Nguy cơ bất ổn mới tại Mỹ Latinh
Nhật báo Reforma của Mexico ngày 29-3 dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ chuẩn bị ký hiệp định hợp tác quân sự với 2 quốc gia khác ở khu vực Mỹ Latinh sau khi đạt được một thỏa thuận tương tự với Colombia hồi tháng 10-2009. Theo Đại sứ của Mỹ tại Colombia, William Brownfield, danh tính 2 nước trên sẽ được giữ bí mật đến phút chót.
Thông tin này chắc chắn sẽ lại khiến Nam Mỹ một lần nữa “dậy sóng”. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ được quyền triển khai 800 quân chính quy và 600 nhân viên hợp đồng tới 7 căn cứ quân sự của Colombia, trong đó có căn cứ chiến lược Palenquero trong thời hạn 10 năm.
Ông W.Brownfield từng tuyên bố rằng Washington không có kế hoạch tham gia các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Colombia, nhưng giới phân tích chỉ ra rằng căn cứ không quân Palenquero có đường băng dài 3,5km được thiết kế dành cho máy bay vận tải lớn và nếu đúng như những gì ông W.Brownfield tuyên bố thì Mỹ không cần thiết có một căn cứ hoành tráng như vậy ở Colombia?
Vừa qua, báo chí Colombia cũng vừa phát hiện được một tài liệu để khẳng định căn cứ Palenquero thực sự là một mối lo cho các nước láng giềng của Colombia.
Theo Chương trình xây dựng ngân sách của quân đội Mỹ trong năm tài khóa 2010, không lực Mỹ đã yêu cầu chi 46 triệu USD để nâng cấp căn cứ không quân này vì nó mang ý nghĩa chiến lược, giúp thực hiện các nhiệm vụ của Mỹ trong phạm vi Colombia và các khu vực nằm trong tầm kiểm soát của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Mỹ Latinh. Điều này trái ngược hoàn toàn những tuyến bố của Mỹ rằng các hoạt động giúp đỡ của Mỹ chỉ trong biên giới Colombia.
Mỹ cũng khẳng định Palenquero là căn cứ “cung cấp một cơ hội cho các hoạt động đầy đủ tại Nam Mỹ”. Thuật ngữ “hoạt động đầy đủ” là điều mà báo chí Colombia quan ngại rằng, Mỹ sẽ không chỉ giới hạn các hoạt động của căn cứ Palenquero trong việc trấn áp nạn buôn lậu ma túy hay các vụ tấn công của FARC. Dư luận nghi ngờ rằng căn cứ này chỉ là nơi để Mỹ tiến hành hoạt động do thám các nước Nam Mỹ.
Chỉ 7 căn cứ quân sự ở Colombia đã đủ khiến các nước trong khu vực lo ngại. Nay thêm 2 quốc gia cho phép Mỹ tăng cường hoạt động quân sự thì các nước Mỹ Latinh không thể ngồi yên. Những động thái của Mỹ đang đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhom, chi phí quân sự trong khu vực đã đạt gần 40 tỷ USD trong năm 2008, cao hơn 36% trong vòng 5 năm trước đó.
Với việc Mỹ liên tục tăng cường hợp tác quân sự với Colombia và 2 nước “bí ẩn” của Mỹ Latinh tới đây có thể cho thấy Mỹ đang đẩy mạnh can thiệp không chỉ về kinh tế, chính trị mà còn cả quân sự vào khu vực này như hơn 40 năm về trước. Dư luận lo ngại rằng bằng việc đẩy mạnh hoạt động quân sự, Mỹ lại tiếp tục hỗ trợ các chế độ độc tài, lật đổ các chế độ dân chủ do dân bầu lên như hàng chục năm về trước, sẽ đưa khu vực trở lại thời kỳ bất ổn.
(THEO SGGP)