Nguyên đạo diễn truyền hình kiêm nhà phê bình văn học (Nhật Bản) Konaka Yotaro: “Đại tướng hội tụ trong mình 3 phẩm chất anh hùng… ”

Thứ bảy, ngày 12/10/2013

Nguyên đạo diễn truyền hình kiêm nhà phê bình văn học, tiểu thuyết gia người Nhật Bản, ông Konaka Yotaro là một trong số những người Nhật luôn dành tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam và ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện cùng vị đạo diễn danh tiếng này xung quanh những suy nghĩ của ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

 

Từ 12 giờ trưa hôm qua (11-10), cờ rủ đã được kéo lên tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), bắt đầu hai ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trước tiên, tôi xin được gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì mất mát lớn này. Là thế hệ những người dân Tokyo từng tham gia phong trào phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giành độc lập tự do mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhân dân Việt Nam theo đuổi. Tuy rằng người châu Á chúng ta thường có quan niệm rằng trên 100 tuổi thì đã là “người trời” nhưng nghe tin Đại tướng từ trần, tôi vẫn không nén nổi cảm xúc đau buồn. Tôi xin chia sẻ mất mát lớn lao này với Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Nói về ấn tượng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đạo diễn Konaka Yotaro cho biết có 3 điều: “Thứ nhất, Đại tướng là anh hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi luôn giữ bên mình cuốn sách có tên “Shimin no koyomi” (tạm dịch là “Biên niên sử của các thị dân”) trong đó ghi lại các sự kiện trọng đại của thế giới. Cuốn sách viết như thế này, ngày 7-5 là ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam phát động các đợt tấn công nhằm vào cứ điểm Điện Biên Phủ từ tháng 3 đến tháng 7-1954. Với sức mạnh thô sơ, những người lính nông dân đã đào đường hầm và địa đạo sâu dưới lòng đất bằng chính sức người để giành chiến thắng bất ngờ trước lực lượng quân sự hùng hậu của Pháp có lúc lên tới 16.200 người. Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 7-1954 cũng là lúc tôi bước vào đại học. Khi được nghe về chiến thắng này, người Nhật chúng tôi cũng không thể tin được rằng Việt Nam lại có thể giành chiến thắng trước người Pháp. Nhưng sau đó chúng tôi còn khâm phục hơn khi chứng kiến Việt Nam đánh thắng Mỹ như thế nào. Điện Biên Phủ là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của chiến tranh nhân dân, của sức mạnh lòng dân mà tinh hoa cao nhất chính là vị anh hùng Võ Nguyên Giáp.

Tháng 2-1965, Mỹ lại đổ quân vào Việt Nam. Đứng trước hành động đó của Mỹ, những thanh niên Nhật Bản thời đó, gồm có tôi, đã thành lập “Liên minh thị dân vì hòa bình” phản đối sự can thiệp của quân đội Mỹ vào Việt Nam, phát động phong trào phản chiến ở Nhật Bản. Chúng tôi đã xuất bản rất nhiều cuốn sách chống chiến tranh trong giai đoạn này như cuốn “Biên niên sử” đã nêu ở trên và cuốn “Thúc đẩy phong trào phản chiến.” Trong các cuốn sách này, chúng tôi đều viết về chiến thắng chấn động địa cầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điểm thứ hai, đó chính là nghệ thuật chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dày công nghiên cứu và nâng lên tầm lý luận. Vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ lên đến cao trào, chúng tôi đã có dịp diện kiến “Madame Bình,” tên gọi lịch lãm mà truyền thông nước ngoài dành cho nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người giữ cương vị trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Mặt trận này cũng nằm trong thế trận Chiến tranh nhân dân của Tướng Giáp. Rõ ràng, phẩm chất anh hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện trong vai trò thống lĩnh quân đội của ông trên cả hai mặt trận, một ở miền Bắc và một ở miền Nam.

Điều sau cùng khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là vai trò kiến tạo hòa bình. Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam vẫn còn ngổn ngang những vấn đề hậu chiến như khủng hoảng biên giới và sự khác biệt về kinh tế cũng như văn hóa của hai miền. Trong hoàn cảnh ấy, Đại tướng luôn có ảnh hưởng quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết và thống nhất đất nước sau chiến tranh. Tôi cho rằng từ trước tới nay, chưa từng có ai hội đủ một lúc tới 3 phẩm chất trong một con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là anh hùng chống Pháp, anh hùng chống Mỹ và anh hùng trong thời bình”.

