Nguy cơ tái diễn kịch bản hậu Mubarak tại Ai Cập
Lực lượng đối lập tại Ai Cập ngày 28-1 đã bác bỏ lời kêu gọi đối thoại dân tộc của Tổng thống Mohamed Mursi nhằm chấm dứt bạo lực tại nước này. Trong khi, Tổ chức Anh em Hồi giáo của Tổng thống Mursi đã lên tiếng chỉ trích quyết định của phe đối lập, đây được xem là động thái có thể làm kéo dài cuộc khủng hoảng chính trị mới tại Ai Cập khi mà tính đến nay, bạo lực tại đây đã bước sang ngày thứ 5 liên tiếp làm hơn 50 người thiệt mạng.
Một người biểu tình phản đối Tổng thống Ai Cập ném đá về phía cảnh sát chống bạo động trong cuộc đụng độ gần Quảng trường Tahrir ngày 28-1 Lãnh đạo liên minh đối lập “Mặt trận cứu quốc Ai Cập”, ông Mohamed El Baradei ngày 28-1 cho biết sẽ không đối thoại trừ phi các điều kiện của họ được đáp ứng.
Ông El Baradei nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không tham gia đối thoại. Chúng tôi sẽ gửi một thông điệp tới người dân và Tổng thống Ai Cập về những điều mà chúng tôi cho là cần thiết trong cuộc đối thoại. Nếu ông Mursi đồng ý, chúng tôi mới sẵn sàng đối thoại”.
Theo điều kiện mà phe đối lập đưa ra, Tổng thống Mursi phải thừa nhận trách nhiệm về các vụ bạo lực tại Ai Cập trong những ngày qua và đồng ý thành lập một chính phủ cứu quốc mới.
Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Mursi đã ngay lập tức phản đối tuyên bố của phe đối lập và bày tỏ sự ủng hộ quyết định của Tổng thống Mursi. Phó Chủ tịch Tổ chức Anh em Hồi giáo, ông Essam El-Erian nhấn mạnh: “Tôi tin rằng bài phát biểu của Tổng thống là nhằm phản ứng với yêu cầu của người dân và những người đại diện cho họ. Chúng tôi yêu cầu Tổng thống triển khai ngay những gì đã tuyên bố. Những người hoan nghênh đối thoại, trong đó có Tổ chức Anh em Hồi giáo, hy vọng đối thoại vẫn sẽ diễn ra. Chúng tôi không quan tâm đến những người bác bỏ đối thoại. Ai gây ra bạo lực sẽ bị xử lý theo luật pháp, cho dù họ có vị thế như thế nào trong xã hội”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng đối đầu giữa Tổng thống Mursi và phe đối lập chỉ gây bất lợi cho cả hai và có nguy cơ đẩy quốc gia với hơn 90 triệu dân rơi trở lại vòng xoáy phức tạp và nguy hiểm của một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội mới.
Trước đó, trong bối cảnh bạo lực bùng phát tại Ai Cập nhân kỷ niệm 2 năm ngày lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak, Tổng thống Mursi ngày 28-1, đã phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại 3 thành phố Port Said, Suez và Ismailia thuộc các tỉnh cùng tên nằm dọc kênh đào Suez. Ông cũng cho biết sẽ thực hiện các biện pháp khác cứng rắn hơn nếu tình trạng hỗn loạn vẫn tiếp diễn, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo đối lập và các chính đảng tham gia đối thoại vào ngày 28-1 nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong lúc này, bạo lực vẫn tiếp diễn tại Ai Cập trong ngày thứ 5 liên tiếp. Hàng trăm người biểu tình tối 28-1 tiếp tục đổ ra các đường phố của thủ đô Cairo, thành phố Alexandria và 3 thành phố chạy dọc kênh đào Suez gồm Port Said, Suez và Ismailia để phản đối việc Tổng thống Mursi áp đặt lệnh giới nghiêm tại 3 thành phố nêu trên.
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tiếp tục tiếp tục bị đẩy lên cao khi mâu thuẫn giữa các bên chưa được hóa giải. Những người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát và cảnh sát đáp trả bằng hơi cay. Bạo lực đã làm 1 người thiệt mạng do bị thương nặng. Vụ việc xảy ra ở gần quảng trưởng Tahrir nằm ngay khu trung tâm thương mại của thủ đô Cairo.
Một số người biểu tình nói: “Việc áp đặt tình trạng khẩn cấp sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Tại sao ông ấy có thể áp đặt một quyết định như vậy. Đây là một thảm họa. Nếu ông ấy đăng ký tranh cử, chúng tôi sẽ không bầu cho ông ấy”.
“Chúng tôi chỉ muốn ổn định. Các quyết định của chính phủ không được làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Hãy thử hình dung xem, nếu các cửa hàng buộc phải đóng cửa đến 9 giờ sáng thì phố xá khác nào buổi tối. Thật không công bằng”.
Nội các Ai Cập ngay trong ngày 28-1 đã thông qua một dự luật cho phép Tổng thống Mursi triển khai lực lượng vũ trang trên các đường phố để phối hợp và hỗ trợ cảnh sát giữ gìn an ninh cũng như bảo vệ các tòa nhà trọng yếu. Dự luật này nếu được Hội đồng Sura, tức Thượng viện Ai Cập, thông qua, sẽ được áp dụng cho đến sau cuộc bầu cử quốc hội sắp tới và sẽ được tổng thống viện đến khi thấy cần thiết.
Việc thông qua dự luật được xem là một nỗ lực của nội các Ai Cập và Hội đồng Sura do phe Hồi giáo chiếm đa số nhằm ngăn chặn tình hình ngày càng trở nên xấu đi.
Theo VOV