Nguồn thu từ cây cao su vẫn khả quan
(BDO) Giá mủ cao su hiện đang có chiều hướng tăng so với vài năm trước khiến người trồng cao su phấn khởi. Các chuyên gia trong lĩnh vực cao su nhận định, với mức giá bán mủ như hiện nay, việc canh tác cây cao su là ổn định và mang lại thu nhập khá so với các cây trồng khác.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, từ đầu năm đến hết tháng 9-2017, công ty đã khai thác được 18.892 tấn mủ, đạt 75,57% kế hoạch năm, so cùng kỳ năm trước tăng 10,56%; thu mua mủ cao su tiểu điền 11.526 tấn, đạt 92,21% kế hoạch, so cùng kỳ năm trước tăng 13,15%; tiêu thụ 29.755 tấn, đạt 79,35% kế hoạch, so cùng kỳ năm trước tăng 3,72%. Doanh thu 9 tháng của công ty đạt 1.536 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ mủ cao su là 1.290 tỷ đồng, đạt 94,48% kế hoạch, so cùng kỳ năm trước tăng 18,44%; tổng lợi nhuận 442 tỷ đồng, đạt 65,42% kế hoạch, so với cùng kỳ tăng 5,27%. Trong khi đó, thu nhập bình quân 8 tháng năm 2017 đạt 6,2 triệu đồng/công nhân/tháng, so cùng kỳ năm trước tăng 21,7%. Với những kết quả đã đạt được, dự báo năm 2017 công ty sẽ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đã đề ra.
Mủ cao su đưa vào quy trình sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: ĐÌNH HẬU
Ghi nhận cho thấy, hiện giá mủ cao su tiểu điền đạt hơn 35 triệu đồng/tấn. Với mức giá này, người nông dân nếu biết tiết kiệm các chi phí không cần thiết thì vẫn thu được lợi nhuận mỗi tấn mủ khoảng 5 triệu đồng. So với nhiều cây trồng khác như cây ăn quả thì thu nhập từ cây cao su vẫn cao.
Là một cán bộ “lão thành” trong lĩnh vực cây cao su, ông Lê Văn Khoa, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cũng không khỏi trăn trở về giá cả cao su bấp bênh trên thị trường. Tuy vậy, khi trò chuyện với chúng tôi ông Khoa vẫn bày tỏ tin tưởng giá mủ cao su sẽ tăng và ổn định trong thời gian tới. Ông phân tích, hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, diện tích trồng cao su chủ yếu là ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia… với tổng diện tích khoảng 12 triệu ha. Hiện các nước trên thế giới hầu như đều sử dụng các sản phẩm từ cao su thiên nhiên để sản xuất các mặt hàng công nghiệp. Điều đó chứng tỏ về lâu dài, sản phẩm từ cao su vẫn là mặt hàng có giá trị trên thị trường. Do đó, trong thời gian qua, chủ trương của Nhà nước tiếp tục vận động người dân giữ vững vườn cây cao su là đúng đắn.
Cũng theo ông Khoa, mức giá cao su hiện tuy có tăng nhưng vẫn ở mức trung bình. Vì vậy, để có thu nhập ổn định, người trồng cao su cần tiết kiệm tối đa chi phí trong quá trình sản xuất.
Ông Bùi Văn Hải, hộ có nhiều diện tích cao su ở xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Đã qua thời điểm người dân trồng cao su như chúng tôi nơm nớp lo âu, cứ mãi băn khoăn không biết nên chuyển dịch cơ cấu cây trồng hay là giữ lại vườn cây cao su. Băn khoăn, trăn trở là tâm trạng chung của người trồng cao su ở thời điểm giá mủ xuống thấp trầm trọng. Nhưng rồi được sự định hướng của chính quyền, chúng tôi vẫn tin tưởng vào cây cao su. Cho đến hôm nay, giá mủ đang có chiều hướng tăng trở lại, ai cũng ấm lòng. Đời sống của bà con nhờ vậy cũng được ổn định”.
Ông Nguyễn Thành Dự, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng chia sẻ, giá mủ cao su đang tăng đã mang lại những dấu hiệu tích cực trong đời sống của người dân. Toàn xã có diện tích hơn 1.000 ha cao su, do vậy sự biến động của giá cả đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con. Giá tăng đồng nghĩa với thu nhập tăng, công ăn việc làm ổn định, người dân có điều kiện đầu tư cho con cái học hành. Tuy vậy, về lâu dài, ngoài cây cao su, xã Thanh An đã có chủ trương phát triển thêm mô hình trồng cây có múi, áp dụng khoa học - công nghệ để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Đây là loại hình rất thích hợp với thổ nhưỡng ở Thanh An, bởi vùng đất này nằm ven sông Sài Gòn, có điều kiện tự nhiên, thiên nhiên thuận lợi và thích hợp trồng cây ăn trái
K.GIANG - Đ.HẬU