Nguy cơ về sức khỏe của thừa cân, béo phì ở trẻ
Thời gian qua, dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em (CTTTDDTE) tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp can thiệp, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ thừa cân, béo phì (TCBP) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh. Dù tỷ lệ TCBP ở trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, do đó, trong thời gian tới, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối kết hợp hiệu quả giữa các ban ngành bằng những giải pháp can thiệp tích cực…
(BDO) Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em cần có sự chung tay của toàn xã hội
Thực trạng
Bình Dương là một trong những tỉnh có tỷ lệ TCBP tăng rất nhanh. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ TCBP của trẻ em dưới 5 tuổi năm 2012 là 6,7% và năm 2014 là 13,4% (tăng gấp 2 lần năm 2012). Năm 2015, tỷ lệ TCBP trẻ em dưới 5 tuổi là 13%. Kết quả điều tra cũng cho thấy, tỷ lệ TCBP tập trung ở các địa bàn như: TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, TX.Dĩ An. Tình trạng TCBP của tỉnh Bình Dương thường gặp ở trẻ em từ 4 - 5 tuổi và tập trung chủ yếu trong các nhà trẻ mẫu giáo trên địa bàn thành phố, thị xã. Bác sĩ Võ Nguyên Diễm Thy, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, nguyên nhân gây TCBP phần lớn là do tiêu thụ lượng calorie quá mức cần thiết, thiếu vận động hoặc cả hai yếu tố trên. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân bệnh lý gây TCBP ít gặp hơn như rối loạn nội tiết...
TCBP là yếu tố nguy cơ của các bệnh mãn tính không lây. TCBP làm gia tăng mắc các bệnh tim mạch như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hội chứng chuyển hóa… Những trẻ béo phì có khuynh hướng lớn lên sẽ trở thành người trưởng thành béo phì. Ngoài ra, TCBP còn ảnh hưởng đến tâm lý như trẻ bị mặc cảm, kém tự tin, ngại giao tiếp với bạn, lo lắng, trầm cảm. Những tác hại trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, khả năng học tập và lao động của các em. Vì vậy, can thiệp TCBP ở trẻ em là nhiệm vụ cấp bách và cần có sự can thiệp của nhiều ban, ngành.
Can thiệp bằng nhiều giải pháp
Thời gian qua, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã tham mưu cho Ban chỉ đạo dự án CTTTDDTE tỉnh đề ra nhiều giải pháp can thiệp giảm TCBP ở trẻ dưới 5 tuổi. Đối tượng ưu tiên được xác định là trẻ em dưới 5 tuổi trong các cơ sở mầm non trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát và TX.Dĩ An - những nơi có tỷ lệ TCBP cao của tỉnh. Hoạt động can thiệp chú trọng vào các nhóm nguyên nhân quan trọng và các yếu tố nguy cơ được xác định có ảnh hưởng đến tình trạng TCBP của trẻ dưới 5 tuổi. BS Diễm Thy cho biết: “Định hướng tập trung can thiệp các yếu tố nguy cơ, lấy dự phòng làm nền tảng. Các vấn đề dinh dưỡng hiện nay chủ yếu là thiếu hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Truyền thông giáo dục dinh dưỡng là giải pháp nòng cốt nhằm nâng cao nhận thức, dự phòng hiệu quả TCBP. Chú trọng đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác dinh dưỡng. Xây dựng và triển khai các mô hình can thiệp thí điểm để có bằng chứng xác thực về tính khả thi và hiệu quả trước khi can thiệp trên diện rộng”. Bằng nhiều hoạt động can thiệp, đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ TCBP trên địa bàn tỉnh: Tỷ lệ TCBP trẻ em dưới 5 tuổi của toàn tỉnh năm 2014 là 13,4%, đến năm 2015 là 13%; tỷ lệ TCBP trẻ em dưới 5 tuổi của ngành Mầm non năm 2014 là 10,8%, đến năm 2015 là 8,5%.
Việc can thiệp giảm tỷ lệ TCBP là việc làm cần được thực hiện thường xuyên với nhiều giải pháp tích cực. Trên cơ sở những kết quả đạt được, BS Diễm Thy cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống TCBP. Các giải pháp khác cũng được đẩy mạnh như: tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn trong dự phòng, giám sát và chẩn đoán, quản lý, điều trị TCBP trẻ em dưới 5 tuổi cho cán bộ mạng lưới của toàn tỉnh và giáo viên ngành mầm non, Sở Giáo dục - Đào tạo…
HỒNG THUẬN