Nguồn nhân lực chất lượng cao: Yếu tố cốt lõi xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
(BDO) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn là yếu tố cốt lõi xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đó cũng là động lực đột phá kinh tế, nền tảng tiên quyết của Bình Dương trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh (TPTM).
Bình Dương chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trong ảnh: Sinh viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông thực nghiệm trong phòng FabLab
Nền tảng sáng tạo
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều thách thức, tiềm năng và cơ hội phát triển của Bình Dương vẫn còn rất lớn. Cơ hội phát triển được củng cố bằng việc xây dựng nhiều hệ sinh thái đột phá thời gian qua và trong tương lai”.
Thời gian qua, các đơn vị trong tỉnh thông qua liên kết các viện, trường và doanh nghiệp (DN) đã triển khai nhiều phòng thực nghiệm, nghiên cứu sản phẩm như TechLab, Fablab, phòng thí nghiệm 4.0 hướng tới các trải nghiệm công nghệ thực tế, hiện đại, thử nghiệm các ý tưởng nghiên cứu mới. Hiện nay, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm DN đang hình thành giai đoạn đầu và đã gặt hái được những kết quả thiết thực. Hơn nữa, tỉnh đang phát triển giáo dục theo mô hình STEM/STEAM (đào tạo kỹ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán, với cách tiếp cận liên môn để giải quyết vấn đề trong cuộc sống) cho bậc phổ thông, sớm nuôi dưỡng và phát huy tinh thần sáng tạo, đam mê khoa học công nghệ cho thanh thiếu niên nhi đồng.
Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu quan trọng nhất để thu hút đầu tư trong thời kỳ mới, đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra tiềm lực nhằm đột phá, hướng tới kinh tế tri thức, kinh tế số, đáp ứng nhu cầu mới trong xây dựng TPTM. Trong tương lai, các trường đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục giữ vai trò hết sức quan trọng để đáp ứng yêu cầu trên”.
Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) là trường đại học do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư xây dựng, là giải pháp đầu tư chiến lược dài hạn của Becamex IDC, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là cầu nối chuyển giao công nghệ cao, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “EIU là một trong 8 hệ sinh thái Bình Dương đã và đang phát triển. EIU được xác định là trọng tâm để xây dựng nhiều hệ sinh thái nhỏ cùng hòa quyện với nhau giữa các trường đại học, qua đó làm rõ vai trò trách nhiệm của mỗi bên trên nền tảng mô hình 3 nhà: Nhà khoa học (nhà trường) - nhà nước - nhà doanh nghiệp. Cùng với các trường đại học khác, EIU sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của DN và thu hút nguồn nhân lực hàm lượng chất xám cao đến địa phương”.
Phát huy hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC chia sẻ: “TPTM là phải tạo ra được giá trị gia tăng mới, thật sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo. Thực tế, năng suất lao động ở Bình Dương thời gian qua có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và chi phí. Trong khi tỷ lệ tự động hóa trong sản xuất ngày càng cao. Vấn đề đặt ra là đào tạo như thế nào để không ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng có việc làm, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn để xây dựng Bình Dương và đất nước”.
Đề án TPTM Bình Dương ra đời năm 2016 với mô hình 3 nhà (nhà khoa học - nhà nước - nhà doanh nghiệp) nhằm tạo bước đột phá kinh tế. Để phát huy hiệu quả mô hình 3 nhà, thúc đẩy sản xuất 4.0 cần đẩy mạnh liên kết giữa các bên. Nhằm góp phần thúc đẩy, thu hút và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại Bình Dương, EIU đã hình thành hệ sinh thái thứ cấp ngay trong nhà trường, bao gồm các đơn vị có mối tương quan chặt chẽ với nhau như: Trung tâm Thí nghiệm chế tạo Fablab, Vườn ươm DN Becamex, Công ty Aspire... Từ đó, góp phần phát triển và đẩy mạnh giá trị gia tăng cho địa phương và các vùng lân cận.
TS.Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng trường Đại học EIU, chia sẻ: “EIU hiện đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực cần thiết theo định hướng phát triển của địa phương như quản trị kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ thông tin, điều dưỡng... Trong những năm qua, song song với việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm chất lượng, EIU luôn quan tâm nghiên cứu khoa học, ký kết hợp tác với nhiều đối tác từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… kết nối với hơn 280 DN trong và ngoài nước, phục vụ các hoạt động giảng dạy, học tập”.
Là một trong những DN tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, Công ty Takako Việt Nam, KCN VSIP 1 đã đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại, không ngừng sáng chế, sáng tạo, cải tiến công cụ sản xuất nhằm tăng năng suất lao động. Ông Lê Duy Nhật Luân, Giám đốc Kỹ thuật công ty, chia sẻ: “Nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu thời gian và chi phí, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm hoạt động, công ty đã cải tiến thao tác. Nếu như trước đây phải tốn 4 nhân công để vận hành dây chuyền sản xuất, từ năm 2017 đến nay, nhờ cải tiến máy móc công ty chỉ cần 1 kỹ sư vận hành”.
PHƯƠNG LÊ