá đậu xanh giã nhỏ lọc lấy nước.

Những loại thực phẩm nên dùng cho trẻ bị SDD

- Gạo, khoai tây.

- Thịt: gà, heo, bò, tôm, cua, cá, trứng. Đối với trẻ suy dinh dưỡng có thể ăn mỗi ngày 1 quả trứng gà.

- Dầu, mỡ.

- Các loại rau xanh và quả chín.

BS. NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT