Nguy cơ thiếu điện đã hiện rõ
Theo tính toán của EVN, sản lượng điện phát tối đa trung bình ngày toàn hệ thống trong các tháng 4, 5 và 6 năm nay chỉ đạt mức 270, 275 và 285 triệu kWh/ngày. Như vậy, mức thiếu hụt điện năng của hệ thống điện quốc gia có thể lên đến 10 - 15 triệu kWh/ngày.
Để đối phó với tình hình thiếu điện đang ngày càng căng thẳng, nhiều chủ DN và hộ gia đình đã nghĩ đến việc mua máy phát điện dự phòng. Ảnh : HOÀNG VŨTrong thông cáo gửi các cơ quan báo chí mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết Việt Nam đã khắc phục được tình trạng thiếu hụt điện năng trong các tháng mùa khô của một số năm trước, về cơ bản đã đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình khô hạn nghiêm trọng diễn ra từ nửa cuối năm 2009 trên cả nước đã ảnh hưởng lớn đến việc tích nước các hồ thủy điện. Dẫn đến tổng sản lượng thủy điện thiếu hụt do không tích được đầy các hồ thủy điện lên đến gần một tỷ kWh.
Theo dự báo, từ nay đến cuối mùa khô năm 2010, tình hình thiên tai, thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khô hạn có thể kéo dài, mùa mưa có thể đến muộn hơn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và đủ điện cho các nhu cầu xã hội. Thêm vào đó, nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại, đòi hỏi nhu cầu điện lớn, trong 3 tháng đầu năm 2010, nhu cầu điện tăng gần 22%; dự báo năm 2010, nhu cầu điện có thể tăng đến 18% làm cho việc cung ứng điện càng khó khăn, có khả năng xảy ra thiếu hụt điện năng nghiêm trọng vào mùa khô năm 2010, nếu không có các giải pháp cấp bách, kịp thời.
Mới đây, phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thừa nhận, do tình hình khô hạn kéo dài, bên cạnh việc xả nước phục vụ tưới tiêu thì mục tiêu bảo đảm đủ điện trong những tháng mùa khô còn lại (từ tháng 4 đến tháng 6) khá căng thẳng và lượng thiếu hụt có thể lên tới gần 600 triệu kWh. Theo tính toán, mức tăng trưởng GDP là 5,83% thì tốc độ tăng trưởng của điện từ 12 - 13% là bình thường, nhưng hiện nay, con số tăng trưởng đã tăng gần gấp đôi (22,6%) là mức báo động. Hiện công suất cấp cho ngành điện do EVN tự đảm đương chỉ chiếm hơn 60%, còn gần 40% là ngoài EVN và những đơn vị khác. Theo EVN, nếu các đơn vị ngoài EVN không bảo đảm cung cấp phần còn lại, sẽ là rất khó khăn để bảo đảm nguồn điện phục vụ cho sản xuất và dân dụng trong thời gian tới.
Trước tình hình khô hạn nghiêm trọng, khả năng xảy ra thiếu hụt điện năng lớn vào mùa khô năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện trong các tháng mùa khô. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... phải tăng cường các biện pháp, phối hợp để bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và dân dụng.
Theo EVN hiện đơn vị này đang tập trung một số giải pháp, giữ nước các hồ thủy điện; tiếp tục mua điện từ bên ngoài; trưng dụng các nhà máy phát điện ngoài EVN đang trong giai đoạn chạy thử để tăng cường dự phòng cho việc cung cấp điện khi cần thiết. EVN cũng sẽ huy động thêm các nhà máy phát điện chạy dầu như Thủ Đức, Cần Thơ... Tuy nhiên, có một thực tế đang lo ngại, trong khi tình hình thiếu điện đang diễn ra trầm trọng thì việc sử dụng điện năng trong sản xuất và dân dụng vẫn đang rất lãng phí.
THÀNH SƠN