Trả lời suy nghĩ thế nào về những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho châu Á và cho nhân loại, đạo diễn Konaka Yotaro, cho rằng những vị anh hùng kiệt xuất trong lịch sử thế giới không phải là ít, có thể kể đến như Chủ tịch Fidel Castro của Cuba, Tổng thống Goerge Washington của Mỹ, Hoàng đế Napoleon của Pháp… Họ đều là những quân nhân, là “võ tướng”. Nhưng một vị tướng tinh thông cả “văn” lẫn “võ” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người có thể vạch ra chiến lược cho cả một giai đoạn của cuộc chiến thì chỉ có một mà không có hai. Điều đáng ngạc nhiên là Đại tướng lại không xuất thân từ một quân nhân chuyên nghiệp hay trải qua bất kỳ trường võ bị nào mà là vị tướng tự đào tạo.

“Trong ông lại có cốt cách của một “văn nhân” chứ không phải “võ tướng.” Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh - một “văn nhân” lỗi lạc, chỉ có thể là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo tôi, ông là vị tướng kiệt xuất trong lịch sử nhân loại. Xét về một phương diện nào đó, ngay cả Napoleon hay Washington cũng khó so bì. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời phẩm chất của một người yêu chuộng hòa bình và nỗ lực kiến tạo hòa bình”, đạo diễn Konaka, nói.

Lý giải về chiến thắng Điện Biên Phủ, với cách nhìn của một người từng gắn bó với phong trào chống chiến tranh Việt Nam trong nhiều năm, đạo diễn Konaka Yotaro, cho biết: Lý do cho chiến thắng gây tiếng vang trên toàn thế giới này cũng đã được ông đưa vào trong cuốn “Thúc đẩy phong trào phản chiến” của mình. Người dân Việt Nam tham gia cuộc chiến để giành độc lập và tự do cho dân tộc mình, thoát khỏi ách độ hộ thực dân. Điều đó khác hoàn toàn với hành động xâm lược một quốc gia nào đó để mở mang bờ cõi như Pháp hay Mỹ. Quân đội Pháp có sức mạnh và trang bị vũ khí hiện đại nhưng họ không hề có lý tưởng. Nhìn lại quân đội Nhật Bản trước đây cũng vậy, họ thất bại vì đã đánh mất lý tưởng giải phóng châu Á. “Rõ ràng, về điểm này Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân cho chính nghĩa và lý tưởng tìm kiếm độc lập tự do cho dân tộc. Một lý giải quan trọng nữa nằm ở trí tuệ thiên tài của người cầm quân như Tướng Giáp từ phương thức tác chiến đến quan điểm đánh chắc tiến chắc. Ông đã biết cách kết hợp và phát huy sức mạnh của những người lính xuất thân từ nông dân và sức mạnh của chủ nghĩa cộng sản. Tướng Giáp có khả năng khơi dậy truyền thống lịch sử dân tộc, phát huy sức mạnh tự thân trong điều kiện vũ khí còn thô sơ để giành lợi thế trên chiến trường”, đạo diễn Konaka Yotaro nói.

Điều mà đạo diễn Konaka Yotaro cảm thấy còn trăn trở khi nói về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thế hệ trẻ ngày nay có thể sẽ quên mất những khó khăn và gian khổ mà cha ông đã giành được sau cuộc chiến. Ở Nhật Bản hay ở Việt Nam cũng vậy. Bài học lịch sử về các trận đánh và những chiến thắng luôn được dạy cặn kẽ ở các trường học nhưng hậu thế sẽ khó mà biết hết được những gian truân và mất mát của con người trong chiến tranh. “Tôi cho rằng điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở đó là thế hệ trẻ cần phải thấu hiểu được rằng có sự hy sinh to lớn của cha anh thì mới có được hòa bình như ngày hôm nay”, đạo diễn Konaka Yotaro nhấn mạnh.

 

 (Nguồn Vietnam+)