Nguy cơ tái nhiễm COVID-19 khi biến thể Omicron biến đổi không ngừng
(BDO)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm Y dược quốc gia ở Tokyo, ngày 1/2/2022
Sự xuất hiện của biến thể Omicron cùng các dòng phụ đang khiến ngày càng nhiều người dân Mỹ đặt câu hỏi về khả năng miễn dịch trước chủng virus không ngừng biến đổi này.
Hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang lây lan nhanh ở Nam Phi, khiến số ca mắc COVID-19 tại nước này một lần nữa tăng lên sau làn sóng Omicron đầu tiên vào cuối năm 2021.
Cách đó hàng nghìn km, nước Mỹ đang phải đối mặt với BA.2 - một dòng phụ khác của Omicron - đang lây lan mạnh, trong khi một dòng phụ khác có tên BA.2.12.1 cũng đang dần tiến tới trở thành biến thể chủ đạo.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trong tuần tính đến ngày 30/4, số ca nhiễm BA.2.12.1 chiếm khoảng 36% số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ, tăng từ mức khoảng 26% tuần trước đó.
Các quan chức y tế cho biết Mỹ đã đạt được mức độ miễn dịch cao đối với COVID-19, qua sự kết hợp giữa tiêm vaccine và tỷ lệ nhiễm bệnh trước đó.
Tính đến tháng Hai vừa qua, gần 60% người dân tại nước này đã nhiễm bệnh, trong đó trẻ em và thanh thiếu niên chiếm 75%.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các kháng thể được hình thành sau tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh dần suy yếu theo thời gian, trong khi mỗi biến thể phụ mới xuất hiện, mặc dù vẫn thuộc Omicron, vẫn khác biến thể phụ trước đó. Điều này đồng nghĩa khả năng chống lây nhiễm của một người có thể thay đổi và nguy cơ tái nhiễm có thể xảy ra.
Phó Giáo sư dịch tễ học Bill Hanage tại Đại học Havard nhận định hiện vẫn chưa thể đưa ra kết luận sâu rộng về mức độ nhạy cảm của người Mỹ đối với các biến thể phụ mới vì bối cảnh miễn dịch học ở Mỹ rất đa dạng: một số người đã tiêm vaccine, nhiều người khác chưa tiêm phòng nhưng đã mắc bệnh trước đó, trong khi một số khác đã tiêm phòng và đã mắc bệnh.
Giáo sư Julie Swann tại Đại học bang North Carolina cho rằng nguy cơ lây nhiễm của một người có thể phụ thuộc vào các yếu tố khác, chẳng hạn tuổi tác, bệnh lý nền và thời gian kể từ lần tiêm chủng gần nhất hoặc lần nhiễm bệnh gần nhất.
Trong khi đó, nhà virus học Alex Sigal tại Viện Nghiên cứu y tế châu Phi ở Nam Phi, cho rằng nhìn chung, những người đã được tiêm chủng dường như có sự bảo vệ tốt nhất chống lại các dòng phụ của Omicron.
Chuyên gia này là một trong những người tham gia nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi được đăng tải trực tuyến tuần trước, trong đó cho thấy những người đã nhiễm biến thể Omicron ban đầu dường như không có nhiều khả năng miễn dịch đối với các dòng phụ BA.4 và BA.5.
Để đi đến kết luận trên, các nhà khoa học đã xét nghiệm mẫu máu của 39 người (15 người đã được tiêm chủng và 24 người chưa được tiêm chủng) đã nhiễm biến thể Omicron ban đầu vào năm ngoái.
Những mẫu máu này, chứa các kháng thể đã được hình thành, được trộn với các mẫu biến thể phụ BA.4 và BA.5 để đánh giá hiệu quả mà các kháng thể có thể chống lại các biến thể phụ mới.
Kết quả cho thấy các biến thể phụ có thể né tránh các kháng thể ở cả những người đã tiêm và chưa được tiêm chủng, cho thấy virus có thể vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ miễn dịch và gây bệnh.
Tuy nhiên, vẫn có một số khác biệt đáng chú ý: trong các mẫu máu ở người chưa tiêm chủng, lượng kháng thể chống lại BA.4 và BA.5 giảm gần 8 lần so với biến thể Omicron ban đầu; ở các mẫu máu của người đã tiêm phòng, lượng kháng thể chỉ giảm khoảng 3 lần.
Điều này cho thấy những người chưa tiêm chủng khó có khả năng tránh mắc COVID-19 có triệu chứng.
Theo nhà virus học Sigal, các phát hiện cũng cho thấy những người vừa được tiêm chủng và nhiễm biến thể Omicron ban đầu thực sự đã hình thành khả năng miễn dịch rộng hơn và có thể chống lại các biến thể mới.
Ngay cả khi những người đã được tiêm chủng nhưng vẫn nhiễm, bệnh sẽ diễn biến nhẹ và không nghiêm trọng.
Giáo sư Vi sinh vật học và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Moore lưu ý các dữ liệu trên cho thấy các dòng phụ của biến thể Omicron ngày càng có khả năng chống lại các kháng thể cao hơn so với những biến thể trước đó.
Điều này có thể đặt ra mối đe dọa đối với những người đã tiêm phòng hoặc từng bị nhiễm.
Ông nhấn mạnh: "Đó là một sự cảnh báo rằng trong tương lai chúng ta sẽ chứng kiến sự tiến hóa liên tục và sự xuất hiện của nhiều biến thể đáng lo ngại hơn."
Mặc dù vậy, Phó Giáo sư Hanage nhận định dù nhiều người có thể dễ bị tái nhiễm, song sẽ ít người có khả năng bị bệnh nặng nhờ mức độ miễn dịch cao từ việc tiêm chủng và các lần nhiễm bệnh trước đó.
Cùng chung quan điểm, Giáo sư Swan dự đoán sẽ xảy ra một làn sóng dịch bệnh mới tại Mỹ vào tháng Sáu tới, khi khả năng miễn dịch được hình thành sau đợt lây nhiễm Omicron mới nhất và sau chiến dịch tiêm mũi tăng cường bắt đầu suy yếu.
Tuy nhiên, bà cho rằng tỷ lệ nhập viện và tử vong sẽ không lên tới mức đỉnh điểm mà nước này từng ghi nhận trong làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra vào mùa Đông vừa qua./.
Theo TTXVN