Nguyễn Đức Huyên: Thăng hoa với nghệ thuật làng nghề
Với tôi, Đức Huyên là một chàng trai khá đặc biệt. Anh sinh ra và lớn lên tại miền Trung, song lại rất có duyên với Bình Dương. Đức Huyên nuôi dưỡng một tình yêu, đam mê rất lớn với các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống như gốm, tranh lụa… Đặc biệt, anh dành một góc rất lớn trong trái tim yêu ấy cho sơn mài truyền thống của đất Thủ.
Có dịp thăm “phòng tranh” thu nhỏ của Đức Huyên tại nhà, chúng tôi mới thấy hết được tình yêu anh dành cho mỹ thuật. Không gian này giống như một “thư viện” thu nhỏ, nơi có thể tìm thấy nhiều thông tin về các tên tuổi nghệ nhân trong làng nghề sơn mài truyền thống. Tất cả được trưng bày, giới thiệu một cách bài bản, đầy trân trọng. Hiện tại, Đức Huyên đang dần hoàn thiện bộ sưu tập các tác phẩm của những họa sĩ, nghệ nhân, tài danh không chỉ riêng ở đất Thủ, mà còn có ở các làng nghề khác trên cả nước, nhằm tạo sự phong phú cho bộ sưu tập của mình.
Ở mảng tranh lụa, Đức Huyên có tác phẩm của những tên tuổi như Ngô Từ Sâm, Duy Liêm… vốn là những bậc thầy rất được kính nể, cảm phục bởi tài hoa của họ. Với mảng sơn mài truyền thống, mà chủ yếu là trên đất Bình Dương, Đức Huyên tỏ ra như một chuyên gia thật sự khi chia sẻ rành mạch về lịch sử hình thành, phát triển của làng nghề. Kể tới đâu, Huyên đều có những căn cứ chứng minh rất cụ thể. Huyên dẫn dắt chúng tôi bằng những bức tranh, những tấm thẻ hành nghề của các nghệ nhân tại cơ sở sơn mài Thành Lễ cách đây 51 năm. Ở mỗi nghệ nhân, họa sĩ như: Nguyễn Hữu Sang, Văn Ki, Trần Hà, Thành Lễ… Đức Huyên đều có trong tay ít nhất 1 hay 2 tác phẩm. Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong việc tìm hiểu, tiếp xúc với sơn mài truyền thống, Đức Huyên hiểu rõ phần lớn phong cách riêng của từng nghệ nhân. Giờ đây, chỉ cần nhìn vào tranh anh cũng có thể nhận biết đó là tác phẩm của ai. Đức Huyên kể: “Có những cuộc hội ngộ mà đến giờ này tôi vẫn còn thấy vui. Trong đó, sưu tầm được tranh của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sang và được trò chuyện cùng ông là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Tôi nghĩ việc làm của mình sẽ tiếp tục tạo cảm hứng rất đặc biệt cho các họa sĩ, nghệ nhân thăng hoa và gìn giữ làng nghề…”.
Không chỉ dành sự trân trọng cho các nghệ nhân bậc thầy, Đức Huyên còn “hâm mộ” những họa sĩ trẻ như Nguyễn Văn Quý, Thái Kim Điền, Nguyễn Tấn Công, Nguyễn Quang Sơn, Hoàng Văn Cử… Theo Đức Huyên, bất cứ một nghề truyền thống nào muốn tồn tại và phát triển đều phải có sự kế thừa. Bởi vậy, những người trẻ cũng cần được trân trọng và động viên để tạo động lực cho họ theo đuổi và gắn bó với nghề.
Còn với tôi, những người như Đức Huyên cũng chính là nhân tố quan trọng trong sự kế thừa và phát huy nghề truyền thống. Tôi thật sự dành cho Huyên lời cảm ơn sâu sắc, bởi chính anh đã lan truyền cảm hứng cho nhiều người trong nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc của làng nghề truyền thống.
SONG ANH