Nguồn vốn khuyến công: Hỗ trợ công nghiệp tại huyện Phú Giáo

Thứ bảy, ngày 14/12/2019

(BDO)  Việc nguồn vốn khuyến công hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến gỗ có điều kiện mua sắm máy móc, đẩy mạnh sản xuất là hướng đi đúng, phù hợp với định hướng của tỉnh và huyện Phú Giáo.

 Các đại biểu trao đổi trong buổi nghiệm thu đề án tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến gỗ Mộc Phát (huyện Phú Giáo)

 Đúng định hướng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đến nay, sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển. Tại Bình Dương, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.215 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, trong đó 905 DN trong nước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của DN gỗ trong tỉnh hiện nay là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thời gian gần đây, ngành chế biến gỗ của tỉnh còn phát triển các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ… Những năm qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các DN gỗ phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể là hiện nay, trên địa bàn tỉnh, khu công nghiệp tập trung của ngành gỗ đang được xây dựng. Hiện nay, ngành gỗ là một trong những ngành thế mạnh của Bình Dương với giá trị gia tăng cao.

Phú Giáo là huyện nằm phía đông bắc của tỉnh Bình Dương. Trong định hướng phát triển kinh tế, huyện Phú Giáo được xác định xây dựng trở thành địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao, gắn với đó, lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ cũng được chú trọng, vì đó là chất xúc tác, đòn bẩy để đưa nông nghiệp huyện phát triển ổn định và vững chắc hơn. Đến nay, toàn huyện đã hình thành một số nhóm ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu như chế biến nông sản thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến gỗ với quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã hình thành được 5 cụm công nghiệp, trong đó Cụm công nghiệp Tam Lập 1 đã có chủ đầu tư và đang triển khai xây dựng nhà máy luyện và sản xuất lốp cao su bán thép. Với chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của tỉnh, hiện nay Phú Giáo đã và đang tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển. Việc hỗ trợ cho ngành công nghiệp gỗ tại đại phương là việc làm đúng đắn.

Theo Phòng Khuyến công Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp thì công ty nằm trong địa bàn xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, thuộc khu vực phía đông bắc của tỉnh “đẩy mạnh công nghiệp ở khu vực nông thôn, tăng kim nghạch xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp, tăng mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm nông - lâm - thủy sản; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác), tập trung đẩy mạnh công tác khuyến công về các huyện phía bắc của tỉnh”. Đề án đặt ra phù hợp với thực tế nhu cầu đơn vị thụ hưởng của địa phương, đúng với đối tượng xin hỗ trợ, ngành nghề và nội dung đề án với Nghị định số 45/2012/NĐ- CP ngày 21-05-2012 của Chính phủ về khuyến công.

Công ty TNHH Sản xuất chế biến gỗ Mộc Phát được đăng ký thành lập vào ngày 22-01-2018 đến ngày 29-10-2018 có văn bản chấp nhận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Dương cho phép công ty được hoạt động sản xuất chế biến gỗ (không ngâm, tẩm). Địa điểm đầu tư, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Được sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công, công ty đã đầu tư nồi hơi sấy gỗ công nghiệp công suất 3.500kg/h, mới 100%, xuất xứ Việt Nam, theo hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp với tổng chi phí đầu tư: 500.000.000 đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 200.000 triệu đồng. Sản phẩm đề án này là gỗ đã được xử lý sấy. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, công ty đã tiến hành xây dựng nhà xưởng sản xuất trên diện tích 6.000m2, bước đầu công ty tiến hành đầu tư các máy móc như: 2 máy cưa CD, 4 máy cưa vòng; 5 phòng sấy gỗ diện tích 5m x 6m x 3m = 45m3; 1 nồi hơi sấy công nghiệp; hệ thống điện nước hoàn thiện; 1 trạm cân 80 tấn.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến gỗ Mộc Phát: Với chiến lược phát triển của công ty là xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến gỗ hiện đại, công nghệ tiên tiến công ty vẫn đang đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất, chú trọng công nghệ mới, xem đó là yếu tố quyết định thành công của dự án. Trong công nghiệp sản xuất các thiết bị, đồ dùng từ gỗ thì việc sấy gỗ là việc vô cùng quan trọng trong quy trình sản xuất. Do đó việc sử dụng lò sấy gỗ tự động, lò sấy gỗ hơi nước trong công nghiệp là không thể thiếu được để nâng cao năng suất của công việc.

Hỗ trợ DN nông thôn khởi nghiệp

Theo đánh giá của Phòng Khuyến công Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp,với mục tiêu xây dựng công nghiệp chế biến gỗ thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao để chủ động xâm nhập thị trường quốc tế: Tăng kim ngạch xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, gắn hoạt động sản xuất với bảo vệ môi trường thì việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng nồi hơi sấy gỗ công nghiệp trong sản xuất chế biến gỗ” cho Công ty TNHH Sản xuất chế biến gỗ Mộc Phát là hết sức cần thiết, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành gỗ tỉnh nhà, cũng như tiến đến xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ. Hơn nữa đề án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa bàn xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo. Đây là địa phương được ưu tiên phát triển xây dựng nông thôn mới, sự ra đời của công ty sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Sự thành công của đề án, sẽ phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến. Từ đó phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Hải Nam cho biết, do việc đầu tư xuất phát từ nhu cầu thực tế, nên sau khi đầu tư nồi hơi sấy gỗ công nghiệp công suất 3.500kg/h, sẽ giúp công ty nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường. Sau khi tiến hành đầu tư nồi hơi sấy gỗ công nghiệp công ty có thể hoàn thiện dây chuyền sản xuất giai đoạn 1, đã có thể bắt đầu quá trình sản xuất ra sản phẩm. Với các đơn hàng sẵn có công ty bảo đảm sẽ hoạt động thường xuyên bắt đầu sinh doanh thu, lợi nhuận. Ước đạt doanh thu 2 tỷ trong năm 2019. Khi hoạt động công ty sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương, bảo đảm chế độ tiền lương, ổn định đời sống cho người lao động. Sự hình thành và phát triển của công ty đồng nghĩa góp phần phát triển địa phương.

Ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp cho biết qua xem xét hồ sơ, công ty đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là DN nhỏ và vừa. Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng tài sản không quá 100 tỷ đồng. Ngành nghề đăng ký kinh doanh: Cưa, xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ. Chi tiết: Sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ (Có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. Hiệu quả mang lại sau khi kết thúc đề án là rất thiết thực và khả thi, góp phần hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn bắt đầu quá trình khởi nghiệp. Đây là hoạt động được sự quan tâm chỉ đạo hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ.

 KHẢI ANH