Nguyễn Bá Nhân với truyện ký “Chim Quy gọi bạn”

Thứ bảy, ngày 10/11/2018

Tôi hỏi ông sao lại lấy tên sách như thế, ông giải thích đó là con chim Từ Quy, loài chim mang một huyền thoại về tình yêu, về tình cảm dành cho gia đình, nguồn cội và bao trùm hết là tình yêu quê hương, đất nước này…

(BDO)

 Nguyễn Bá Nhân đang ký sách tặng bạn bè

 Theo Nguyễn Bá Nhân (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), thời gian về An Thạnh, TX.Thuận An lấy tư liệu viết bài về các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ông đã may mắn gặp được bà Quách Thị Lương Truyền khi bà còn sống cùng với con gái của bà là Thái Thị Trung (tức là nhân vật Út Trung), người mà tác giả đổi tên thành Út Mai trong tác phẩm này. Chiến tranh đã để lại biết bao bi kịch, đau thương, nhiều gia đình cũng chịu chung bi kịch chiến tranh để rồi ly tán, mất mát.

Truyện ký mở đầu từ gia đình ông bà Năm Hậu ở xã An Sơn, TX.Thuận An. Ông bà có 3 người con Hai Xê, Ba Truyền và Út Tài. Ông bà Năm Hậu sống bằng nghề đốn củi ở rừng, chở về bán cho các lò chén ven sông. Gia sản lớn nhất là chiếc ghe chở củi này. Ông bà bị giặc Pháp bắn chết, ghe và xác 2 vợ chồng bị cuốn trôi để lại 3 đứa con bơ vơ và rồi họ cũng theo cách mạng kháng chiến, trả thù nhà, đền nợ nước. Kết thúc truyện ký là cảnh đám giỗ ông bà Năm Hậu sau 20 năm kết thúc chiến tranh với những người thân, với những câu chuyện buồn vui, được, mất.

Câu chuyện được bà Ba Truyền kể lại như nói về lịch sử gia đình bà trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, sự hy sinh của bà cùng các con làm cho tác giả xúc động để viết nên truyện ký này. Không chỉ dừng lại ở việc viết một bài báo về mẹ Việt Nam anh hùng cho tập sách viết chung (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tập hợp, xuất bản) mà ông đã mày mò tìm hiểu tư liệu, kỳ công để viết nên một quyển truyện ký dài hơn 250 trang. Có thể nói, nhà văn khi tìm được mạch nguồn hấp dẫn trong cuộc sống, họ sẽ đau đáu với từng thân phận trong đó để viết nên một tác phẩm văn học, để nói hết những gì mà khuôn khổ một bài báo không nói hết được. Nguyễn Bá Nhân cũng thế, ông cảm thấy như mình có trách nhiệm phải viết thật kỹ, làm thật đúng với tất cả tấm lòng của một người cầm bút dành cho một gia đình có truyền thống cách mạng vẻ vang như thế. Theo ông Nguyễn Bá Nhân, trong quá trình trăn trở, thai nghén cho tác phẩm, ông đã tạo ra các nhân vật có điều kiện lịch sử giống nhau nhưng sinh động hơn, xuyên suốt tác phẩm hơn.

Cảm phục về sự hy sinh của một gia đình thường dân mà đáng ra họ phải có một cuộc sống bình yên nếu không có chiến tranh, nếu quê hương không bị giặc càn phá, truyện ký này còn nói về tình yêu đôi lứa của Hai Lễ và Út Mai, đó là một chuyện tình mang tên Từ Quy, một loài chim huyền thoại, tác giả đã viết nên cuốn sách này. Cuốn sách cũng mô tả cuộc chiến đấu của bà con trong và ngoài nhà tù viết về cuộc kháng chiến thần thánh của hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một (cũ) nói riêng và Nam bộ nói chung. Người dân An Thạnh xưa vẫn còn nhớ hình ảnh của Trung đội nữ trực thuộc C63 đóng tại An Sơn, An Quới... nhớ tới đội quân Tóc dài cũng do Út Trung (trong truyện là Út Mai) làm thủ lĩnh.

Ông Nguyễn Bá Nhân là một trong số tác giả viết văn xuôi sung sức của Bình Dương. Một số tác phẩm và giải thưởng của Nguyễn Bá Nhân có thể kể đến như: Truyện ký viết về Chiến Khu Đ miền Đông Nam bộ, Truyện ký viết về ngành Bưu điện của tỉnh, giải thưởng cho truyện ký viết về Cao su Bình Dương; giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ năm 2010; giải thưởng viết về đất và người Bình Dương năm 2017, 2018... Trước đây, ông cũng đã xuất bản cuốn “Đứa con của biển” năm 2012 và tái bản năm 2014.

Mỗi lần gặp mặt, tôi lại nghe ông kể về những dự định viết lách của mình. Đi, tìm vốn sống và viết, hình như ông chỉ mong có thế và chúc cho Nguyễn Bá Nhân sẽ tiếp tục với những tác phẩm mới của ông...

 QUỲNH NHƯ